Tăng trưởng top đầu thế giới

Theo Tổng cục Thống kê, GDP quý II năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2021. Tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm đạt 6,42%. Nền kinh tế có tín hiệu phục hồi mạnh mẽ.

Nhiều dự báo cho rằng, nền kinh tế sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí có thể 7% trong năm 2022.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho biết, bức tranh kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sáng hơn nhiều so với thế giới. Lạm phát cũng ở mức rất thấp, chỉ 2,4% trong 6 tháng, còn dư địa so với mức mục tiêu 4% và thấp hơn nhiều so với con số 8-10% ở nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.

Ông Thái Phạm, nhà sáng lập Công ty Đầu tư Tài chính và Thịnh vượng Happy Live cho rằng nền kinh tế thế giới đang ở trong tình trạng khá xấu, lạm phát leo thang do căng thẳng Nga-Ukraine và hâu quả của chính sách tiền rất nhanh và mạnh của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các NHTW từ 2020.

Thị trường chứng khoán đang trong xu hướng giảm.

Xu hướng thắt chặt tiền tệ để kiểm soát lạm phát có thể khiến tăng trưởng GDP toàn cầu có thể chỉ còn 2,9-3,1%. Tuy nhiên, trong bức tranh tăng trưởng chậm của Trung Quốc và các nền kinh tế G7 có điểm sáng là ASEAN, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam không chế dịch bệnh nhanh, khôi phục sản xuất thần kỳ. Theo dự báo World Bank, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 5,8% trong năm 2022. Trong khi đó, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng của Việt Nam là 6%, còn ADB dự báo 6,5%.

Theo ông Thái Phạm, với mức tăng 7,72% trong quý II và nền thấp 2021 do dịch bệnh, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đạt trên 6,5% hoàn toàn đạt được trong 2022. Với mức lạm phát thấp hơn lạm phát toàn thế giới trong nửa đầu 2022, nhiều kỳ vọng cho rằng Việt Nam sẽ kiềm chế lạm phát dưới mức 4%.

Hiện nội lực của Việt Nam tốt hơn nhiều so với hồi 2008, với dự trữ ngoại hối hiện đạt trên dưới 100 tỷ USD. Việt Nam cũng là nước đang xuất siêu. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đẩy mạnh rút tiền về.

Theo Maybank Việt Nam, GDP thực tế tiếp đà phục hồi sau COVID trong quý II, với kết quả tốt nhất kể từ năm 2017. Tổ chức này nâng dự báo GDP năm 2022 lên 6,9% (từ mức dự báo +5,8% trước đó) nhờ mức so sánh thấp so với mặt bằng năm trước. Dự báo lạm phát ở mức 3,7%.

Theo IMF, Việt Nam sẽ chỉ mất hơn 4 năm nữa là sẽ vượt qua Indonesia về GDP bình quân đầu người. Theo đó, đến năm 2026, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 6.140 USD/người, xếp sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Quy mô GDP đến 2025 sẽ ở vị trí thứ 33, sau Indonesia và Thái Lan.

Chứng khoán trong xu hướng giảm

Mặc dù triển vọng kinh tế khá tươi sáng so với thế giới nhưng theo các chuyên gia, thị trường cổ phiếu Việt Nam chịu nhiều áp lực. Thị trường chứng khoán có thể hồi phục trong ngắn hạn sau đợt giảm sâu 3 tháng qua. Nhưng về trung hạn có thể giảm tiếp.

Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, bức tranh kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm sáng hơn nhiều so với thế giới. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sụt giảm mạnh như chứng khoán thế giới.

Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu CSI, chỉ số VN-Index từ mức 1.530 điểm trong tháng 1/2022 đã giảm xuống mức 1.197,6 điểm hồi cuối tháng 6, tương đương mức giảm gần 22%. HNX-Index cũng giảm khoảng  41% so với đầu năm và 45% so với đỉnh.

Kỳ vọng tăng trở lại.

Chỉ số giá/thu nhập mỗi cổ phiếu (P/E) trung bình tại 30/6 là 12,81 lần, thấp hơn 18% so với PE trung bình trên thị trường. Tuy nhiên, thanh khoản khá thấp, trong 3 tháng gần đây giảm 30-35%, so với trung bình 2021.

