Đối với phố cổ Hà Nội tương lai, giao thông ngầm dưới phố cổ vào “lõi ô cờ” là khả thi.
LTS: Quy hoạch phố cổ Hà Nội đến nay vẫn là bài toán khó, mà những sự cố như sập nhà ở phố Cửa Bắc vừa qua càng cho thấy tính cấp bách. Xung quanh vấn đề này, Tuần Việt Nam giới thiệu một góc nhìn từ tác giả Vũ Hữu Trác, giảng viên ĐH Kiến trúc Hà Nội.
Quy hoạch phố cổ tầm nhìn 2050
Nhiều nước trên thế giới ứng phó với vấn nạn giao thông phố cổ có hệ thống móng nông, bằng hệ thống giao thông đường ngầm (Subway) chạy xe ô tô xuyên qua, có thể kết nối với xe điện ngầm (Metro Subway- MTR). Đối với phố cổ Hà Nội tương lai, giao thông ngầm dưới phố cổ vào “lõi ô cờ” là khả thi. Theo thông tin trên báo chí, Hà Nội đang rục rịch đặt ga tàu điện ngầm gần Hồ Gươm.
Sử dụng ưu điểm nổi trội của giao thông ngầm - Subway, không chỉ thuận tiện, an toàn mà đáp ứng tất cả những yêu cầu của bảo tồn, cung cấp cơ sở hạ tầng điện, nước, cấp gas, thoát hiểm cho khu phố cổ. Giao thông ngầm, là yếu tố then chốt hình thành quy hoạch.
Việc tạo nên các phố cổ bằng những tuyến ống (giống như xe điện ngầm) tới những điểm khó khăn trên mặt đất trong các “lõi ô cờ”, sẽ tạo nên hình ảnh đô thị mới xen cấy từ trong phố cổ đáp ứng những đòi hỏi khắt khe của giao thương, du lịch, thưởng thức nghệ thuật. Đồng thời với kết nối khu phố cổ giao thông từ bên ngoài bằng xe, sẽ giải quyết dứt điểm những bức xúc không có lối thoát của giao thông phố cổ.
Tuyến giao thông ngầm sẽ dành lại toàn bộ những con đường cũ cho phố cổ. Những gì còn lại của nhà mặt phố cổ hai bên, được để lại chiều sâu 15 - 20 m, hay chiều sâu 3 gian 5 chái nhà cổ thường thấy và 1 đường bộ bên trong 3-5 m. Phần kiến trúc mặt đường tạo nên giá trị cốt lõi, có nhiều công trình mang đậm nét văn hóa phố cổ sẽ được bảo tồn.
Các lõi ô cờ được xây mới, sẽ cân nhắc cho phép đầu tư xây dựng những công trình hiện đại có công năng mới phù hợp, có số tầng từ 6 - 9 và 4 tầng hầm. Đặc biệt phần mái, mặt nhà phải ăn nhập với nhà cổ xung quanh.
Kiểu nhà với mái ngói cổ kính của người Hoa xen lẫn kiến trúc kiểu Pháp phía trên những cửa hiệu thời trang trên phố Hàng Ngang. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Phần trên cao không gian sẽ nối kết giữa các công trình trong lõi ô cờ lớn bằng những cầu vượt trên không dành cho đi bộ (có thể vượt qua đường phố cổ). Bố trí các cầu vượt theo một hình vòng gần tròn miệng hở, một đầu hướng vào trong, từng đoạn cuộn lại, cao dần hướng đến trọng tâm. Tổng thể gợi lên hình ảnh theo chủ đề của ý tưởng (concept) là ốc loa thành, quảng bá cho hình ảnh đất nước Việt Nam.
Một ít những lõi lớn, được bố cục tăng chiều cao hơn vào điểm trọng tâm xây khách sạn du lịch để đáp ứng nâng cao dần cầu vượt trên đường vòng hở. Đối với các lõi ô cờ chỗ mỏng, những ô không có đường ngầm đi qua, những ô có lõi quá nhỏ hay cách nhau một đường phố được coi là “ô láng giềng” để thuận tiện cho giao thông, có thể có cầu vượt đi bộ liên kết từng đoạn và tuân theo chủ đề ý tưởng, có thể làm vườn hoa hồ nước, nhà ở giúp định cư tại chỗ.
Vấn đề sau xây dựng lõi ô cờ, là tìm chỗ mở lối thông ra mặt đường phố cổ, bằng một số đường đồng dạng với đường phố cổ. Có thể có ngăn cách không gian cũ mới bằng một cổng truyền thống mang tính ước lệ.
Trên cơ sở điều tra kỹ lưỡng xã hội học, có thêm các yếu tố tác động như phường hội buôn bán, du lịch sẽ được tổ chức các cuộc thi thiết kế để triển khai mặt đứng kiến trúc cả đường phố cổ.
