Nhờ các hoạt động thanh, kiểm tra nên nhiều hành vi mua bán động vật hoang dã tại Kiên Giang đã được phát hiện. Gần đây nhất, này 14/11/2023, Công an huyện Hòa Đất, tỉnh Kiên Giang đã bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Đệ (SN 1968, trú tại Tân Biên, Tây Ninh) về hành vi phạm vận chuyển trái phép động vật hoang dã.
Tang vật là 10 con khỉ đuôi dài còn sống, tổng trọng khoảng 20kg. Xác định các cá thể khỉ đuôi dài thuộc nhóm IIB trong danh mục động vật rừng nguy cấp quý hiếm. Đệ cho biết đây là 10 con khỉ săn bẫy được ở Phú Quốc và đưa về Tây Ninh để nấu cao bán. Trên đường mang đi tiêu thụ thì Đề bị công an phát hiện bắt giữ.
Ngoài tăng cường kiểm tra, truy quét, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường – Công an tỉnh Kiên Giang thường xuyên tổ chức tuyên truyền cho người dân về công tác bảo vệ động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, người dân tại đây đã tự nguyện giao nộp các cá thể động vật hoang dã. Ghi nhận trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kiên Giang đã tiếp nhận 128 cá thể do các cá nhân tự nguyện giao nộp, bao gồm: 18 cá thể động vật rừng nhóm IIB, và 110 cá thể động vật rừng nhóm thông thường.
Phần lớn các loài động vật hoang dã được giao nộp đều thuộc loài động vật rừng nguy cấp, quý hiếm như Kỳ đà hoa, Mèo rừng, Rùa răng, Rùa Núi vàng, Còng cọc...
Để giảm tình trạng mua bán, nuôi nhốt, khai thác trái phép động vật hoang dã, các lâm sản quý khác trên địa bàn, Kiên Giang đã tập trung vào công tác tuyên truyền cho người dân về vai trò của việc bảo tồn đa dạng sinh học, phổ biến pháp luật về Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học.
Từ năm 2021, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành hướng dẫn về công tác tuyên truyền việc thực hiện không săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Các nội dung tuyên truyền tập trung và các chính sách pháp luật. Đặc biệt, tuyên truyền cho thế hệ trẻ hành động chung tay bảo tồn, phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học. Các quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi liên quan đến động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Các đơn vị liên quan như Chi cục Kiểm lâm tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và Công ước Quốc tế và về thực trạng thực hiện các hành vi nghiêm cấm: săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo, xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Biên soạn các tài liệu, ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp, pano, áp phích, khẩu hiệu... và phát hành rộng rãi trong nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm.
Các hoạt động truyền thông hướng đẩy lùi nguy cơ săn, bắt, buôn bán, góp phần ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của các loài đã góp phần hiệu quả trong xử lý các điểm đen về xâm hại động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp, quý hiếm. Trong cộng đồng dân cư đã hưởng ứng sôi nổi nhiều phong trào lên án, tẩy chay hành vi mua bán, nuôi nhốt động vật hoang dã.
Năm 2023, UNBD tỉnh Kiên Giang đã đưa ra nhiều giải pháp về bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường thực thi pháp luật về đa dạng sinh học như giao cho Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động xâm hại đến an ninh quốc gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học, phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm trong bảo vệ đa dạng sinh học. Ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học trong kế hoạch, chương trình, dự án về phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản.