Huyện Lạc Dương có 19 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm trên 66% dân số. Được biết, trong những năm qua, huyện luôn quan tâm, chú trọng đến công tác bảo tồn và phát triển văn hoá các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS.

Công trình xây dựng Làng truyền thống dân tộc Cơ Ho thôn Đưng Ksi xã Đạ Chais.jpg
Công trình xây dựng "Làng truyền thống dân tộc K'Ho" ở thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais, được huyện Lạc Dương phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện.

Phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, huyện Lạc Dương đã triển khai hiệu quả chương trình hành động quốc gia về bảo tồn các di sản văn hóa. Trong đó, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa các dân tộc; định kỳ hàng năm mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh thiếu niên trên địa bàn huyện; phục dựng các lễ hội của đồng bào dân tộc trên địa bàn như: các nghi thức cúng lúa rẫy, lễ mừng lúa mới, lễ cưới….

Hiện nay, trên địa bàn Lạc Dương có 17 câu lạc bộ, đội, nhóm cồng chiêng thường xuyên hoạt động, góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm, giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Qua đó góp phần nâng cao đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển du lịch nông thôn, tạo nên diện mạo mới cho những buôn làng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. 

Năm 2023, huyện Lạc Dương đã phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng triển khai thực hiện dự án “Làng truyền thống dân tộc K'Ho" ở thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais và dự án “Làng văn hoá du lịch cộng đồng xã Đưng K’nớ” nhằm tổ chức các hoạt động văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, qua đó bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn.

Cũng như Lạc Dương, huyện Di Linh là địa bàn có số lượng đồng bào DTTS lớn gần nhất tỉnh. Những năm trước đây, bên cạnh những nét văn hóa đặc sắc, trong vùng đồng bào DTTS vẫn còn những phong tục không còn phù hợp với đời sống hiện nay, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội... gây tốn kém và lãng phí. Vì vậy, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, trong tổ chức lễ hội là điều cần thiết. 

Xác định rõ điều này, nhiều năm qua, Ban Chỉ đạo Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa huyện Di Linh đã xây dựng kế hoạch cụ thể về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội dựa trên những quy chuẩn và hành động cụ thể.

Theo đó, hàng năm, huyện đều tiến hành tập huấn chi tiết cho Ban Vận động xây dựng đời sống văn hóa các xã, thị trấn, thôn, tổ dân phố với sự tham gia của đông đảo người cao tuổi có tiếng nói và uy tín trong cộng đồng, từ đó tổ chức vận động, tuyên truyền bà con, dòng họ, các tín đồ tôn giáo nghiêm túc thực hiện.

Bên cạnh đó, huyện tiến hành xây dựng mô hình kiểu mẫu về việc cưới, việc tang và lễ hội văn minh, làm cơ sở nhân rộng ở từng xã, thị trấn. Đến nay, có 19/19 xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức phát động thực hiện nội dung này và ra mắt được 32 mô hình điểm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. 

Hiện nay, tại nhiều địa phương, việc tổ chức cưới xin, tang lễ và các lễ hội đã được thực hiện theo nếp sống văn minh mới, góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới của huyện Di Linh.

diện mạo vùng DTTS xã Đạ Nhim (lạc Dương Lâm Đồng).jpg
Diện mạo mới vùng DTTS xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương) sau khi triển khai chuơng trình xây dựng nông thôn mới.

Theo thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện có 47 dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 24% dân số của tỉnh. Những năm qua, trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS, tỉnh luôn chú trọng tiêu chí về văn hoá, nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; nhất là giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS để đảm bảo sự đoàn kết, thống nhất và phát triển bền vững của địa phương, xây dựng vùng nông thôn không chỉ giàu về vật chất mà còn giàu về văn hoá, mang đậm màu sắc văn hoá dân tộc. Vì vậy, đời sống văn hóa của đồng bào các DTTS ở Lâm Đồng đã có bước cải thiện rõ rệt. 

Song song đó là việc sưu tầm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã và đang được gìn giữ, phát huy; một số di sản văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc được tôn vinh; các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức thường xuyên….

Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên nền tảng truyền thống tốt đẹp của quê hương, đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, các cơ quan, mặt trận, đoàn, hội trong tỉnh tổ chức nhiều hoạt động giáo dục truyền thống, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, bồi dưỡng thể chất, tâm hồn, phát triển con người một cách toàn diện. 

Hiện nay, toàn tỉnh có 91,5% hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa; 95% thôn, tổ dân phố đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; 100% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 88,5% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 98% cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa.

Hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở không ngừng được hoàn thiện, đồng bộ, hiện đại, tăng mức hưởng thụ văn hóa ở nông thôn, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 137/142 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.321/1.367 thôn, tổ dân phố (872 thôn, 495 tổ dân phố) có nhà sinh hoạt cộng đồng. 

Hiện nay, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng 3 làng văn hóa truyền thống các dân tộc Churu, K’Ho tại thôn Đông Hồ, xã Pró và thôn Đưng K’Si, xã Đạ Chais (huyện Đơn Dương); thôn K’Long Trao, xã Gung Ré (huyện Di Linh). Đồng thời thành lập nhiều CLB văn nghệ dân gian ở các xã có đông đồng bào DTTS sinh sống, hỗ trợ trang phục, nhạc cụ, kỹ năng chuyên môn để các CLB hoạt động. Mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho hàng nghìn thanh thiếu niên đồng bào DTTS. 

Toàn tỉnh hiện đã thành lập được 92 CLB đội, nhóm cồng chiêng thường xuyên giao lưu biểu diễn. Ngoài ra, toàn tỉnh có 84 lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; 55 lễ hội đang được duy trì thường xuyên; nhiều lễ hội có nguy cơ mai một đã được phục dựng.