Con số tích cực, ẩn chứa lời cảnh báo
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2020 ước tính đạt trên 336 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu đạt 174 tỷ USD, tăng 1,6%; nhập khẩu đạt trên 162 tỷ USD, giảm 2,2%.
Tính chung 8 tháng năm 2020, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,9 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,2 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 23,1 tỷ USD.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành trên toàn thế giới, nhiều nước đã phải thực hiện giãn cách xã hội, kết quả xuất khẩu nói trên là khá tích cực.
Trong lúc dịch bệnh, xuất khẩu vẫn tăng khá |
Chia sẻ với PV, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Nền kinh tế nước ta mấy năm gần đây luôn xuất siêu. Xuất siêu có điều đáng mừng là giúp tăng dự trữ ngoại hối. Tuy nhiên, xuất siêu 8 tháng năm 2020 có điểm đáng phải lo. Đó là xuất siêu không phải do xuất khẩu tăng, mà do nhập khẩu giảm nhiều. Nhập khẩu của Việt Nam tới 90% là từ liệu sản xuất, nhập khẩu hàng tiêu dùng chỉ chiếm 10%. Giảm nhập khẩu tức giảm nhập tư liệu sản xuất - đó là điểm đáng lo.
Ngoài ra, theo TS Lê Quốc Phương, xuất siêu vẫn dựa vào khu vực doanh nghiệp FDI, còn doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lớn, tới hơn 10 tỷ USD.
“Nhìn chung, xuất siêu thì mừng nhưng đáng lo nhiều hơn bởi giảm nhập tư liệu sản xuất thì ảnh hưởng đến sản xuất trong tương lai”, TS. Phương chia sẻ
Chuyên gia kinh tế Trần Toàn Thắng cho rằng: Để đánh giá số liệu xuất siêu là tích cực hay không phải nhìn vào hai con số nữa: Đó là tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng kim ngạch nhập khẩu. Hai con số ấy so với cùng kỳ năm trước đều giảm, nhưng mức giảm khác nhau. Có thể nhập siêu 8 tháng năm 2020 là do nhập khẩu giảm quá nhanh, chứ không phải xuất khẩu tăng.
Nếu số liệu nhập khẩu giảm là do lượng máy móc, nguyên vật liệu giảm thì xuất siêu không phải là đáng mừng. Nhập khẩu giảm có thể do doanh nghiệp đang đánh giá thấp khả năng xuất khẩu tiếp. Đó là vấn đề khiến khả năng phục hồi kinh tế càng khó hơn, theo ông Thắng.
“Dù sao, về mặt tài chính, thặng dư thương mại lớn giúp đất nước có thêm ngoại tệ để ổn định tỷ giá”, TS. Trần Toàn Thắng chia sẻ.
Tận dụng cơ hội
Từ tháng 7, khi xuất siêu cũng rất ấn tượng, chuyên gia thương mại Phạm Tất Thắng đã có những đánh giá thận trọng liên quan con số này.
Theo ông Thắng, việc xuất siêu vượt cả các năm trước chứng tỏ Việt Nam không nhập được nguyên liệu về.
Từ trước đến nay, nhập khẩu chủ yếu là nhập yếu tố đầu vào cho quá trình sản xuất. Năm nay, Việt Nam không nhập được nguyên liệu do hai nguyên nhân: Thứ nhất là không có đơn hàng xuất khẩu nên không nhập; Thứ hai là khi có đơn hàng xuất khẩu thì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu lại bị đứt gãy nên không nhập được.
Doanh nghiệp mới chủ yếu sử dụng nguồn nguyên liệu dự trữ từ trước để xuất khẩu chứ không nhập được cho giai đoạn sau. Thực tế này dẫn tới chuyện Việt Nam chỉ có xuất khẩu mà không có nhập khẩu.
Ngoài ra, ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh: Xuất siêu chủ yếu do doanh nghiệp FDI nhờ giữ được đơn hàng, tổ chức được nguồn cung cấp nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Họ cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng mức độ đứt gãy không nhiều như doanh nghiệp Việt Nam. Điều này một lần nữa nói lên việc tổ chức các chuỗi cung ứng theo hướng bền vững là đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, cũng không thể không đánh giá những nỗ lực xuất khẩu của các doanh nghiệp “nội”. Thực tế, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, khu vực kinh tế trong nước tiếp tục là điểm sáng với kim ngạch xuất khẩu đạt 60,80 tỷ USD, tăng 15,3%. Còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 113,31 tỷ USD (chiếm 65,1% tổng kim ngạch xuất khẩu), giảm 4,5%.
Dù đánh giá khu vực trong nước vẫn giữ được mức tăng ổn định, nhưng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trong báo cáo kinh tế vĩ mô quý II vẫn phải đánh giá: Nhìn chung, xuất khẩu trong nước vẫn phụ thuộc nhiều phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI.
Nhận định về khả năng xuất khẩu, theo báo cáo của VEPR, biến đổi khí hậu, mưa đá, hạn hán, nạn châu chấu hoành hành khắp các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp tại các nước này, làm suy giảm nguồn cung trên thị trường nông sản thế giới. Đây là cơ hội để Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới trong bối cảnh dịch bệnh đang lan rộng khắp các thị trường nhập khẩu lớn. Chính phủ cần có các biện pháp đúng đắn, tận dụng triệt để cơ hội này.
Trong khi đó, việc các hiệp định như CPTPP, EVFTA lần lượt có hiệu lực đã mở ra cánh cửa cho hàng hóa từ Việt Nam đi các nước. Tuy nhiên, tại Hội nghị trực tuyến về “Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)”, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng lưu ý: Những FTA thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA luôn có những cam kết cao về phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng có nguồn gốc, đầu vào từ tự nhiên như thủy sản hay sản phẩm gỗ phải đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc, cụ thể là các sản phẩm đó có được đánh bắt và khai thác một cách hợp pháp hay không.
"Chính vì vậy, chúng ta, một mặt cần có những biện pháp nâng cao nhận thức của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất, nhưng mặt khác cũng cần có những giải pháp, chế tài cụ thể đối với những hành vi vi phạm các quy định về đánh bắt và khai thác nguồn tài nguyên trái phép", ông Trần Tuấn Anh lưu ý.
Hà Duy
Vượt Thái Lan, thế mạnh Việt Nam ngược dòng ghi dấu ấn
Trúng mùa, được giá, sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo Việt Nam vượt Thái Lan, vươn lên vị trí số 2 thế giới trong bối cảnh chống đại dịch Covid-19 toàn cầu.