Đặc biệt, tỉnh đã xuất hiện nhiều HTX, tổ hợp tác có mô hình mới hoạt động hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo.

anh bai 34.jpg
Các HTX đã chuyển đổi từ mô hình trồng truyền thống sang hướng VietGAP để tiếp tục nâng cao chất lượng.

Tính đến 30/10/2023, tỉnh có 184 hợp tác xã; 04 quỹ tín dụng nhân dân; 01 liên hiệp HTX. Trong đó, có 158 HTX đang hoạt động; 24 HTX tạm ngừng hoạt động và 21 HTX đã giải thể. Tổng số thành viên HTX trên toàn tỉnh là 39.417 thành viên, với tổng số vốn hoạt động ước tính trên 1.406 tỷ đồng, thu hút hơn 13,2 nghìn lao động thường xuyên, mang lại thu nhập bình quân 40 triệu đồng/người/năm, với doanh thu bình quân 1,8 tỷ đồng/ HTX.

Các HTX đã tổ chức hiệu quả hoạt động dịch vụ, mở rộng phạm vi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác, liên kết với các đối tác để nâng cao thu nhập thành viên, hội viên. Nhiều liên hiệp hiệp HTX, HTX nông nghiệp tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Một số HTX nông nghiệp đã có bước chuyển mình rõ nét theo hướng xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm (năm 2023 có 07 HTX đăng ký tham gia chương trình OCOP); các hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tăng; từng bước tăng tỷ lệ máy móc thiết bị vào quá trình sản xuất, tăng năng xuất lao động, chất lượng hàng hóa, giá trị và khả năng cạnh tranh; tiếp tục phát huy vai trò của các quỹ tín dụng nhân dân. 

Một số HTX tiêu biểu, có doanh thu cao, cung cấp sản phẩm, dịch vụ được nhiều người tiêu dùng biết tới, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, chẳng hạn như: HTX thủ công mỹ nghệ Vĩnh Phước (Ninh Hòa), HTX nấm Vĩnh Ngọc Nha Trang (Nha Trang), HTX nông nghiệp Diên Lộc (Diên Khánh), HTX VietGAP Nha Trang (Diên Khánh), HTX xây dựng, cơ giới Vĩnh Thái (Nha Trang)…

Nhiều HTX đã cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng cao, từng bước khẳng định thương hiệu và được thị trường chấp nhận, chẳng hạn như: trầm hương Vạn Thắng, rong nho DT Group, bưởi da xanh Hiệu Linh, táo Cam Thành Nam, gạo thảo dược Ninh Đông, xoài sấy dẻo Cam Lâm online, đông trùng hạ thảo Thiên Thảo, bồ câu Quốc Anh, dừa xiêm hữu cơ Phượng Hoàng farm…

Huyện miền núi Khánh Vĩnh có 8 HTX, 21 tổ hợp tác. Thời gian qua, huyện đã chú trọng thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc, nhất là các chính sách hỗ trợ vốn cho hộ đồng bào dân tộc phát triển sản xuất. Một trong những chính sách được huyện triển khai hiệu quả là phát triển các mô hình sản xuất tổ hợp tác, HTX trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để người dân tiếp cận, từng bước xóa bỏ những tập tục canh tác lạc hậu và loại bỏ những giống cây mang lại năng suất thấp.

 Các HTX đi vào hoạt động ưu tiên sử dụng lao động tại chỗ không những tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn là giải pháp để người nông dân học tập về cách làm nông nghiệp, là động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Ngoài ra, HTX vừa cung ứng dịch vụ đầu vào, tổ chức tiêu thụ đầu ra cho nông sản. Các mô hình HTX hoạt động hiệu quả ở Khánh Vĩnh đã tạo điều kiện giúp nông dân miền núi yên tâm sản xuất.

Ông Hồ Hữu Đức-Phó Chủ tịch thường trực Liên minh HTX tỉnh Khánh Hòa nhận định, Liên minh HTX tỉnh cũng với Liên minh HTX Việt Nam rất quan tâm trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phát triển kinh tế-xã hội thông qua mô hình hoạt động của HTX. Các HTX và tổ hợp tác ở Khánh Hòa đã và đang phát huy được vai trò tập hợp vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm của nông dân, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nâng cao hiệu quả vào sản xuất, thực hiện tốt việc liên doanh liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm hàng hóa cho nông dân. Nhìn chung các HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, góp phần quan trọng trong xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Hữu Khôi và nhóm PV, BTV