- Tôi tham gia giao thông trên đường giải phóng và vô tình gây ra tai nạn với một cụ già khoảng 60 tuổi. Tai nạn đó do lỗi của cả hai bên. Cụ không làm chủ tốc độ nên đâm vào tôi, khi tôi đang rẽ bất ngờ.

Tin bài khác:

Tôi không bị xây xát gì nhưng cụ già có những biểu hiện bị sốc do tai nạn này. Đi vào viện thì sau khi khám, chụp bác sĩ nói hiện tại không bị chấn thương. Thế nhưng ông cụ nói vẫn đau tức ngực. Sau đó để ổn định tình hình bố tôi đã kí với ông cụ giấy cam kết, đồng ý chịu trách nhiệm với mọi thương tích của ông cụ trong vòng 3 tháng.

Xin hỏi tôi 24 tuổi, hành vi do tôi gây ra tôi tự chịu trách nhiệm. Bố tôi kí như thế thì tôi có phải chịu trách nhiệm với cam kết đó không? Cụ già đã 60 tuổi, trong quá trình sống có nhiều nguy cơ có thể xảy ra với cụ về sức khỏe nên tôi rất lo lắng. Tôi sợ mình phải chịu trách nhiệm với những lỗi do mình không gây ra.

Ảnh minh họa
Luật sư tư vấn:


Theo nội dung bạn trình bày, chúng tôi hiểu bạn đang lo lắng 2 vấn đề sau:

Thứ nhất: Bố bạn ký vào bản cam kết chịu trách nhiệm thương tật với ông cụ thì bạn có phải chịu trách nhiệm với nội dung cam kết đó hay không?
Thứ hai: Bạn sợ phải chịu trách nhiệm với những vấn đề về sức khỏe của ông cụ  nhưng không phải do lỗi của bạn gây ra.

Chúng tôi xin tư vấn như sau.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 606 BLDS thì: “ Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”, bạn năm nay 24 tuổi và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự  nên về nguyên tắc bạn phải có trách nhiệm bồi thường đối với những thiệt hại do lỗi của bạn gây ra. Bạn không nêu rõ nội dung bản cam kết, nhưng việc bố bạn ký vào bản cam kết có thể hiểu bố bạn là người bảo lãnh cho bạn, nghĩa là trong trường hợp bạn không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bồi thường của mình thì bố bạn sẽ có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đó

Điều 609 BLDS quy định về việc xác định thiệt hại do sức khỏa bị xâm phạm

1. Thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khoẻ và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại.

2. Người xâm phạm sức khoẻ của người khác phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá ba mươi tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Theo như bạn trình bày thì tai nạn xảy ra còn do lỗi của ông cụ vì thế theo quy định tại Điều 617 BLDS về bồi thường thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi thì “Khi người bị thiệt hại cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì người gây thiệt hại chỉ phải bồi thường phần thiệt hại tương ứng với mức độ lỗi của mình; nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại thì người gây thiệt hại không phải bồi thường.”

Như vậy việc xác định thiệt hại về sức khỏe của người bị thiệt hại trong trường hợp này là rất quan trọng. Khi thấy có bất cứ dấu hiệu nào bất thường về sức khỏe của người bị thiệt hại mà bạn cho rằng đấy không phải do lỗi của bạn, bạn có thể yêu cầu gia đình đưa người bị thiệt hại đi giám định để từ đó xác định cụ thể đâu là thiệt hại về sức khỏe do bạn gây ra làm căn cứ để đưa ra mức bồi thường thỏa đáng.

Tư vấn bởi luật sư Hoàng Tuấn Anh, Văn phòng luật Hoàng Kim, điện thoại 0986663459

Bạn đọc muốn gửi các câu hỏi thắc mắc, tranh luận về các vấn đề pháp luật, xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Xin ghi rõ địa chỉ, số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ).