- Có một vấn đề dường như vẫn chưa có câu trả lời: đó là vì sao tiền lương của cán bộ, công chức rất thấp trong khi thu nhập thực tế của đa số vẫn khá phong lưu, thậm chí có không ít tài sản?

LTS: Trong bài viết này, TS. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ - TTCP) thử đưa ra một cái nhìn nghiêm túc, toàn cảnh để có thể nhìn nhận thẳng thắn liên quan đến vấn đề nguồn gốc tài sản cán bộ, công chức, đang gây nhiều tranh luận trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, Chống tham nhũng.

Mời quý độc giả tham khảo và tranh luận thêm.

Có một thực tế ai cũng nhận thấy là đồng lương của cán bộ, công chức hiện nay là rất thấp và so với những nhu cầu của cuộc sống thì khó có thể nói là đủ sống, nhưng hầu hết cán bộ công chức (CBCC) lại có cuộc sống bảo đảm thậm chí có một “bộ phận không nhỏ” có mức sống khá phong lưu. Họ có đủ nhà cửa, xe ô tô và nhiều tài sản giá trị khác. Điều nay hoàn toàn có thể kiểm chứng được vì đây là tài sản được kê khai đầy đủ nhất do... không dễ che dấu. 

{keywords}
Có một thực tế ai cũng nhận thấy là đồng lương của cán bộ, công chức hiện nay là rất thấp và so với những nhu cầu của cuộc sống thì khó có thể nói là đủ sống, nhưng hầu hết cán bộ công chức (CBCC) lại có cuộc sống bảo đảm thậm chí có một “bộ phận không nhỏ” có mức sống khá phong lưu. Ảnh minh họa: CafeF

Thực tế này giải thích cho nghịch lý, dù ca thán  lương ở khu vực công thấp so với khu vực tư nhưng “chạy” một suất vào “biên chế” luôn là một công việc tốn nhiều chi phí. Câu chuyện một hiệu trưởng THCS mới bị cách chức vì nhận chạy hàng trăm triệu đồng cho một ví trí giáo viên phổ thông (một công việc được coi là có đồng lương còm cõi nhất) là minh chứng rõ nhất. Vì ngoài lương, họ còn nhiều cơ hội có những thu nhập và các lợi ích khác. Và những khoản này là hoàn toàn chính đáng, chỉ có điều thật khó thống kê và không dễ gì kiểm soát.

Tiền họp: Rất nhiều người nói về tình trạng họp hành quá nhiều đến mức mà các cơ quan nhà nước hiện nay dù được coi là lạm phát về lãnh đạo nhưng vẫn kêu ca là không có người để…. đi họp. Một lãnh đạo cấp sở của một thành phố lớn cho biết trung bình mỗi tháng có 4 chục cuộc họp.

Tất nhiên không có quy định nào nói là đi họp là phải có tiền bồi dưỡng nhưng thực tế thì tuyệt đại đa số các cuộc họp đều có phong bì thường gọi là “tiền ăn trưa”.

Khoản tiền này là từ ngân sách và được chi một cách có căn cứ và có danh sách ký nhận đàng hoàng. Đa số tiền ăn trưa đó được trả bằng tiền mặt nên cũng khó có thể biết được thu nhập từ khoản đi họp mỗi tháng là bao nhiêu.

Thu nhập từ những khoản bồi dưỡng dưới những hình thức khác nhau từ công việc chuyên môn:  như tham gia xây dựng dự án, đề án, hội nghị, xây dựng văn bản pháp luật... Những người tham gia đều có thể có những khoản tiền bồi dưỡng ngoài lương không dự kiến.

Các khoản thu từ nghề “tay trái”: là khoản thu nhập từ việc tham gia giảng dạy và hướng dẫn làm luận văn, luận án, ngồi hội đồng chấm thạc sỹ, tiến sỹ, đánh giá, nghiệm thu các đề tài nghiên cứu khoa học... Những hoạt động này hoàn toàn có thể thực hiện ngay trong giờ hành chính và thu nhập loại này cũng không thể thống kê hay kiểm soát.

Tiền thưởng, lễ tết: đối với một công chức, hàng năm, ngoài tiền Tết tây Tết ta còn có thể nhận được  rất nhiều những khoản tiền “nhân dịp” thành lập ngành, ngày giỗ tổ, ngày nhà giáo, ngày truyền thống... Cùng là công chức nhưng số tiền nhận được từ những khoản như vậy cũng rất khác nhau và ngay ở đây đã có sự bất công giữa các ngành.

