Ông Lê Đăng Dũng, quyền Chủ tịch Viettel cho rằng, để tham gia vào cách mạng 4.0, chúng ta phải phá hủy nhiều thứ đã tồn tại trước đó. Muốn thế, tư duy phải rất mạnh dạn, chấp nhận phá hủy những cái đã có. Chính sách và thể chế phải chấp nhận cái mới. Điều này nói có thể đơn giản và cũng đang được nói nhiều nhưng thực thi trong thực tế còn chậm. Ví dụ, khi chúng ta muốn thúc đẩy ngân hàng số nhưng đường đi và thể chế cho nó thì vẫn còn bàn cãi rất nhiều.
"Để điều hành xã hội số, bắt buộc phải xây dựng Chính phủ số. Trong cuộc cách mạng 4.0, người dân đang đi nhanh hơn vì lớp trẻ tiếp cận cái mới rất nhanh và 4.0 đúng là giúp con người rất nhiều trong sinh hoạt, chữa bệnh, học tập, kinh doanh… Nhưng nhiều khi áp dụng thì lại vướng thể chế, chính sách. Nếu làm tốt phần này thì chắc chắn xã hội sẽ đi nhanh. Theo đó, Viettel đặt cho mình 2 nhiệm vụ: Tạo ra các sản phẩm chuẩn công nghệ 4.0 theo đúng định hướng của mình, hai là thể hiện tiếng nói và góp phần thúc đẩy thể chế đi nhanh hơn, Chính phủ số đi nhanh hơn", ông Dũng chia sẻ.
Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển. |
Theo ông, nếu mỗi ngày thức dậy mà vẫn nói chúng ta đang ở xuất phát điểm trong cuộc cách mạng lần thứ 4 này thì nghĩa là chúng ta đã chậm với thế giới rất nhiều. Cứ mỗi tháng trôi đi, nửa năm trôi đi thì thế giới đã đi rất xa. Chính vì vậy, để không đánh mất cơ hội của chính mình cả xã hội từ chính phủ đến các doanh nghiệp không chỉ có quyết tâm cao mà cần có hành động cụ thể để chuyển đổi số.
Bình luận về cơ hội chuyển đổi số, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch FPT cho hay, chuyển đổi số quốc gia là chuyển đổi toàn bộ nền kinh tế, doanh nghiệp; chuyển đổi toàn bộ xã hội sang xã hội số nhằm mục tiêu tăng năng suất lao động, thay đổi toàn diện cơ cấu việc làm, tạo ra động lực tăng trưởng vượt bậc cho đất nước.
Nhà lãnh đạo số là những người biết sử dụng các công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 để hỗ trợ cho hoạt động trí óc của mình. Nhà lãnh đạo hiện nay ai cũng cần phải chuẩn bị cho mình một kỹ năng số để đổi mới sáng tạo, đào tạo máy móc nhanh chóng phục vụ cho doanh nghiệp của mình bởi “tốc độ” là triết lý thành công của cuộc Cách mạng 4.0.
Theo ông Trương Gia Bình, một nhà lãnh đạo số cần phải biết được 3 năm tới, trong không gian số thì mình đang ở đâu và những cái gì trong năm đầu tiên chuyển đổi số mình phải làm xong. Quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam chỉ diễn ra trong vòng 15 năm tới nên các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt cơ hội này để phát triển và thay đổi mình. “Nếu không thành công trong giai đoạn này, chúng ta sẽ phải đổi mặt với dân số già, nghèo đói và môi trường bị hủy hoại”, ông Bình cho hay.
Chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp ICT mới đây, ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT nhấn mạnh rằng, chuyển đổi số chính là cuộc chuyển đổi từ không gian quen thuộc truyền thống (mặt đất, biển, bầu trời, vũ trụ) lên không gian mạng.
Chuyển đổi đầu tiên là mức độ số hóa thông tin. Cao hơn nữa là số hóa một quy trình nghiệp vụ và mức cao nhất là mang cơ quan, tổ chức từ môi trường truyền thống lên môi trường mạng. Tiến trình chuyển đổi số có điều kiện diễn ra nhanh hơn trong 5 năm gần đây do cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Tại Việt Nam, quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu, đặc biệt trong một số ngành như tài chính, giao thông vận tải, nông nghiệp và du lịch…
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Chính phủ coi kinh tế số là động lực quan trọng phát triển để đưa Việt Nam tiến nhanh, đi tắt trong phát triển”.
Theo Thủ tướng, đất nước phải ổn định để phát triển, muốn phát triển thì động lực quan trọng nhất là phải sử dụng công nghệ, nhất là công nghệ số. Tổ quốc có phát triển mạnh mẽ hay không là ở việc áp dụng công nghệ.
Đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số
Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt, với tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.
Chương trình xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Chương trình này hướng tới mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, các mục tiêu đến năm 2025 là đưa kinh tế số Việt Nam chiếm 20% GDP. Cùng với đó, Chương trình cũng hướng tới mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về CNTT, nhóm 50 nước dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh và thuộc nhóm 35 nước dẫn đầu về đổi mới sáng tạo.
Đối với phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách số, các mục tiêu cơ bản đến năm 2025 sẽ có hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã, phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh và có tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50.
Lê Na, Hồng Khanh