Giữ mãi cho đời sau
Công nghệ đã giúp thực hiện phần tầng hầm công trình có tới hàng chục tầng ở giữa Seoul nhà cũ san sát, bằng cách thi công từ trên xuống theo hệ thống DPS downward còn gọi là Topdown. Thi công ống giao thông ngầm subway dưới đất ở nhiều nước, xuyên qua lòng sông, đáy biển không làm ảnh hưởng bất cứ thứ gì bên trên, (nhất là đối với Hà Nội khi phố cổ giữ chỉ lại 20m).
Việc thi công xây dựng bằng máy khoan đất, tự lắp khung bê tông đúc sẵn ngay khi thi công, khoan đến đâu là được đấy. Máy tự động ép đất và chống đỡ nền xung quanh bằng kích thủy lực. Cùng lúc lắp dựng vỏ hầm và phun vữa xi măng chống thấm, bù khoảng trống giữa vỏ và nền đất.
Chiều dài các cạnh “ô cờ” tạo nên từ các phố trung bình có cạnh từ 100 x 200m (như ô bao bới các phố Nguyễn Siêu, Đào Duy Từ, Hàng Buồm, Hàng Giấy, diện tích 20.000 m2 hay 2 ha). Lõi ô cờ (trừ một khoảng tính từ mặt đường vào trong 20m), chiếm diện tích 1 ha hay 10.000 m2= 50% diện tích ô cờ.
Tuyến giao thông ngầm phố cổ có chiều dài khoảng 8 km ở độ sâu 13 - 15 m bằng ống bê tông cốt thép. Trong đó có 6 km có đường kính 13 m chạy xe (cho 4 làn xe ô tô, phân thành hai chiều giao thông cho ô tô, xe buýt điện và xe máy, vào và gửi trong tầng hầm).
Có 3 km đường kính 6m đi bộ vuông góc với tuyến chính, tạo thành các ngã tư cách nhau 100-120m, nối đến điểm ở các lõi ô cờ (Hồng Kông đường ngầm giao nhau tạo ngã tư khá nhiều). Kinh phí dành cho phần giao thông ngầm và làm các điểm đến, ước tính 470 triệu USD (10.000 tỷ VND, gần bằng một nửa tòa nhà Keangnam), được đầu tư nhà nước và xã hội hóa một phần vào xây dựng các công trình trong lõi.
Các dự án xây dựng là cơ sở cho đầu tư xã hội hóa trên diện tích rộng bằng tính bằng hec ta tại phố cổ, khi được đưa ra sẽ có sức hấp dẫn “Đất vàng”. Được giao thực hiện xây dựng quản lý có thời hạn (20 năm) sẽ thu hút khó cưỡng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước hay đầu tư liên kết. Giá đất và các khoản đền bù, giải phóng mặt bằng đảm bảo tính khả thi.
Để còn mãi cho đời sau một phong cách sống, để nét văn hóa độc đáo có từ hàng ngàn năm của dân tộc không bị phai nhạt, lãng quên, ngay bây giờ cần dành cho phố cổ sự quan tâm đầy đủ, thích đáng và khoa học. Muốn hoàn thành sứ mạng gìn giữ phố cổ phải có những quyết định can thiệp quan trọng, nhất là không thể thiếu quy hoạch chi tiết được duyệt 1/500.
Vũ Hữu Trác, giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội
Có thể bố trí tuyến ống chính nhất chạy song song bên cạnh dưới tuyến chính mặt đất Hàng Đào - Đồng Xuân (song song với Trần Nhật Duật) nối từ Hàng Đậu tới Bờ Hồ. Hai tuyến song song khác, một tuyến từ Lý Thái Tổ thẳng tới Trần Nhật Duật trước Nguyễn Hiệp, Hồng Phúc, một từ cuối Hàng Trống thẳng đến Hàng Mã. 3 tuyến này có các nhánh ngang đi bộ nối vuông góc với nhau đi qua các lõi ô cờ còn lại. Có hai tuyến chính vuông góc đấu vào với 3 tuyến này, một tuyến song song bên cạnh Hàng Bông từ Ngõ Trạm đến thẳng chân cầu Chương Dương. một chạy song song theo phố Gầm Cầu, từ Cửa Nam, Ngõ Trạm ra chân cầu Long Biên đấu (cong) vào các điểm đến được lựa chọn trên mặt đất. Phần mặt cắt ngang, phía dưới được lắp đặt mặt đường ở độ sâu có đáy bằng tầng hầm thứ 4. Phía dưới mặt đường phẳng dùng làm hạ tầng cấp, thoát nước. Giữa vách đứng 2 bên với thành ống, là chỗ thoát hiểm, bố trí chống cháy, điện, thông gió, đường ống cấp gas, sẽ nối liền các phần ngầm căn nhà với hệ thống giao thông ngầm. |