Từ góc độ này, luật Đất đai cần được xem xét như thế nào? Luật với 22 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế như thế nào mà lĩnh vực đất đai luôn là nơi phát sinh khiếu kiện trên tất cả vùng miền, chiếm tỷ lệ cao, kéo dài, áp đảo, liên tục tới 70% tổng khiếu kiện của cả nước?  

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sáng 14/5/2021 đã có buổi tiếp xúc với cử tri huyện Củ Chi, TP.HCM. Trước các ý kiến của cử tri, Chủ tịch cho rằng cử tri nói về đất đai, luật Đất đai và các bất cập là những ý kiến rất thực tế; Chúng ta thấy giàu lên từ đất rất nhiều, nhưng tù đày từ đất cũng rất nhiều.

Chủ tịch nước thông báo rằng Chính phủ đang xem xét sửa đổi luật Đất đai phù hợp với tình hình thực tế của đất nước, tạo nguồn lực phát triển, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Tại kỳ họp bất thường tháng 1/2022, Quốc hội đã xem xét và quyết định về việc sửa đổi bổ sung 8 đạo luật hiện hành, trong đó có luật Đấu thầu, không có luật Đất đai. Vậy là việc sửa đổi bổ sung luật Đất đai phải chờ đến một kỳ họp khác trong năm nay.

Tuy nhiên, cuộc sống không chờ đợi.

Tháng 12/2021, tập đoàn Tân Hoàng Minh đã trúng thầu lô đất 3-12 có diện tích hơn 1ha tại Thủ Thiêm, TP.HCM với giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2. Sự kiện này gây chấn động không chỉ trong khuôn khổ đấu thầu về đất đai mà sâu xa hơn là ở lĩnh vực thị trường bất động sản, bởi đất là tài sản mẹ của mọi tài sản bất động sản.

{keywords}
Từ vụ việc Tân Hoàng Minh trúng thầu lô đất hơn 1ha tại Thủ Thiêm với giá hơn 2,4 tỷ đồng/m2 rồi bỏ cọc, luật Đất đai cần được xem xét thế nào?

Thời kỳ Đổi Mới được khởi xướng năm 1986 thì ngay sau đó, năm 1987 Quốc hội đã thông qua luật Đất đai. Đây được coi là luật đi tiên phong trong triển khai thực hiện nhiệm vụ lịch sử của thời kỳ này. Thuở đó, đất đai như một bông hồng, mọi người và tổ chức trong, ngoài nước đều hướng tới, vừa muốn ngưỡng mộ, vừa muốn sử dụng, vừa muốn sở hữu.

Nhưng luật tiên phong này đã không ngờ rằng dấu son của mình đã để lại những lỗ hổng nhiều tới mức đến nay, đã phải sửa đổi, bổ sung, thay thế tới 22 lần trong 33 năm qua với tần suất 1,5 năm cho mỗi lần, mà vẫn chưa ổn.

Gần đây nhất, cuối tháng 4/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Bộ Tài nguyên Môi trường khẩn trương trong 3-6 tháng tổng kết thực hiện luật Đất đai hiện hành, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung luật này theo đúng chỉ đạo của Quốc hội.

Luật Đất đai với 22 lần ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế đã qua, thì: 2 lần thực hiện theo Hiến pháp trước Đổi Mới; 12 lần sau Hiến pháp năm 1992; 6 lần sau Hiến pháp năm 2003, và 2 lần sau Hiến pháp năm 2013. Trong các lần đó, luật năm 1987 được thay thế bằng luật năm 1993, rồi lại được thay thế bằng luật năm 2003, tiếp tục thay thế bằng luật năm 2013 cho đến nay, tinh ra tuổi của mỗi luật là 10 năm. 

Luật năm 1987 đã đi tiên phong, nhưng không có nội dung nào về thị trường đất đai, tạo một lỗ hổng lớn cho nền kinh tế bước vào ngưỡng cửa của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Luật năm 1993 không có đột phá nào về sở hữu đất đai, chỉ đơn thuần nhắc lại một hiến định đã có từ lâu là “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”. 

Luật năm 2003 đã làm được việc mà các luật đất đai trước không làm được, đó là khai sinh luật định “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai”. Nói là luật định vì Hiến pháp năm 2003 không có điều nào qui định như vậy. Ngay cả bộ luật Dân sự năm 2005 vẫn thừa nhận thể chế “sở hữu nhà nước”, không có điều nào về “Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về tài sản công”.

Mặc dù trong 10 năm thuộc thời hiệu của luật Đất đai năm 2003, Chính phủ đã ra không biết bao nhiêu văn bản dưới luật để thực hiện đột phá đó, nhưng những rối ren về đất đai vẫn gia tăng, thậm chí làm bùng phát tham nhũng trong lĩnh vực này. Đây cũng là nơi phát sinh nhiều khiếu kiện với diện rộng trên tất cả các vùng miền, chiếm tỷ lệ cao, kéo dài, áp đảo, liên tục tới 70% tổng khiếu kiện của cả nước.  

10 năm sau, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến, Hiến pháp năm 2013 đã xác lập thể chế về “tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”. Vậy là từ đây, thể chế “đại diện” này đã không chỉ áp dụng riêng cho đất đai mà mở rộng ra cho tất cả những tài sản có tên chung là tài sản công.

Đây là một đột phá của Hiến pháp năm 2013. Đột phá này được bắt đầu triển khai thực hiện theo qui định tại điều 197 bộ luật Dân sự năm 2015 về “Nhà nước là đại diện, thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu toàn dân”.

Trong 67 năm từ 1946 đến 2013, Việt Nam đều nhất quán về Sở hữu nhà nước cả trong hiến định và luật định, từ đó có những định chế như: Kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, ngân sách nhà nước, ngân hàng nhà nước... Nay sở hữu nhà nước không còn thì những định chế trên có còn nguyên giá trị nữa hay không? Tất nhiên là không.

Và như vậy, muốn hay không thì kinh tế nhà nước sẽ chuyển thành “kinh tế đại diện chủ sở hữu toàn dân”, ngân sách nhà nước sẽ chuyển thành “ngân sách đại diện chủ sở hữu toàn dân”, ngân hàng nhà nước sẽ chuyển thành “ngân hàng đại diện chủ sở hữu toàn dân”... Tuy nhiên, tất cả những định chế kinh tế đó đều vẫn nguyên như cũ, không có gì thay đổi từ “Nhà nước sở hữu” sang “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” suốt từ năm 2013 cho đến hiện nay.

* Kỳ tới: Nhìn lại luật Đất đai từ vụ Tân Hoàng Minh

TS Đinh Đức Sinh

Thị trường và cú quay xe của Tân Hoàng Minh

Thị trường và cú quay xe của Tân Hoàng Minh

Cú quay xe đột ngột của ông chủ Tân Hoàng Minh - trả lại lô đất ở Thủ Thiêm với mức giá cao chưa có trong lịch sử 2,45 tỷ đồng/m2 cho Nhà nước - để lại nhiều dấu hỏi cần trả lời.