Ngày 13/10, sau bữa ăn bán trú, nhiều học sinh trường Tiểu học Thành Công B, (quận Ba Đình, Hà Nội) bị đau bụng, sốt. Trẻ được đưa đi cấp cứu trong tình trạng đau bụng, sốt. Bác sĩ chẩn đoán các em bị nhiễm khuẩn đường ruột.

Ngay sau đó, UBND quận Ba Đình đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, UBND phường, trạm y tế phường... về trường nắm bắt thông tin, kiểm tra, xác minh bước đầu, đồng thời thành lập Tổ kiểm tra công tác y tế học đường.

Thời gian gần đây, bữa ăn bán trú lèo tèo giá 32.000 đồng tại trường THCS Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội, cũng gây búc xúc cho các phụ huynh và gây thêm nhiều nỗi lo về chất lượng bữa ăn cũng như vấn đề an toàn thực phẩm ở các bếp ăn bán trú trường học.

W-benh-nhan-co-vid-1.png
Suất ăn bán trú cần đủ dinh dưỡng.

Chị N.T.M (phương Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) có con gái đang học lớp 7, chia sẻ hằng ngày con đi học về đều than đói và không thích ăn ở lớp vì đều là thực phẩm chế biến sẵn như chả cá viên, xúc xích, các loại giò, chả mỡ và một số thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn.

Không riêng gì chị M., chị B.T.H. (Long Biên, Hà Nộ) cho biết 2 năm nay chị đều tranh thủ về nhà nấu cơm trưa để con đi học về ăn vì không tin tưởng bữa ăn tại trường. Chị H. từng trong ban đại diện phụ huynh, sau vài lần kiểm tra bữa ăn tại trường chị đã quyết định cho con về nhà ăn trưa. Ngày nào bận, chị dặn con về nhà bà ngoại gần trường. 

Chia sẻ về bếp ăn bán trú, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng quốc gia, Hà Nội, chia sẻ bếp ăn bán trú đòi hỏi rất nhiều yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm. Bữa ăn cần đảm bảo đủ chất, đủ dinh dưỡng, định lượng và an toàn. 

Thực đơn hàng ngày cần được chế biến đa dạng bao gồm có món xào, mặn, canh, tráng miệng. Một bữa ăn có ít nhất 5 trong 8 nhóm thực phẩm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới gồm: chất đạm (thịt, cá, thủy sản, trứng, đậu đỗ...), chất béo (dầu ăn, mỡ), chất bột đường (cơm, mì, phở, bún...), rau, trái cây, sữa. Thực đơn mang tính khả thi, chế biến hợp lý bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm.

Ở các quốc gia phát triển, quy định về các bữa ăn học đường rõ ràng, cụ thể trong Luật về tiêu chuẩn dinh dưỡng cho bữa ăn, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về cơ sở vật chất, nhân lực đào tạo chuyên sâu để có thể thực hiện được bữa ăn học đường bảo đảm dinh dưỡng, khoa học và hợp lý trong trường học.

Việt Nam cũng có các văn bản quy định về bữa ăn tập thể trong Luật An toàn thực phẩm và các quy định về sức khỏe học đường. Tuy nhiên, việc giám sát còn lỏng lẻo và không đảm bảo đúng quy định. Bác sĩ Hưng cho rằng để có bữa ăn học đường an toàn, đủ dinh dưỡng cho sự phát triển của học sinh cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành y tế, giáo dục từ trung ương đến địa phương trong tất cả các hoạt động triển khai, giám sát, thanh tra.

Theo thông tin từ Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, trong thời gian tới, thành phố sẽ lập đoàn kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm khay đựng, thìa, bát ăn, nhất là những góc cạnh, dễ lưu vi khuẩn tại các trường học trên địa bàn.

Giao Linh và nhóm PV, BTV