Đảo chiều nhanh

“Nếu như đầu năm hừng hực khí thế thì cuối năm đổi chiều nhanh chóng" là câu mà ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may (Vinatex) đúc kết về năm qua.

Dù 2022 Vinatex ước doanh thu và lợi nhuận hợp nhất tăng lần lượt 15% và 14,6% so với năm ngoái, song kết quả này phần lớn là đóng góp của nửa đầu năm. “Lượng đơn hàng của quý 1/2022 tăng vọt. Nhưng đến cuối tháng 6, tồn kho hàng hóa tăng lên tới 50 - 60%. Xu thế 6 tháng cuối năm xấu và triển vọng cho đầu năm 2023 là thấp”, ông Trường nói.

Không riêng gì Vinatex, mà nửa cuối năm, nhiều đơn vị trong ngành giảm đơn hàng đến 70 - 80%, khiến ông Trường phải thốt lên rằng “tròn 25 năm làm dệt may chưa bao giờ thấy chỉ trong thời gian ngắn mà mọi tín hiệu khác biệt đến thế”.

Nói về bức tranh chung của ngành, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may cho hay, sản xuất chững lại 3 tháng cuối năm nhưng nhờ mức tăng trưởng cao trong 3 quý trước đó, ngành dệt may vẫn cán đích xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD, tăng 10% so với 2021. Theo ông đây là "nỗ lực tuyệt vời" trong bối cảnh thị trường đảo chiều.

Câu chuyện này cũng lặp lại tương tự với ngành thuỷ sản. Dù là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đạt giá trị 135 triệu USD trong năm 2022, tăng 35% so với cùng kỳ, nhưng ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản và thương mại Thuận Phước, vẫn rất lo cho năm tài chính 2023.

Theo ông Lĩnh, đó là bởi con số tăng trưởng trên chủ yếu dồn vào nửa đầu năm 2022 do quá trình trả nợ các hợp đồng tồn của năm 2021. Trong khi đó, khó khăn đến với các doanh nghiệp từ quý IV/2022. Doanh số xuất khẩu chững lại, đối tác từ chối nhập hàng, đồng tiền của họ mất giá từ 20-25% so với đồng USD, dẫn đến giá cả hàng hóa cao, sức mua giảm sút nghiêm trọng. Người tiêu dùng ưu tiên mua các thực phẩm cơ bản như lúa mỳ, còn mua tôm chững lại.

Trao đổi với PV. VietNamNet, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), ông Trương Đình Hòe, cho biết, dù xuất khẩu thủy sản năm 2022 đạt con số kỷ lục 11 tỷ USD, song nhu cầu của các thị trường đang giảm nhanh, cần thêm thời gian để hồi phục.

Đại diện VASEP dự báo, giá trị xuất khẩu thủy sản trong quý I/2023 chắc chắn không thể bằng quý I/2022, sức cầu chậm, nhiều đơn hàng không được ký trong quý đầu tiên của năm mới.

Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng khi sức mua giảm. (Ảnh minh họa: Hoàng Hà)

Nhìn sang ngành gỗ cũng không có nhiều khác biệt. Chủ một doanh nghiệp đồ gỗ nội thất tại TP.HCM chia sẻ, đơn vị có quy mô xuất khẩu gần 400 container hàng/năm. Trong đó, doanh số bán hàng khoảng 40% đến từ thị trường Mỹ, châu Âu 40%, các thị trường khác chiếm 20%. Giai đoạn từ tháng 1-6/2022, doanh nghiệp này sản xuất bình thường, tín hiệu vui do tăng trưởng tốt so với cùng kỳ các năm, nhiều đơn hàng cũ được xuất dồn liên tục.

Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”. Tới tháng 7/2022, doanh nghiệp bắt đầu bị ảnh hưởng khi đơn hàng cho quý III/2022 chậm lại. Lúc này, doanh số xuất khẩu trong các tháng 7,8,9 giảm 30-40% so với cùng kỳ. Đại diện doanh nghiệp lý giải, đối tác không đặt mới vì hàng nhập khẩu còn tồn kho nhiều, người dân các nước chỉ quan tâm tới gas và thực phẩm. Tình hình khó khăn dự báo kéo dài ít nhất hết quý I/2023.

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho hay, một số doanh nghiệp có đơn hàng nhưng cũng rất nhiều doanh nghiệp lượng đơn hàng giảm sâu. Có đơn vị gỗ giảm vài phân xưởng sản xuất, tạm dừng hoạt động trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Doanh nghiệp Việt làm gia công nên phụ thuộc nhiều vào thị trường, đặc biệt, thị trường truyền thống Mỹ đang gặp khó. Mặt khác, hồi giữa năm 2022, doanh nghiệp ngành nội thất kỳ vọng lĩnh vực bất động sản ổn định, nhưng thực tế lại trái ngược. Khi các dự án bất động sản bán chậm, gián tiếp làm sức tiêu thụ đồ gỗ trong nước “nguội lạnh” theo. Các doanh nghiệp ngành gỗ cũng đang phải cầm cự.

Tăng trưởng toàn cầu giảm tốc

"Không mấy lạc quan" cũng là nhận định đến từ hơn 1.300 thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) qua báo cáo “Kết quả Chỉ số môi trường kinh doanh quý IV/2022” vừa công bố.

Dù nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 8,02% trong cả năm, nhưng bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục biến động với các yếu tố như: suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; lãi suất tăng vọt; lạm phát kéo dài và niềm tin của người tiêu dùng bị tổn hại. 

“Chỉ 27% số người được hỏi dự đoán sự ổn định hoặc cải thiện kinh tế trong quý I/2023, kết quả cho thấy sự lạc quan giảm sút”, báo cáo của EuroCham nêu.

Giám đốc Phân tích VNDirect, bà Trần Khánh Hiền, đánh giá, ngành công nghiệp Việt Nam có xu hướng tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2022. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3% so với cùng kỳ, thấp hơn đáng kể so với quý trước (quý III/2022 tăng 10,9% so với cùng kỳ). IIP tháng 12/2022 cũng giảm 1% so với tháng 11/2022 và chỉ tăng 0,2% so với cùng kỳ. 

Bên cạnh đó, đơn đặt hàng mới của lĩnh vực sản xuất liên tục giảm trong vài tháng qua khiến xuất khẩu của Việt Nam giảm đáng kể từ tháng 11/2022 với giá trị xuất khẩu giai đoạn tháng 11-12/2022 giảm còn 58,1 tỷ USD (giảm 12,4% so với cùng kỳ).

Trong quý IV/2022, giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt 88,8 tỷ USD (giảm 6,8% so với cùng kỳ). Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận sụt giảm, bao gồm: điện thoại các loại (giảm 21,9%); thiết bị điện tử và máy tính (giảm 3,3%); máy móc và thiết bị (giảm 4,6%), dệt may (giảm 8,3%), sợi (giảm 38%), thép (giảm 56%) và thủy sản (giảm 9,4%).

Khó khăn của ngành công nghiệp do thiếu đơn hàng còn thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp cắt giảm giờ làm, thậm chí sa thải công nhân.

Bà Trần Khánh Hiền cho rằng, sự chậm lại trong hoạt động sản xuất công nghiệp sẽ kéo dài sang nửa đầu năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Đáng chú ý, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) tháng 12/2022 của Việt Nam giảm còn 46,4 điểm, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp nằm dưới ngưỡng 50 điểm. Tình trạng thu hẹp sản xuất có thể còn tiếp diễn trong vài tháng tới.

Lãi suất sẽ giảm từ quý II/2023?Chuyên gia dự báo, lãi suất hạ nhiệt trong quý I/2023, trở về ổn định vào cuối quý tiếp theo. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ có nguồn tín dụng tăng dần với lãi suất tốt từ quý II/2023 trở đi.