Đặc biệt, những ngành liên quan đến quản lý tiền bạc trong một số trường hợp còn được nhận tiền lễ tết cao hơn các ngành khác vì lý do họ là những người “làm ra tiền”. Và nguồn chi cho những khoản đó là từ những quy định về trích thưởng (chẳng hạn vượt chỉ tiêu thu ngân sách...). Còn các ngành chỉ trông vào ngân sách cấp thì đành chấp nhận mức thấp hơn vì họ là những người làm trong lĩnh vực “không có thu”, mặc dù về nguyên tắc, ngành nào cũng quan trọng như nhau. Điều này lý giải vì sao mức độ thu hút (hay là độ “hót”) của các ngành cũng khác nhau, chi phí cho việc chạy vào mỗi ngành cũng khác nhau!

Những khoản thu nhập không thể kiểm soát: Khoản thu nhập này không phải ai cũng có nhưng cũng không phải là ít bởi nó phụ thuộc vào “năng động, tháo vát” và cả đôi chút may mắn.

Do đồng lương quá ít ỏi nên công chức Việt Nam luôn có ý thức “tự cứu mình”. Dưới các hình thức và mức độ khác nhau, phần lớn công chức đều tham gia vào thị trường bất động sản, chứng khoán, bán hàng online…

Cũng như những khoản thu nhập từ ngân sách ngoài lương kể trên thì những khoản thu nhập kiểu này lại càng khó kiểm soát.

Từ những ví dụ này, tôi cố gắng đưa ra bức tranh toàn cảnh về các nguồn thu nhập của công chức ngoài tiền lương chính thức được xác định trong thang bảng lương nhà nước để thấy trong không ít trường hợp giữa lương và thu nhập thực tế của công chức là một khoảng trống mênh mông. Không dễ gì kiểm soát và cũng khó có thể trách cứ.

Đó là chưa kể các lợi ích khác, suy cho cùng cũng là thu nhập như việc được cử đi học bằng tiền ngân sách hay những chuyến công du nghiên cứu, khảo sát tại nước ngoài, những cuộc hội thảo, hội nghị (thường diễn ra tại những địa điểm du lịch, nghỉ mát)... Đó là sự giải thích dễ hiểu nhất cho một nghịc lý là vì ai ai cũng thấy lương thấp, thậm chí rất thấp mà công chức vẫn “sống vui, sống khỏe”! Vì sao lương khu vực tư có thể gấp đôi gấp ba nhưng nhiều nhiều người vẫn cố bằng mọi cách lo cho con cháu vào ngành công vụ.

Những điều không thể lý giải

Loại trừ những công chức có tài sản khủng mà bất cứ lời giải thích nào cũng khó được xã hội chấp nhận thì việc công chức có cái nhà vài tỷ, cái xe hơi vài trăm hiện nay là khá phổ biến, mặc dù với đồng lương hiện nay thì bất cứ ai, kể cả những người ở bậc lương cao nhất cũng gặp khó khăn trong việc giải trình được nguồn gốc số tài sản đó.

Nếu áp dụng công thức đơn giản của nhiều nước là lấy tiền lương trừ đi chi phí sinh hoạt ra phần còn lại để chuyển thành tài sản thì có lẽ đã số công chức chúng ta sẽ không được phép có bất cứ tài sản gì trừ những khoản nợ to tướng! Nói như vậy không phải để biện minh cho những khối tài sản khổng lồ của một số công chức mà mối hoài nghi về sự liên quan đến các hành vi tham nhũng là hoàn toàn có cơ sở, nhưng để thấy rằng vấn đề xác định nguồn gốc tài sản công chức của Việt Nam là cực kỳ phức tạp.

Bởi vậy, chưa thể đặt vấn đề áp dụng biện pháp tịch thu tài sản nếu công chức không chứng minh được nguồn gốc của tài sản đó. Vì để làm được điều này thì trước hết từng bước cải cách tiền lương đến khi nào công chức, với đồng lương, có thể sống được ở “mức khá của xã hội” như mục tiêu đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng chống tham nhũng đến năm 2020”. Mọi khoản phong, bì, phong bao bồi dưỡng lễ tết phải cắt bỏ hoặc ít nhất cũng phải được chuyển qua tài khoản và mọi khoản thu nhập khác ngoài lương của công chức phải được minh bạch và có thể kiểm soát, việc thực thi công vụ được kiểm soát; bảo đảm mọi công chức dành toàn tâm, toàn ý vào việc thực thi trách nhiệm của mình.

Mà để thực hiện được điều đó đòi hỏi phải có lộ trình, có thời gian với sự nỗ lực không ngừng của toàn bộ hệ thống chính trị, đặc biệt là của các cơ quan quản lý nhà nước chứ không thể chỉ trông chờ vào Luật Phòng, chống tham nhũng hay một vài đạo luật.

Ts. Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ - TTCP)