Về dài hạn, ông Kháng tin tưởng chứng khoán Việt Nam vẫn có xu hướng tăng theo triển vọng đi lên của nền kinh tế.

Trong ngắn hạn, sau 3 tháng rơi hơn 20% từ đỉnh, thị trường cổ phiếu có thể hồi phục sau khi VN-Index có 2 lần test đáy 1.160 điểm trong tháng 5 và tháng 6. Thị trường có thể hồi phục trong ngắn hạn lên 1.265 điểm thậm chí 1.285 điểm sau đó trở lại xu hướng giảm, có thể xuống sâu hơn.

Theo ông Kháng, thị trường được hỗ trợ mạnh ở ngưỡng 980-1030 điểm. Khi đó, PE ở mưc khoảng 11 lần. Với mức 1.030 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một đợt sideway lình xình đi ngang trong vòng 2 năm. Trong trrung hạn khi thị trường giảm xuống mức này thì cả về phân tích kỹ thuật và định giá thì cổ phiếu đều hấp dẫn.

Ông Thái Phạm mức PE hiện tại chưa phải chỉ số dự phòng 2022 nên chưa xác định được thấp hay không. Tiến tới quý III, quý IV, chỉ số PE có thể cao hơn vì phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp ở nhiều ngành như: bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, chứng khoán. Nhóm ngân hàng đối mặt với vấn đề nợ xấu; ngành thép có triển vọng không tươi sáng khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng, giá thép giảm từ đỉnh; ngành xây dựng gặp nhiều khó khăn do không có công trình, nợ cao…

Theo ông Thái Phạm, một số dự báo tăng trưởng lợi nhuận 15-20% của doanh nghiệp niêm yết không khả thi cho dù nền kinh tế Việt Nam được dự báo có tăng trưởng cao. Lý do bởi tăng trưởng kinh tế có thể đến từ xuất khẩu và khối doanh nghiệp FDI. Đây là nhóm ít có mặt trên sàn chứng khoán. Đây là yếu tố có thể khiến thị trường chứng khoán có thể tiếp tục chiết khấu.

Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc, ở thời điểm hiện tại, dòng tiền không còn nhiều và đã đắt đỏ hơn. Khi thị trường chứng khoán ở thời kỳ tiền rẻ thì tất cả đều uptrend, cổ phiếu lớn nhỏ gì cũng tăng giá. Khi nhiều tiền thì chứng khoán, bất động sản, cryto đều tăng, chỉ cần so sánh PE nơi nào thấp là “nhảy” vào. Còn ở vào thời điểm hiện tại, không nên nhìn chỉ số PE mà nhìn vào tăng trưởng của doanh nghiệp có hay không, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Một số ngành được khuyến nghị xem xét ở vào thời điểm hiện tại là điện, năng lượng; cảng biển, bảo hiểm, công nghệ, dầu khí và hàng không nhờ giá dầu ở mức cao, các nước mở cửa kinh tế và lãi suất tăng. Nhóm chứng khoán, thép và ngân hàng thuộc nhóm giảm sâu nên có thể hồi phục trong ngắn hạn.

Trong thời gian tới, lãi suất điều hành tại Việt Nam được dự báo sẽ được NHNN tăng lên theo xu hướng chung trên thế giới nhưng không ảnh hưởng tới thị trường do đã được phản ánh vào giá. Gần đây, nhiều ngân hàng thương mại cũng đã tăng lãi suất, có nơi lãi suất huy động đã ở trên 7%. NHNN cũng đã có nhiều động thái hút tiền thời gian gần đây, thông qua bán ngoại tệ và tín phiếu.

M. Hà

Ông lớn dồn dập mất tỷ USD, VN-Index lao dốc xuống 1.180 điểmCác cổ phiếu trụ cột tiếp tục mất điểm cho dù đã mất tỷ USD, qua đó khiến thị trường giảm sâu và VN-Index tiếp tục lao dốc, xuống ngưỡng 1.190 điểm.