- Xây dựng văn hóa từ chức trong hoạt động chính trị như các nước tiên tiến
đã làm… là một trong những kỳ vọng của các ủy viên Thường vụ QH khi thảo luận Đề
án quy trình, thủ tục, cách thức thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với
người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, sáng 14/9.
49 hay 430 người?
Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, căn cứ vào yêu cầu của Nghị quyết
TƯ 4, Ban chỉ đạo xây dựng Đề án nêu hai phương án đối tượng đưa ra lấy phiếu
tín nhiệm:
Thứ nhất, gồm những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn,
với tổng số 49 người.
Số lượng ít hơn với HĐND cấp tỉnh, huyện, xã.
Phương án hai, gồm toàn bộ những người giữ các chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu
hoặc phê chuẩn, tổng số lên tới 430 người.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Nên lấy phiếu tín nhiệm hàng năm. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Hầu hết ý kiến thảo luận tại Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH) đều tán thành phương án đầu tiên. Cũng có ý kiến cho rằng nên tập trung lấy phiếu tín nhiệm với các thành viên Chính phủ, thành viên UBND.
Tuy nhiên, UBTVQH vẫn chưa ngã ngũ cách thức triển khai sao cho đi vào thực chất.
Gây tranh luận nhiều là tần suất đánh giá tín nhiệm trong một nhiệm kỳ.
Các đại biểu ủng hộ hai năm đánh giá một lần dựa trên lý lẽ là thành quả chỉ đạo, điều hành phải có thời gian để kiểm định, nếu đánh giá hàng năm e rằng cán bộ luôn ở trạng thái “nơm nớp”. Thậm chí, Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển còn phân tích: “Nếu năm nào cũng lấy phiếu sẽ dẫn đến mặt trái là bản thân người được lấy phiếu nhiều có khi tính quyết đoán, kiên định bị giảm sút. Chúng ta phải lấy phiếu tín nhiệm, nhưng 2 năm một lần là đã đủ khiếp rồi”.
Nhưng theo Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc, đánh giá hàng năm “không có gì là ghê gớm”. Kết quả lấy phiếu năm đầu tiên thấp biết đâu lại giúp cho vị cán bộ đó rút kinh nghiệm và nỗ lực hơn trong những năm tiếp theo. Bởi, việc lấy phiếu không phải để “trảm” ngay cán bộ mà chỉ là để thăm dò.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng khẳng định, việc lấy phiếu tín nhiệm nên làm định kỳ hàng năm. Mọi đổi mới đều sẽ khó khăn thời gian đầu nhưng nên được tập dượt dần “chứ nếu e sợ sẽ mãi mãi không thể làm được. Cũng không nên sợ ảnh hưởng đến ý chí tiến công, quyết đoán”.
“Từ chức để giữ danh dự”
E ngại lớn nhất của UBTVQH là cách triển khai sao cho thực chất, nếu không, sẽ gây “tác dụng ngược” hoặc thành hình thức. Thậm chí mỗi lần lấy phiếu tín nhiệm lại là dịp để bùng nổ đơn thư tố cáo lãnh đạo. Muốn như vậy, việc lấy phiếu (để thăm dò mức độ tín nhiệm) phải gắn với quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Tinh thần của đề án là lấy phiếu tín nhiệm nhằm thăm dò mức độ tín nhiệm của cán bộ. Bỏ phiếu là để thể hiện quan điểm có giữ cán bộ đó lại làm việc tiếp hay không. Theo dự kiến, nếu các chức danh trên trong hai năm liên tiếp không nhận đủ tín nhiệm thì sẽ phải bỏ phiếu bất tín nhiệm.
Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm vốn đã được quy định trong luật nhưng do còn nhiều điểm “vướng” nên chưa phát huy hiệu lực. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, ĐBQH phải phát huy quyền đại diện của mình ở chỗ có thể bãi nhiệm, miễn nhiệm các chức danh do mình bầu ra. Tuy nhiên, quy trình thế nào phải được nghiên cứu thận trọng, đảm bảo tính khách quan, trung thực, chặt chẽ. Ban soạn thảo có thể nên tính tới cả phương án về việc người bị bất tín nhiệm có thể xin thôi chức trước để tránh bị bỏ phiếu.
Theo nhiều thành viên UBTVQH, đây cũng là dịp để nhắc lại câu chuyện “văn hóa từ chức”.
Nói như ông Phùng Quốc Hiển, với những cán bộ khi thăm dò mà tín nhiệm dưới 50%, có thể báo cáo trước QH để xin khắc phục các khuyết điểm. Song, trường hợp không thể tiếp tục thì nên chủ động xin từ chức.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng tán thành bổ sung vào đề án nội dung sau: Nếu hai năm liên tiếp lấy phiếu tín nhiệm mà vẫn thấp, mặc nhiên sẽ phải bỏ phiếu bất tín nhiệm, vậy có thể chọn phương án từ chức để “giữ gìn danh dự”.
Nhiều ý kiến tán thành đề xuất này. Bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, người dân cũng đang rất mong sẽ có những trường hợp chủ động xin từ chức, tạo ra được văn hóa từ chức. Phó Trưởng Ban Tổ chức TƯ Trần Văn Minh cũng chia sẻ, nên đánh giá định kỳ hàng năm, ai bị tín nhiệm thấp phải lo phấn đấu. Còn ai đó nếu xét thấy cần thiết sẽ chủ động xin từ chức.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cũng đề xuất nên tính đến việc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong điều kiện bất thường. Đó là với các chức danh phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra thất thoát lớn cho nhà nước hoặc gây ra những tác động lớn đến an ninh quốc gia.
Trước khi trình QH, Đề án sẽ được Bộ Chính trị cho ý kiến cuối tháng này.
Lê Nhung