Chính vì vậy, địa phương một mặt giữ vững sản lượng khai thác xa bờ (giảm số lượng tàu nhưng tăng công suất khai thác); chuyển nghề khai thác hải sản sang nuôi biển theo hướng an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.

Thực tế từ năm 2015, tỉnh Kiên Giang đã có kế hoạch chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác thủy sản theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ, nghiêm cấm các hành động khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.

Cụ thể, theo chiến lược phát triển kinh tế biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, tỉnh Kiên Giang đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu nghề khai thác đánh bắt hải sản theo hướng đánh bắt xa bờ, hạn chế khai thác vùng ven bờ.

Kiên Giang cũng cũng ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác thủy sản sang các nghề khác, hỗ trợ ngư dân trong thời kỳ cấm khai thác thủy sản. Trong đó lĩnh vực nuôi biển đang được địa phương tập trung đẩy mạnh, nhằm thay thế hoạt động khai thác gần bờ.

Nói về chiến lược này, ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang chia sẻ, Kiên Giang có diện tích ngư trường rộng lớn, nhiều thủy sản có giá trị cao tuy nhiên do biến đổi khí hậu cộng với số lượng tàu cá quá đông khiến hoạt động khai thác bị ảnh hưởng.

nuoi bien 9.jpg
Kiên Giang có điều kiện lý tưởng cho hoạt động nuôi biển gần bờ và xa bờ. 

“Xác định kinh tế biển là hướng phát triển chủ lực, do đó ngoài giữ vững lĩnh vực khai thác hải sản truyền thông tỉnh Kiên Giang cũng đang tập trung các nguồn lực, đồng bộ, hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế biển với các lĩnh vực khác có thế mạnh như nuôi biển theo hướng công nghiệp, du lịch biển đảo…”, ông Thao nhấn mạnh.

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, với 200 km đường bờ biển cùng với hơn 140 đảo lớn, nhỏ (tạo thành 05 quần đảo, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc) – đây là điều kiện lý tưởng cho hoạt động nuôi biển gần bờ và xa bờ.

Hiện diện tích nuôi biển của tỉnh Kiên Giang (tính đến tháng 12/2023) đã đạt khoảng 23.400 ha, sản lượng thu hoạch hơn 83.530 tấn, trong đó, cá biển 3.762 lồng, sản lượng trên 2.920 tấn và nhuyễn thể hơn 80.610 tấn.

“Phạm vi nuôi biển trên địa bàn tỉnh phân chia thành 2 vùng rõ rệt: Vùng hải đảo, bao gồm huyện đảo Kiên Hải, TP Phú Quốc; các xã đảo Tiên Hải và TP Hà Tiên; các xã đảo Sơn Hải, Hòn Nghệ của huyện Kiên Lương. Khu vực này chủ yếu được bố trí nuôi cá biển chủ yếu theo hình thức lồng bè, với các đối tượng cá bớp, cá mú, cá chim vây vàng…

Trong khi vùng ven biển/ ven bờ gồm các xã, phường ven biển thuộc các huyện An Minh, An Biên, Hòn Đất và Kiên Lương, được người dân bố trí nuôi nhuyễn thể, thả giống ngoài bãi triều và nuôi kết hợp trong vuông tôm, dưới tán rừng phòng hộ, với các đối tượng sò huyết, sò lông, hến biển, vẹm xanh, nghêu…”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Kiên Giang nói.

Để đẩy mạnh phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp thay thế cho hoạt động khai thác gần bờ, tỉnh Kiên Giang đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn về quy trình kỹ thuật nuôi mới, công nghệ hiện đại, xây dựng các mô hình nuôi biển ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, nuôi các đối tượng có giá trị kinh tế.

Về vật liệu lồng nuôi, Kiên Giang cũng vận động nhân dân chuyển đổi từ lồng nuôi truyền thống sang sử dụng lồng nuôi vật liệu HDPE kết hợp sử dụng thức ăn viên công nghiệp. Riêng Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang có vai trò điều phối các lớp tập huấn và vận động, khuyến khích người nuôi tham gia chuỗi liên kết trong sản xuất.

Đặc biệt, để hoạt động nuôi biển theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang có nhiệm vụ cấp phép số lượng lồng nuôi biển (dựa trên quy hoạch không gian biển của từng địa phương), cấp mã số cơ sở nuôi cho các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cùng với Sở TN&MT có nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh vùng nuôi biển, tăng cường năng lực chuyên môn cho công tác giám sát chất lượng môi trường nước.

Ngoài ra tỉnh Kiên Giang cũng kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có năng lực đầu tư nuôi biển, đề xuất áp dụng cơ chế chính sách hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức nuôi biển công nghiệp. Vận động thành lập các hợp tác xã nuôi biển hoặc kết hợp giữa doanh nghiệp và người dân cùng tham gia sản xuất thức ăn công nghiệp, chế biến xuất khẩu và trại sản xuất con giống…

“Kiên Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, phát triển 7.500 lồng nuôi biển, trong đó, 1.900 lồng công nghệ cao và nuôi nhuyễn thể 24.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt 113.530 tấn, trong đó, cá nuôi lồng bè 29.870 tấn, nhuyễn thể 83.660 tấn.

Mục tiêu đến năm 2030, tỉnh phát triển 14.000 lồng nuôi biển, trong đó, 6.600 lồng công nghệ cao và nuôi nhuyễn thể 25.000 ha; sản lượng nuôi biển đạt 207.190 tấn, trong đó, cá nuôi lồng bè 105.720 tấn, nhuyễn thể 101.470 tấn”, ông Thao cho biết thêm.

Thanh Hà và nhóm PV, BTV