Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam” vào sáng 5/12/2023 tại Hà Nội.

Đến dự và phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, “Về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định rõ quan điểm, mục tiêu, các chủ trương lớn, khâu đột phá và các giải pháp chủ yếu trong phát triển kinh tế biển, để đến năm 2045: “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.”.

Sau 5 năm triển khai Nghị quyết 36, kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cho cả nước. 

Theo Ban tổ chức, Hội thảo khoa học “Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”  đã thu hút được sự tham gia và đóng góp ý kiến của nhiều nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp và các bài tham luận đến từ đại diện lãnh đạo các Ban, bộ, ngành, địa phương; cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; chuyên gia trong lĩnh vực biển, đảo...

Các bài tham luận xoay quanh nhiều chủ đề như: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển bền vững kinh tế biển; thực trạng phát triển các ngành kinh tế biển của Việt Nam hiện nay; công tác đối ngoại, tuyên truyền, thông tin đối ngoại liên quan đến vấn đề biển đảo hiện nay…

tin 3.jpg
Kinh tế biển đã có được những sự phát triển quan trọng, tạo ra được những động lực phát triển cho từng địa phương và cho cả nước. 

Tại Hội thảo, các ý kiến phát biểu, tham luận đều khẳng định: Việt Nam là quốc gia biển, biển đảo có vị trí chiến lược trọng yếu trên các phương diện quốc phòng, kinh tế, hợp tác quốc tế. Do vậy, phát triển kinh tế biển Việt Nam phải hài hoà, phù hợp với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng. 

Bình Minh và nhóm PV, BTV