Dấu hiệu 'không ổn' của lạm phát
Tại báo cáo tình hình kinh tế - tài chính thế giới và trong nước tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã thể hiện nỗi lo với tình hình lạm phát, cho dù số liệu thống kê đến nay vẫn "ổn".
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2022 tăng 0,4% so với tháng trước, tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3,59% so với tháng 12/2021 - cao nhất kể từ năm 2018 tới nay.
Bình quân 7 tháng năm 2022, CPI tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước.
Trước xu hướng lạm phát tăng, công tác điều hành giá chặt chẽ, nhiều biện pháp bình ổn giá được triển khai thực hiện. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tạo sức ép lớn đối với lạm phát trong nước.
"Trong tháng 7/2022, giá cả mặt hàng xăng dầu đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau 3 lần điều chỉnh giảm giá", Bộ Tài chính đánh giá.
Dù dự báo lạm phát năm 2022 sẽ ở mức khoảng 4%, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam ở mức 3,7-4,2%, nhưng Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh về "rủi ro lạm phát".
Theo Bộ Tài chính, Việt Nam đang chịu sức ép cao về lạm phát chủ yếu do nền kinh tế có độ mở lớn, lạm phát ở các nước tăng cao (do xung đột Nga và Ukraine, ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, giá năng lượng, giá lương thực tăng cao) nên nguy cơ nhập khẩu lạm phát là hiện hữu. Bởi lẽ sản xuất trong nước còn phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Mặt khác, tỷ giá, lãi suất đang có xu hướng tăng.
"Lạm phát là một trong những rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam cũng như thế giới trong năm 2022", Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Theo Bộ Tài chính, lạm phát được dự báo sẽ ở mức cao trong năm 2022, tạo áp lực lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, có thể làm giảm hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, DN, kết quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; gia tăng chi phí sinh hoạt, tăng thêm khó khăn cho người dân, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp.
Thế 'tiến thoái lưỡng nan' của lãi suất tăng
Đề cập đến lãi suất liên ngân hàng tăng, Bộ Tài chính cho biết: Lãi suất liên ngân hàng có dấu hiệu tăng lên từ giữa tháng 6/2022 và bắt đầu tăng mạnh trong nửa cuối tháng 7/2022 ở tất cả các kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước liên tục thực hiện hút tiền trên thị trường mở, cùng với áp lực của thanh khoản. Lãi suất VND kỳ hạn qua đêm (ngày 27/7) đã tăng lên 5,13%/năm từ mức 5,01% và 3,67% trong hai phiên trước đó.
Nếu so với mức 0,3-0,4% duy trì vào trung tuần tháng 6, lãi suất VND qua đêm hiện đã gấp hơn 10 lần. Lãi suất các kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần cũng tăng gấp 2-4 lần; trong khi lãi suất các kỳ hạn dài hơn cũng đều tăng trên dưới 100 điểm cơ bản.
Lãi suất huy động bằng tiền đồng của các ngân hàng có xu hướng tăng. Trong 7 tháng đầu năm, các NHTM đã đẩy mức lãi suất huy động lên từ 7-7,55% năm cho các kì hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính dự báo lãi suất huy động tiếp tục tăng trong bối cảnh thanh khoản ngân hàng đang ngày càng bị thu hẹp và nhu cầu tín dụng tăng cao.
Mặt bằng lãi suất cho vay ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay ngắn hạn vẫn được duy trì ở mức từ 7-10,5%/năm; cho vay trung và dài hạn ở mức từ 10-11%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá: Lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng từ chi phí vốn đầu vào tăng và từ tăng trưởng tín dụng ở mức cao do nhu cầu vay từ khách hàng tăng mạnh.
Nhắc đến áp lực tăng lãi suất, Bộ Tài chính cho rằng: Nhiều quốc gia trên thế giới đang tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, nếu Việt Nam tăng lãi suất sẽ đi ngược với chính sách hỗ trợ nền kinh tế phục hồi của Chính phủ, ngược lại nếu không tăng lãi suất thì giá trị các đồng tiền sẽ bị giảm xuống.