Cuốn sách dày hơn 200 trang lật mở số phận của người phụ nữ thông qua nhân vật Laurence Barraqué, người đối diện với những thay đổi trong xã hội Pháp suốt 40 năm. Nói một cách khác, Laurence đã trở thành một đại diện cho câu chuyện cuộc đời của vô số phụ nữ.

Bìa cuốn sách.

Sinh năm 1959 trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu, Laurence Barraqué lớn lên cùng chị gái ở thành phố Rouen phía bắc Pháp, với cha cô là bác sĩ, mẹ cô là nội trợ. Thế nhưng ngay từ rất sớm, Laurence hiểu được rằng vị trí của người con gái trong cuộc đời luôn thấp kém hơn con trai: Khi được người điều tra dân số năm 1964 hỏi có con không, cha Laurence đã trả lời “Không, tôi có hai đứa con gái”.

Nhằm phân tích một cách tinh tế và chân thực những trải nghiệm, đổi thay từ khi còn ở tuổi ấu thơ tới khi trở thành một người mẹ của nhân vật nữ chính Laurence Barraqué, tác giả Camille Laurens sử dụng nhiều ngôi kể khác nhau. Càng trưởng thành, Laurence càng phản ứng mạnh mẽ hơn với cách xã hội định nghĩa, giới hạn và đánh giá thấp bé gái thông qua ngôn ngữ. 

- “Mẹ ơi, mẹ biết không...”, nó lại nói – nó nói rõ ràng, và trong giọng của nó, thật buồn cười, có chút gì như hồ nghi mô phạm – “mẹ biết không, con gái cũng rất tốt. Và thậm chí...” – nó cười như thể cười với một kỷ niệm – “thậm chí tuyệt vời, con gái ấy ạ”

- “Quỷ cái. Cái từ đó quay lại và ám ảnh cô. Thật miệt thị. Nhưng nó chẳng phải giống cái của từ con traisao? Tất cả những gì là giống cái đều gây thất vọng, sa đọa, từ đây cô đã biết rồi. “Con trai” là một ghi nhận. “Quỷ cái” là một phán xét. Cùng một từ, mà chỉ cần thay đổi giống, sẽ trở nên xấu xa”.

- “Bạn nhìn hai người họ. Hai cậu bé già đầu đang khoe khoang trình độ, đồ chơi. Họ đã quên mất vì sao có cuộc trò chuyện này và mau chóng lao vào một cuộc đua tên lửa, tàu ngầm, cưỡi trên tuấn mã, xe đua vì một mục tiêu duy nhất: xem ai là kẻ mạnh hơn. Họ làm bạn mềm lòng (nỗi buồn trẻ con của họ), họ làm bạn phẫn nộ, họ bỏ rơi bạn. Bạn chẳng còn chồng, chẳng còn cha, bạn là một đứa con gái lạc vào thực tại, bị xâu xé bởi một con quái vật mà vua cha lẫn hoàng tử đều không cứu nổi”

“Cuốn sách "Con gái" vẽ nên một bức chân dung về chủ nghĩa phân biệt giới tính đã bị tầm thường hóa và được chấp nhận trong tâm tưởng nhân loại từ rất lâu và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Cuốn sách này là bản tóm tắt tất cả những sự phân biệt giới tính và những bất công mà một người phụ nữ phải đối mặt lúc này hay lúc khác trong đời", dịch giả J.B (tên thật là Huỳnh Hữu Phước) nhận xét.

“Độc giả sẽ nói đây là một cuốn sách buồn, nhưng không hoàn toàn như vậy, bởi vì trong tất cả nỗi đau cũng có vẻ đẹp và một chút hi vọng. Qua việc dịch tác phẩm này, em hy vọng góp tiếng nói nhỏ bé của mình về sự bình đẳng giới, hướng đến một xã hội văn minh. Em cũng mong tác phẩm dịch đầu tay sẽ được nhiều người đón nhận và đem lại những trải nghiệm thú vị cho bạn đọc", dịch giả J.B chia sẻ thêm.

J.B chính là chàng shipper từng gây “bão” trên mạng xã hội với màn hỏi đáp bằng tiếng Pháp với nhà văn Marc Levy tại một buổi giao lưu giới thiệu sách ở Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh. Là sinh viên học song bằng khoa Tiếng Pháp và khoa Địa lý tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nhưng J.B phải bảo lưu việc học để làm shipper trang trải cuộc sống. Nhờ những tấm lòng yêu thương của nhiều người giúp đỡ, J.B đã trở lại trường đại học để hoàn thành chương trình học. Và trong thời gian tiếp tục việc học, J.B đã hoàn thành cuốn sách dịch đầu tay: “Con gái” của Camille Laurens.

Nhà văn Camille Laurens tên thật là Laurence Ruel-Mézières, sinh năm 1957, là một tiểu thuyết gia đương đại nổi tiếng nhất ở Pháp với nhiều giải thưởng văn học danh giá như Prix Femina, Prix Renaudot dé Lycéens và Le Prix Bourgogne. 

Camille Laurens được xem là một trong những “kiện tướng” của văn chương đương đại Pháp, theo đuổi thể loại “giả tự truyện”.

Tác phẩm của bà đã được dịch ra 30 thứ tiếng, được chuyển thể thành kịch, phim. Hiện bà là thành viên hội đồng giám khảo Prix Gontcourt. 

Nguyễn Thanh và nhóm PV, BTV