Các chuyên gia cho rằng, không có một hãng xe nào tự sản xuất hoàn toàn 100% từ linh kiện trong nước. Điều mà các doanh nghiệp Việt cần chú trọng là tham gia sâu hơn vào các chi tiết, linh kiện chính của ôtô.

Ngành công nghiệp ôtô đang phát triển, năng lực doanh nghiệp không kém

Tọa lạc tại số 362, đường Cách Mạng Tháng 10, phường Châu Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, Nhà máy Diesel Sông Công (DISOCO) là một trong số doanh nghiệp cơ khí đầu tiên đặt nhà máy tại Sông Công.

Ông Vũ Xuân Thoàn - Phó giám đốc DISOCO cho biết, để làm ra được sản phẩm cơ khí, linh kiện cho ngành công nghiệp ôtô, xe máy, hầu như công ty ông phải thực hiện tất cả các khâu, từ nung, rèn, mài, kiểm tra sản phẩm…

"Chúng tôi đúc thân động cơ cho Toshiba, thân máy khâu, ống xả ôtô, xe máy…", ông Thoàn nói và cho biết, ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất  ôtô, xe máy tại Việt Nam đang trên đà phát triển.

Trên thế giới không có một hãng xe nào tự sản xuất hoàn toàn 100% từ linh kiện trong nước. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp Việt cần chú trọng là tham gia sâu hơn vào các chi tiết, linh kiện chính của ôtô.

Theo TS. Trương Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ, năng lực kỹ thuật, sản xuất của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam không kém, hoàn toàn có thể sản xuất được các linh kiện, phụ tùng cho các hãng ôtô.

 Giá xe Việt Nam gấp gần hai lần Thái Lan, Indonesia. Ảnh: Tuấn Vũ 


Điểm sáng đáng chú ý là Việt Nam có doanh nghiệp lớn là Thaco, Hyundai Thành Công, Toyota Việt Nam và VinFast cùng với việc đầu tư sản xuất, lắp ráp ôtô, các đơn vị này đã chủ động đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ. Trong đó Thaco đầu tư vào sản xuất linh kiện phụ tùng quy mô lớn nhất Việt Nam tại Quảng Nam vừa gia tăng tỉ lệ nội địa hóa, vừa xuất khẩu ôtô và linh kiện phụ tùng.

Tuy nhiên, TS. Trương Chí Bình chỉ ra, cái khó là chi phí sản xuất của chúng ta cao, không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài cùng lĩnh vực…

Do đó, để giá xe ôtô Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nước trong khu vực, doanh nghiệp cần phải phát triển sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi liên kết với các nhà sản xuất thượng tầng là phải cắt giảm được chi phí sản xuất.

Cụ thể, các doanh nghiệp cần được tiếp cận tín dụng tốt hơn thông qua hình thức vay ưu đãi, bảo lãnh không thế chấp... Song song đó là cải thiện khả năng tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, các thủ tục xây dựng nhà máy.

"Về mặt chiến lược, cần tăng quy mô doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm doanh nghiệp, hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh.

Các cơ quan nhà nước cũng cần có hỗ trợ năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia"- Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ nói.

Nghiên cứu xây dựng Luật nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia

Bà Lê Huyền Nga - Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng cho hay, một trong những rào cản phát triển của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thời gian qua là quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực tài chính để đầu tư, phát triển công nghệ. 

Do đó, cần có chính sách tín dụng hiệu quả hơn cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Cần tăng quy mô doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ, hình thành cụm doanh nghiệp, hệ sinh thái để sản xuất cụm linh kiện hoàn chỉnh. Các cơ quan nhà nước cũng cần có hỗ trợ năng lực thương mại và kết nối doanh nghiệp nội địa với các doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.

Từ năm 2015 đến nay, nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ được Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. 

Tuy nhiên, thời gian tới cần nghiên cứu xây dựng Luật nhằm thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm quốc gia, phát triển thị trường cho các sản phẩm công nghiệp bao gồm cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. Cũng như chính sách tín dụng cho doanh nghiệp công nghiệp và hình thành các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Báo Lao Động