Từ kem đánh răng vị cà rốt, khẩu trang than hoạt tính đến xe máy và tấm pin năng lượng mặt trời – hàng hóa Triều Tiên tự sản xuất đang chiếm ngày càng nhiều chỗ trong các cửa hiệu và siêu thị nước này, thay thế hầu hết hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hiện nay, chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cân nhắc siết chặt cấm vận đối với Triều Tiên để ép chính quyền Kim Jong Un phải giải giáp các chương trình hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, theo những người tới thăm Triều Tiên thời gian gần đây, Bình Nhưỡng đang theo đuổi chính sách kép: tự phát triển cả quân sự lẫn kinh tế.

{keywords}

Triều Tiên đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng hàng hóa trong nước. (Ảnh: Reuters)


Đa số các sản phẩm tiêu dùng ở Triều Tiên thường là nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong Un, nước này đã nỗ lực sản xuất và bán các loại hàng hóa nội địa, nhằm tránh thất thoát dòng tiền và tăng cường ý thức tự lực tự cường.

Theo hãng tin Reuters, hiện không có dữ liệu chính xác về tỷ lệ hàng hóa tự sản xuất đang lưu thông ở Triều Tiên. Các số liệu về nhập khẩu từ những nước như Trung Quốc và Malaysia cũng khó mà phản ánh chính xác.

Bộ Thương mại Trung Quốc từ chối trả lời khi được hỏi liệu xuất khẩu của nước này sang Triều Tiên đang giảm có phải là do Triều Tiên chủ trương tự sản xuất hàng hóa hay không. Tuy nhiên, những người đến Triều Tiên mô tả, các công ty lớn của Triều Tiên như Air Koryo - vận hành hãng hàng không quốc gia – và tập đoàn Naegohyang đều tích cực đa dạng hóa hoạt động, tham gia sản xuất nhiều loại hàng hóa tiêu dùng như quần áo thể thao và thuốc lá.

Tới thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 4, một nhóm phóng viên của hãng tin Reuters đã tới một cửa hàng thực phẩm và thấy rằng các kệ hàng tại đó chất đầy đồ uống, bánh quy và các thực phẩm cơ bản được sản xuất trong nước. Những vị khách khác thì chứng kiến thực phẩm đóng hộp, cà phê, kem đánh răng, xà phòng, xe đạp... gắn mác nội địa được bày bán khắp thành phố.

"Vì nhiều nhà máy mới mở cửa, việc dán nhãn, đóng gói và liệt kê các thành phần của sản phẩm đã được cải thiện", một người bán hàng tên là Rhee Kyong-sook, 33 tuổi, kể.

Kim Chul-ung, một giáo viên 39 tuổi có mặt tại cửa hàng, bày tỏ: "Tôi có thể cảm nhận vị hoa quả thực sự trong các loại đồ uống sản xuất ở Triều Tiên so với các loại đồ uống ở những nước khác".

Du khách tới Triều Tiên cho biết, hàng hóa của Triều Tiên sản xuất ngày càng tinh vi và mở rộng, với rất nhiều loại, hạng. Người bán hàng cũng trở nên cạnh tranh hơn, họ thường đưa mẫu thực phẩm của mình cho khách thử, khác hẳn thói quen bán hàng của 5 năm trước.

"Khoảng năm 2013, Kim Jong Un bắt đầu nói về sự cần thiết phải thay thế hàng hóa nhập khẩu", Reuters dẫn lời Andray Abrahamian thuộc tổ chức Trao đổi Choson có trụ sở ở Singapore chuyên đào tạo người Triều Tiên các kỹ năng kinh doanh. "Có một nhận biết rất rõ rằng quá nhiều hàng hóa đang được nhập khẩu từ Trung Quốc, không chỉ hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao mà còn cả những mặt hàng như thực phẩm".

Các thương gia và nhà bán lẻ thừa nhận thị trường Triều Tiên hiện nay rất hấp dẫn.

"Người Triều Tiên ngày càng không muốn dùng sản phẩm của Trung Quốc nữa, vì họ chê chất lượng kém", một doanh nhân chuyên xuất hàng tiêu dùng tới Triều Tiên mô tả. Bên cạnh đó, ở Trung Quốc đã xảy ra nhiều bê bối an toàn thực phẩm trong những năm gần đây, trong đó có gạo và sữa bột nhiễm độc, cũng khiến cho dân Triều Tiên e ngại.

"Các bà mẹ ở Triều Tiên cũng giống như các bà mẹ ở Trung Quốc, Canada hay nước khác, họ muốn cho con mình ăn thức ăn tốt nhất có thể. Tôi đã thấy khách ở một cửa hàng so sánh sản phẩm của Trung Quốc và của Triều Tiên rồi chọn hàng trong nước" - Michael Spavor thuộc Paektu Exchange, tổ chức chuyên đưa người đầu tư, du khách tới Triều Tiên, kể.

Mặc dù vậy, Triều Tiên hiện vẫn phụ thuộc lớn vào thương mại với Trung Quốc, và phần lớn các nguyên vật liệu thô để chế tạo và sản xuất hàng hóa tiêu dùng chủ yếu vẫn nhập từ Trung Quốc.

Thanh Hảo