Xu hướng người dùng mạng xã hội thực hiện clip livestream bán hàng từ quần áo, giày dép, kính thời trang, mỹ phẩm tới các mặt hàng như dụng cụ gia đình, dụng cụ làm bếp, chăn, chiếu,... đang bùng nổ trên thị trường mạng hiện nay. Đây được coi là bước tiến vượt bậc, tạo ra sự khác biệt trong hoạt động thương mại điện tử nhưng đặt ra thách thức với cơ quan chức năng trong kiểm soát, quản lý kênh bán hàng này.
Bùng nổ livestream bán hàng
Cần phải thấy, livestream bán hàng đang trở thành xu hướng, là cách thức được nhiều người lựa chọn trong kinh doanh hàng hóa. Livestream phần nào giúp loại bỏ tâm lý e ngại khi mua sắm trực tuyến, bỏ đi rào cản không được cầm nắm hay thử sản phẩm, cảm nhận rõ hơn về tính năng và công dụng, qua đó mức độ tin tưởng ở người dùng được gây dựng đáng kể. Đồng thời, người dùng có cơ hội tương tác, nghe các lời nhận xét, đánh giá sản phẩm chân thực.
Livestream bán hàng đang trở thành xu hướng trên mạng xã hội. |
Hiện nay, chỉ cần “dạo” trên mạng xã hội vào bất kỳ khung giờ nào cũng có thể dễ dàng bắt gặp những hoạt động livestream bán hàng. Do hoạt động livestream bán hàng bùng nổ một cách chóng mặt nên nó nhanh chóng trở thành loại hình dịch vụ được kinh doanh. Thậm chí, không ít các nhóm kênh mạng xã hội, diễn đàn căn cứ vào từng cấp độ để thu phí cho các hoạt động livestream bán hàng. Hoạt động livestream bán hàng hiện nay là nghề được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn, thậm chí còn thu hút cả những người nổi tiếng tham gia.
Đối diện với trào lưu trên, không ít người nắm bắt cơ hội để trở nên thành công, nhưng đi kém đó là không ít hệ lụy bởi nhiều kẻ lợi dụng lừa đảo, kinh doanh các mặt hàng cấm, hàng nhái, hàng giả, khi luật pháp vẫn chưa có chế tài xử phạt rõ ràng với loại hình thương mại mới này.
Liên tiếp thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều kho kinh doanh hàng nhái, hàng giả không đăng ký kinh doanh thương mại… mà chủ yếu qua hình thức livestream bán hàng với quy mô lớn. Cách thức thường thấy của những đối tượng này là đăng bán sản phẩm với các chương trình giảm giá, thậm chí tặng luôn sản phẩm… để thu hút khách hàng. Đổi lại, người dùng chỉ cần like, chia sẻ bài viết, để lại thông tin gồm họ tên, số điện thoại, địa chỉ gửi hàng. Dù cách làm không mới nhưng đã đánh trúng tâm lý ham rẻ nên hầu hết người tiêu dùng “sập bẫy” mua phải hàng giả, hàng nhái, thậm chí bị lừa tiền khi mua hàng qua các hình thức livestream.
Người tiêu dùng cần cẩn trọng mua hàng trên livestream. |
Câu chuyện của anh Lê Phong (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) sau đây là một ví dụ cho những "quả đắng" mà người tiêu dùng gặp phải. Anh Phong cho biết: "Tôi bị thu hút bởi 1 lần livestream giảm giá đúng sản phẩm yêu thích. Không kịp xác minh uy tín, tôi đã làm theo hướng dẫn để chuyển khoản một số tiền đặt cọc sản phẩm, nhưng đợi thời gian dài mà không thấy đâu. Khi tôi gọi điện liên lạc thì đầu dây bên kia cho biết chỉ là người livestream thuê theo ca nên không biết. Nhắn tin hỏi thì shop trả lời đã hết hàng, đang đợi vận chuyển từ bên nước ngoài về khi nào có sẽ liên lạc lại… nhưng đợi cả tháng không thấy hồi âm. Đến lúc đó tôi mới biết mình thực sự bị lừa”.
Câu chuyện của anh Phong nhanh chóng thu hút sự quan tâm bởi rất nhiều người từng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Trường hợp khác của chị Hải đã đặt hàng một bộ quần áo gắn mác “xuất dư” sau khi xem livestream. Khoảng 3 ngày sau khi nhân viên giao hàng gọi điện chị háo hức mở ra xem thì chất liệu, đường may, viền chỉ khác xa so với quảng cáo, mặc thử thì chị không còn nhận ra dáng vẻ của mình nữa. Không đồng ý nhận hàng, chị Hải còn phải mất thêm một khoản phí đổi trả và vận chuyển.
Rõ ràng, livestream là phương thức bán hàng rất tiến bộ và hiệu quả trong thời đại công nghệ số. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên cẩn trọng trước những hình thức bán hàng lừa đảo, không nên ham rẻ mà trở thành nạn nhân của các đối tượng xấu. Việc này đã nhiều lần dư luận lên án, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý nhưng dường như chỉ như “đá ném ao bèo” trước sự nở rộ không ngừng của loại hình này.
Từ công khai vi phạm pháp luật đến trốn thuế
Bên cạnh việc công khai bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí hàng giả, hàng nhái, hình thức kinh doanh livestream cũng cho thấy dấu hiệu trốn thuế rất rõ ràng. Hẳn dư luận còn nhớ sự việc một thương hiệu lớn chỉ livestream bán hàng “chốt” được 4,7 tỷ doanh thu. Đây là ví dụ điển hình cho thấy thu nhập từ hoạt động kinh doanh kiểu này luôn đạt doanh số rất lớn cho các cá nhân và doanh nghiệp.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là ngoài việc người tiêu dùng thường xuyên mua phải sản phẩm nhái, hàng giả thì Nhà nước cũng bị thất thu thuế không nhỏ. Điển hình như vụ triệt phá kho hàng giả, hàng nhái rộng 10.000m2 tại Lào Cai cuối năm 2020 cho thấy, sau 2 năm kinh doanh bằng hình thức livestream online, cơ sở này đạt doanh thu trên 60 tỷ đồng. Và vì là bán hàng giả, hàng nhái, đồng thời không có hóa đơn chứng từ hợp lệ nên Nhà nước khó có thể kiểm soát, thu thuế thu nhập, cho đến khi sự việc bị cơ quan chức năng triệt phá.
Theo một thống kê, thị trường Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng, với sự tham gia của 50.000 nhà cung ứng sản phẩm. Tính ra, mỗi ngày có khoảng 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng. Thậm chí, con số này còn có thể nhiều hơn nữa, diễn ra ở rất nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau.
Vậy, câu hỏi đặt ra, cơ quan chức năng sẽ kiểm soát hoạt động thương mại kiểu này như thế nào để vừa làm trong sạch thị trường, vừa không bị thất thu thuế?
Ngày 5/12/2020, Chính phủ ban hành Nghị định cơ quan thuế yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của những cá nhân nghi có thu nhập lớn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, để đi vào thực tiễn, việc kiểm tra giám sát đòi hỏi cần có quá trình và phối hợp của rất nhiều cơ quan khác.
(Theo Viet Q)