- Kể cả khi chúng ta hoài nghi về tính an toàn của sinh vật biến đổi gen (GMO) thì đó cũng không phải là lí do để chúng ta từ chối tất cả mọi sản phẩm của công nghệ sinh học (CNSH). Có ý kiến cho rằng nếu GMO có rủi ro đi nữa thì có thể vẫn là lựa chọn tốt hơn so với hàng loạt các vụ scandal về thực phẩm bẩn đang lan tràn trên thị trường Việt Nam hiện nay.


Câu hỏi đặt ra là liệu có đáng phải dùng công nghiệp GMO trong việc tạo ra thực phẩm hàng ngày với những rủi ro chưa biết. Và rằng, lợi ích mà GMO mang lại cho những người nông dân, người tiêu dùng và nông nghiệp là gì, và những lợi ích này có lớn hơn các phí tổn và rủi ro mà chúng mang lại hay không?

Đối với người nông dân

{keywords}
Thuốc trừ sâu Roundup Ready, loại thuốc trừ sâu phổ biến ở Mỹ. 

Một trong những lợi ích từ GMO mà các công ty CNSH thường nhấn mạnh đó là giúp nông dân giảm được lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thậm chí không cần phải làm luống tốn thời gian. Đấy là chưa kể đến việc tăng sản lượng sẽ giúp nông dân có thu nhập cao hơn dù phải mua hạt giống hàng năm.

Những năm đầu trồng GMO có lẽ khá là thuận lợi đối với đa số nông dân Mỹ. Sản lượng tăng cao khiến họ phấn chấn và mở rộng diện tích trồng GMO nhanh chóng. Từ năm 1996 đến nay có hơn 50 loại cây trồng biến đổi gen đã được chấp nhận thương mại hóa tại Mỹ. Phổ biến nhất gồm có ngô, đậu tương, bông, cây hạt cải dầu (canola) và cỏ alfalfa. Theo báo cáo gần đây (tháng 2/2014) của bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), ngô, đậu tương và bông là ba loại cây chiếm hơn 90% diện tích cây trồng GMO hiện nay.

Tuy nhiên, cũng theo báo cáo này, USDA kết luận rằng các cây trồng biến đổi gen nhìn chung không đem lại sản lượng cao hơn so với cây trồng thông thường sau hơn 15 năm phát triển. Hơn nữa, mức độ sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ xem ra chỉ giảm trong thời gian đầu áp dụng, nhưng sau đó tăng cao do hiện tượng côn trùng và cỏ dại kháng thuốc.

Đây là hệ quả của một nền nông nghiệp độc canh và phụ thuộc chủ yếu vào một loại thuốc trừ sâu là Roundup Ready. Để đối phó với hiện tượng này, cách nhanh nhất mà nông dân Mỹ đang áp dụng là tăng liều lượng sử dụng thuốc, thậm chí xịt thuốc trừ sâu lên hạt trước khi trồng. Mức độ sử dụng glyphosate (thành phần chính của Roundup Ready) tăng gấp 12 lần kể từ năm 1996 và một loạt các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ khác cũng tăng theo.

Gần đây người ta đã phát hiện ra ngô trồng ở Iowa có liều lượng clothianidin cao gấp đôi giữa năm 2011-2013, gây ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng tới các động vật hoang dã trong vùng. 

Các nhà khoa học thuộc trường đại học Minnesota và Iowa cũng phát hiện ra rằng cây trồng biến đổi gen là nguyên nhân gây ra tình trạng suy giảm sinh sản ở loài bướm nổi tiếng Monarch – mệnh danh là vua của các loài bướm. Loài bướm này không chỉ đẹp mà còn nổi tiếng bởi chuyến di trú tránh rét hàng nghìn dặm qua bốn thế hệ - từ Mỹ hoặc Canada xuống Mexico và thêm bốn thế hệ nữa để quay trở lại. Số trứng của loài bướm này giảm 81% giữa năm 1999-2000 tại vùng Trung Tây – vùng sản xuất nông nghiệp chính của nước Mỹ.

{keywords}
Siêu cỏ mọc tại một cánh đồng bang Iowa

Giải pháp mà các công ty giống GMO như Monsanto đưa ra để giải quyết siêu cỏ-siêu côn trùng là gì? Các công ty tiếp tục nghiên cứu ra các loại giống biến đổi gen có khả năng chống lại các loại thuốc diệt cỏ hạng nặng hơn nữa, trong đó có cả chất 2,4-D là loại thuốc trừ sâu cực độc, là một trong hai hoạt chất chính của chất độc da cam sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Điều này có nghĩa là nếu giống ngô hay đậu tương này được thông qua, nông dân Mỹ sẽ xịt một loại thuốc trừ sâu-diệt cỏ mới độc hại hơn glyphosate với hi vọng trị được tình trạng siêu cỏ dại và siêu côn trùng hiện nay. Người ta gọi các loại cây trồng GMO thế hệ mới này là “cây chất độc da cam” có lẽ cũng không sai chút nào.

Tương lai nào cho nông dân Mỹ khi mà họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào các công ty cung cấp giống lẫn cung cấp giải pháp cho vấn đề trừ sâu-diệt cỏ?

Các nhà khoa học từ lâu đã nhìn thấy nguy cơ về siêu cỏ-siêu côn trùng và cho rằng giải pháp không nằm ở những lời hứa hẹn từ các công ty CNSH vì sâu cỏ sẽ tiếp tục kháng lại loại thuốc mới. Đấy là một cái vòng luẩn quẩn cho người nông dân và hệ thống nông nghiệp nói chung, chưa tính đến các tác động nguy hại đối với môi trường và sức khỏe con người khi mà nông dân ngày càng lạm dụng thuốc trừ sâu và các công ty thì sáng chế ra các loại thuốc trừ sâu mới độc hại hơn.

Đối với người tiêu dùng

Nhiều người cho rằng người tiêu dùng ở Mỹ được lợi từ thực phẩm biến đổi gen do giá cả rẻ hơn, nguồn cung dồi dào hơn. Các nhà sản xuất GMO liên tục tuyên truyền nhấn mạnh rằng thực phẩm biến đổi gen an toàn và giàu dinh dưỡng như các thực phẩm cùng loại, vì thế không cần dán nhãn cho người tiêu dùng có thể phân biệt.

Trên thực tế quá trình biến đổi gen tạo ra một sinh vật hoàn toàn mới chưa thể đánh giá đầy đủ về độ “an toàn và dinh dưỡng” cho đến hiện tại nhưng đã gián tiếp tạo ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe người tiêu dùng.

{keywords}
70% thực phẩm chế biến tại Mỹ có chứa GMO.

Hiện nay ở Mỹ thực phẩm GMO phổ biến đến mức người ta tính rằng khoảng 70% thực phẩm chế biến có chứa GMO, trong đó các sản phẩm từ ngô là phổ biến nhất. Giáo sư Michael Pollan, Đại học Berkeley, tính rằng khoảng một phần ba các sản phẩm trong siêu thị là có “dính dáng” đến ngô - từ đường hóa học (HFCS) cho đến dầu ăn, keo dán, xà phòng, mỹ phẩm…

Do giá rẻ nên HFCS được sử dụng rộng rãi thay thế cho đường mía trong ngành công nghiệp thực phẩm của Mỹ và là nguyên nhân chính gây ra vấn nạn béo phì ở Mỹ.

Dự tính là cho đến năm 2030, khoảng gần một nửa dân số Mỹ sẽ bị béo phì còn hiện tại đã là một phần ba. Coca Cola và Pepsi đã thay đường bằng HFCS trong các sản phẩm của mình từ năm 1984. Tính trung bình cho đến nay thì một người Mỹ tiêu thụ khoảng 24 kg HFCS mỗi năm, chiếm khoảng một phần ba lượng tiêu thụ đường nói chung (bao gồm đường mía và đường làm từ ngô như HFCS).

Các nghiên cứu đã cho thấy HFCS, mặc dù cũng là chất tạo ngọt, trên thực tế độc hại hơn đường thông thường và tăng nguy cơ gây béo phì. Ví dụ một nghiên cứu trên chuột của GS Hoebel, Đại học Princeton, cho thấy nếu cho chuột uống HFCS ở mức thấp hơn cả lượng HFCS có trong nước ngọt thì tất cả chúng đều bị béo phì. Trong khi nếu cho chúng ăn khẩu phần ăn có nhiều chất béo thì không phải chú chuột nào cũng tăng cân .

Cũng do giá rẻ nên ngô và đậu tương biến đổi gen được các đại công ty sản xuất thịt ở Mỹ như Tyson hay Cargill sử dụng làm nguồn thức ăn gia súc chính cho các “nhà máy” chăn nuôi công nghiệp. Gia súc ăn nhiều hai loại thực phẩm này thường bị ốm do dạ dày của chúng vốn sinh ra để ăn cỏ chứ không phải ăn tuyền một loại ngũ cốc như ngô, cộng với tình trạng nhồi nhét trong các nhà máy khiến người ta phải tiêm chất kháng sinh cho chúng với cường độ ngày càng tăng.

Lượng kháng sinh mà ngành chăn nuôi Mỹ sử dụng hàng năm chiếm hơn 80% tổng lượng kháng sinh tiêu thụ trong nước - một con số không khỏi khiến chúng ta kinh ngạc. Việc lạm dụng chất kháng sinh như vậy là nguyên nhân dẫn tới tình trạng kháng thuốc ở người. Theo báo cáo của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) ở Mỹ có khoảng hai triệu người ốm và 20,000 người chết do kháng thuốc mỗi năm.

  • Hoàng Khánh Hòa

(còn nữa)