Đây là nội dung đáng chú ý được Bộ Nội vụ đưa ra khi đánh giá thực trạng, chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Nguồn nhân lực thiếu hụt trầm trọng

Bộ Nội vụ cho biết, trong nhiều năm qua, nhu cầu về nhân lực công nghệ số đang thực sự cấp bách. Nhà nước đã có chính sách phát triển nguồn nhân lực CNTT, nhiều trường cao đẳng, đại học đã mở ngành đào tạo về CNTT.

Tuy nhiên nguồn nhân lực CNTT, chuyển đổi số của nước ta vẫn thiếu hụt trầm trọng. Nền tảng tuyển dụng chuyên CNTT TopDev chỉ ra rằng mặc dù mức lương và phúc lợi cho ngành này liên tục tăng nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức trong việc tìm kiếm và đào tạo nhân tài.

Qua báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, việc tuyển dụng người có trình độ CNTT vào làm việc tại các cơ quan nhà nước gặp nhiều khó khăn.

Lý do theo phân tích của Bộ Nội vụ là lương và các chế độ chính sách còn thấp; khả năng thăng tiến và phát triển thấp; môi trường làm việc chưa đáp ứng, chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút đội ngũ làm CNTT có chất lượng cao.

Bên cạnh đó còn có tình trạng công chức, viên chức sau khi được tuyển dụng đã xin thôi việc để chuyển ra ngoài khu vực tư nhân.

Trong các cơ quan nhà nước hiện nay, người làm công tác CNTT được xác định là công chức, viên chức thì hưởng các chế độ, chính sách chung, chế độ tiền lương như cán bộ, công chức, viên chức các ngành.

Đối với những người đang công tác trong lực lượng vũ trang và một số lĩnh vực đặc thù được hưởng các chính sách đặc thù khác như phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên…

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và khả năng ngân sách, một số bộ, ngành, địa phương đã ban hành chính sách thu hút và giữ chân nguồn nhân lực CNTT như: Hà Nội, Nghệ An, Tiền Giang… 

Bộ Nội vụ cho biết, kết quả tổng hợp ý kiến các bộ, ngành, địa phương cho thấy 21 bộ, ngành, địa phương có kiến nghị xây dựng chế độ hỗ trợ đối với người làm công tác CNTT.

Xây dựng chính sách thu hút và “giữ chân” nguồn nhân lực CNTT

Theo Bộ Nội vụ, để đảm bảo thực thi công cuộc chuyển đổi số trong 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, việc duy trì, phát triển nguồn lực làm chủ công nghệ số đóng vai trò hết sức quan trọng.

Nguồn nhân lực chuyển đổi số bao gồm từ người lãnh đạo đến các chuyên gia chuyển đổi số, đội ngũ nhân lực sử dụng và khai thác tính năng nghiệp vụ của các nền tảng, ứng dụng công nghệ số phục vụ các hoạt động của tổ chức.

Công cuộc chuyển đổi số cũng cần rất nhiều nhân lực được đào tạo về những chuyên ngành mới, chuyên sâu về công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), khoa học dữ liệu, dữ liệu lớn (Big Data), điện toán đám mây (Cloud Computing)…

Kết quả thống kê báo cáo của các bộ, ngành, địa phương cho thấy, chỉ có một số ít người làm công tác an toàn, an ninh mạng chuyên trách được bố trí tại một số đơn vị thuộc Bộ Công an và Bộ Quốc phòng.  Ngoài ra, đa số là những người có trình độ CNTT được bố trí làm nhiệm vụ công tác chuyển đổi số.

Hiện nay chưa có quy định cụ thể về xác định vị trí việc làm công tác chuyển đổi số, biên chế có hạn nên những người làm công tác chuyển đổi số chủ yếu là kiêm nhiệm.

Theo Bộ Nội vụ, đội ngũ chuyên trách về CNTT thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng có vai trò hết sức quan trọng trong việc triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị để thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ điện tử.

Để có thể tận dụng tối đa và phát huy hiệu quả của công nghệ trong quá trình chuyển đổi số, Bộ Nội vụ cho rằng, việc tiếp nhận, đào tạo, duy trì và phát triển đội ngũ nguồn nhân lực là hết sức cần thiết.

Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay là phải có chế độ, chính sách hợp lý đối với đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong các cơ quan nhà nước để giúp họ yên tâm công tác.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài các chế độ, chính sách chung như đối với người làm CNTT, người làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng chưa có chính sách hỗ trợ riêng mặc dù đặc thù công việc đòi hỏi kiến thức, kỹ năng chuyên sâu và kinh nghiệm về CNTT.

Rất ít các cơ quan, địa phương đã ban hành chính sách hỗ trợ (chính sách hỗ trợ hàng tháng hoặc thu hút 1 lần, đào tạo) cho đội ngũ làm CNTT như: Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Xây dựng, Đồng Tháp, Phú Yên, Lạng Sơn, Nghệ An…

Nhìn chung, chế độ chính sách chưa đủ sức thu hút người có trình độ CNTT. Qua báo cáo cho thấy, chỉ có Nghệ An ban hành chính sách hỗ trợ cho đội ngũ làm công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng và tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc tuyển dụng, sử dụng công chức, viên chức có trình độ CNTT.

Bộ Nội vụ nhấn mạnh, để đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số thì yêu cầu về nguồn nhân lực có trình độ cao về CNTT cùng với việc nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và tăng cường các nguồn lực tài chính là cấp bách.

Để kịp thời giải quyết vấn đề, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khuyến khích, động viên đội ngũ người làm chuyên trách công tác chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng trong khu vực công thì việc xây dựng chính sách hỗ trợ tại thời điểm hiện nay nhằm thu hút và “giữ chân” đội ngũ này là rất cần thiết.

Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng xem xét, quyết định việc xây dựng Nghị định quy định về chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách chuyển đổi số, an toàn, an ninh mạng.

Lương viên chức chuyên ngành CNTT 

Theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 08/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành CNTT gồm hạng I, II, III, IV.

Chức danh CNTT hạng I được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A3, nhóm 1 (A3.1) có 6 bậc, từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00 tương ứng với mức lương từ 11,16 triệu đến 14,4 triệu.

Chức danh CNTT hạng II được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm 1 (A2.1) có 8 bậc, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78 tương ứng với mức lương từ 7,92 triệu đến 12,204 triệu.

Chức danh CNTT hạng III được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1 có 9 bậc, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98 có mức lương từ 4,212 đến 9,964 triệu.

Chức danh CNTT hạng IV được áp dụng hệ số lương của viên chức loại B có 12 bậc, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06 có mức lương từ 3,348 triệu đến 7,308 triệu.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV