Định hình và đọc hiểu hệ gen cho kiến trúc Việt Nam thời kỳ đổi mới toàn diện và hội nhập sâu rộng, KTS. Hoàng Thúc Hào, PGS.TS. KTS. Nguyễn Quang Minh cho hay, bằng những hoạt động miệt mài có phần thầm lặng của mình, giới KTS đã và đang định hình nên một “hệ gen” kiến trúc Việt Nam ngày nay, gồm bốn hợp phần, gắn với bốn thực thể tham gia, giúp cộng đồng xã hội nói chung đọc hiểu cấu trúc của hệ gen nói trên để có những ứng xử và chọn lựa phù hợp theo hướng lành mạnh hóa, trên cơ sở ấy sẽ giúp kiến trúc Việt Nam tăng tốc độ cũng như nâng tầm vóc trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa.
Theo đó, Gen 3 – Xã hội và Gen 4 – Phong tục được 2 KTS luận bàn như sau: Thiết chế văn hóa cùng những phong tục, tập quán và quan niệm được thể hiện rõ qua cấu trúc không gian sinh sống của cộng đồng dân cư, từ quy mô làng xóm cho đến phạm vi nhỏ là mỗi căn nhà, và một trong những biểu hiện rõ nhất chính là cách thiết kế nhà ở và nhà văn hóa cộng đồng.
Cùng là lối sống quần tụ vài chục gia đình trong họ tộc trên một khu đất nhưng nhà người Kinh lại tách rời nhau, xen kẽ với vườn tược ao chuồng, trong khi nhà người Ê-đê lại kề vách nhau tạo thành dãy dài. Đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc khí hậu đông lạnh giá rất coi trọng bếp lửa, bếp là không gian trung tâm của căn nhà.
Trong khi ấy người Kinh lại quan niệm bếp là nhà phụ, xây tách khỏi nhà chính. Cũng chiếm vị trí trung tâm và cùng có sân nhưng đình làng của người Kinh và nhà Rông của người Tây Nguyên lại khác hẳn nhau ở quan niệm. Sân đình luôn đặt ở trước đình làng vì người Kinh chỉ tập trung phía trước đình trong khi sân nhà Rông lại ở bốn phía, vì đồng bào dân tộc Tây Nguyên khi có lễ lạt hoặc hội họp thường đi vòng quanh nhà Rông và gõ chiêng.
Một khía cạnh nữa của bối cảnh xã hội ngày nay là: Quá trình toàn cầu hóa đang làm thế giới xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, chia sẻ giá trị chung và cùng phát triển thông qua hợp tác, chuyển giao. Đó là mặt tích cực. Nhưng cơ hội luôn đi kèm thách thức. Toàn cầu hóa có xu thế đẩy những cộng đồng thiệt thòi và các nhóm dân tộc thiểu số ra xa sự phát triển chung của toàn xã hội vì một số nguyên nhân, trong đó căn bản là những khu vực này hầu hết ở vùng sâu vùng xa, đi lại khó khăn, cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin còn nhiều hạn chế.
Quá trình đô thị hóa ồ ạt với các thiết kế rập khuôn, áp đặt thẩm mỹ, khiến đời sống tinh thần con người ngày càng đơn điệu, áp lực. Đô thị lan rộng, vây bọc làng xóm, “gặm nhấm” dần làng xóm, thu hút các nguồn lực từ nông thôn, khiến cho những làng quê thêm vắng vẻ và ít hoạt động. Sự phát triển mất cân bằng, mật độ dân số tăng nhanh và khai thác quá mức ở nơi này tương phản với tình trạng bị bỏ quên, thiếu thông tin và chậm tiến tại nơi khác. Đó là một nguy cơ đã được các nhà văn hóa học và xã hội học cảnh báo.
Ở đây không thể không nhắc đến vai trò của nhận thức trong giới chuyên môn và rộng hơn là trong cộng đồng.
Một trong những thách thức đặt ra cho KTS ngày nay là bằng cách nào có thể làm việc cho những cộng đồng yếu thế, bị gạt ra lề xã hội, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa bản địa, không bị hòa tan bởi các xu hướng kiến trúc thực dụng gắn với thương mại đang tràn lan, vượt quá tầm kiểm soát. KTS cần nhận thức rõ hơn quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa ngày nay, thấy bức tranh toàn cảnh thực trạng bất cập của sự phát triển đô thị và nông thôn, “gạn đục khơi trong” để phát triển một số giải pháp có hiệu quả nhìn thấy rõ nhằm gìn giữ và phát huy những tinh chất cốt lõi của kiến trúc, văn hóa dân tộc và địa phương, không để toàn cầu hóa, đô thị hóa và hiện đại hóa bào mòn đi căn cốt của các làng quê truyền thống. Giới làm nghề không chỉ đi tiên phong, mà còn phát huy ảnh hưởng tích cực sang những đối tượng khác có liên quan trong suốt quá trình hợp tác.
Nếu nhìn lại một cách khách quan và đánh giá đa chiều, chương trình phát triển nông thôn mới còn thiên về bề nổi mà chưa thực sự đi vào chiều sâu, thể hiện qua khuyến nghị áp dụng một số mẫu thiết kế rập khuôn sao cho “nhanh – nhiều – tốt – rẻ” mà chưa quan tâm đến bản sắc và bối cảnh khác biệt, có phần áp đặt thẩm mỹ, khiến đời sống tinh thần của người dân nông thôn chưa được cải thiện đáng kể như mong đợi. Thay vì đến nhà văn hóa cộng đồng hàng ngày hoặc vài lần mỗi tuần, họ chỉ đến một đôi lần trong tháng. Thời gian còn lại nhà văn hóa khóa cửa để đấy hoặc cho thuê với những mục đích khác như kinh doanh.
Dù KTS là người khởi xướng và đi trước mở đường, việc bảo tồn di sản và giữ gìn – phát huy bản sắc văn hóa cũng như kiến trúc vẫn phụ thuộc phần lớn vào cộng đồng với tư cách là chủ thể thụ hưởng giá trị của di sản và bản sắc. Cộng đồng đóng vai quan trọng trong việc hiện thực hóa những dự án bảo tồn di sản trong khu vực mà họ sinh sống, thông qua các hoạt động cụ thể và thiết thực hàng ngày, như tôn trọng vùng đệm quanh di sản, không xâm lấn, xây dựng trái phép hay kinh doanh gây ảnh hưởng đến di tích, tham gia các nghi lễ, lễ hội một cách văn minh, tuân thủ những phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục.
Nhận thức này không thể đóng khung trong một hoặc vài nhóm đối tượng, mà phải được phổ biến ra cả xã hội và thực hiện thật nghiêm chỉnh để tạo nên sức mạnh tổng thể đủ sao cho sẽ đạt được những bước “đột phá”. Để có thể thay đổi nhận thức xã hội cần hội tụ đủ các điều kiện, và thường có sự khởi xướng, các tầng lớp trí thức – tinh hoa của xã hội luôn “lĩnh ấn tiên phong”.
Hơn nữa, quy hoạch và phát triển đô thị hiện đại rất coi trọng sự tham gia của cộng đồng, xem đó là chìa khóa dẫn đến thành công. Sự tham gia của cộng đồng – ở mức độ cao mang tính chủ động và tích cực – chỉ có thể phát huy hiệu quả khi sự thay đổi nhận thức được kích hoạt.