Chia sẻ với hãng tin Reuters hôm 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho hay, Đan Mạch sẽ là quốc gia phương Tây đầu tiên cung cấp F-16 cho Ukraine, và sau đó là Hà Lan.

“Tôi rất tự tin rằng chúng tôi sẽ bắt đầu giao F-16 vào mùa hè này. Đan Mạch trước tiên, và chúng tôi đã có lịch trình trong nửa cuối năm là F-16 của Hà Lan”, bà Ollongren không cung cấp thông tin chi tiết về số lượng F-16 trong lô đầu tiên giao cho Kiev. 

f 16 ukraine.jpg
Tiêm kích F-16. Ảnh: bne IntelliNews

Theo bà Ollongren, phương Tây sẽ khó có thể cung cấp cho Ukraine tất cả viện trợ cần thiết, giữa lúc Quốc hội Mỹ chưa thông qua đề xuất của Tổng thống Joe Biden về việc hỗ trợ thêm cho Kiev 60 tỷ USD.

Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan cũng kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) tăng cường sản xuất đạn dược, bởi khả năng xung đột Ukraine sẽ kéo dài.

Các nước phương Tây đã thành lập một liên minh quốc tế để giúp Ukraine sở hữu tiêm kích F-16 do Mỹ thiết kế, và đào tạo phi công cho Kiev. Theo kế hoạch, Ukraine có thể nhận được hơn 40 chiếc F-16. Trong đó, Đan Mạch cam kết gửi cho Kiev 19 chiếc, và Hà Lan là 24.

Báo chí cũng đưa tin, Na Uy có thể gửi cho Ukraine từ 5 - 10 chiếc F-16, trong khi Bỉ cam kết hỗ trợ Kiev với số lượng không được tiết lộ.

Ấn Độ muốn xung đột Ukraine sớm kết thúc

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 20/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga – Ukraine.  

Cuộc gọi diễn ra vài giờ sau khi ông Modi điện đàm với Tổng thống Vladimir Putin để thảo luận về việc mở rộng các mối quan hệ Nga - Ấn Độ, cũng như tình hình ở Ukraine.

Chia sẻ trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter), ông Modi cho biết ông đã “truyền đạt sự ủng hộ nhất quán của Ấn Độ đối với mọi nỗ lực vì hòa bình, và sớm chấm dứt xung đột” tới nhà lãnh đạo Ukraine. Ông nói thêm, New Delhi hứa sẽ cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Kiev.

Bình luận về cuộc trò chuyện với Thủ tướng Modi, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine coi việc Ấn Độ tham gia vào hội nghị hòa bình được đề xuất tổ chức ở Thụy Sĩ vào cuối năm nay là “quan trọng”. Tuy nhiên, Moscow đã gọi cuộc họp tiềm năng này là “vô nghĩa”, và cho biết không có ý định tham gia ngay cả khi được mời chính thức. 

Hãng tin Bloomberg cho hay, New Delhi vẫn hoài nghi về việc liệu một hội nghị thượng đỉnh hòa bình mà không có sự tham gia của Nga có đạt hiệu quả hay không.

Ấn Độ vẫn tiếp tục duy trì các mối quan hệ chính trị và kinh tế mạnh mẽ với Nga bất chấp áp lực của phương Tây. New Delhi đã nhiều lần nhấn mạnh, xung đột Ukraine phải được giải quyết thông qua ngoại giao, và đối thoại.