Bà của Yoo Young Yi sinh được sáu người con. Mẹ cô sinh hai. Yoo không muốn có con.
“Vợ chồng tôi rất thích trẻ con… nhưng có những thứ chúng tôi phải hy sinh nếu nuôi dạy con cái. Vì vậy, việc này trở thành vấn đề lựa chọn và chúng tôi đã thống nhất tập trung nhiều hơn vào bản thân”, Yoo, 30 tuổi, nhân viên một công ty tài chính ở Seoul, tâm sự.
Có nhiều người giống như Yoo ở Hàn Quốc đã chọn không sinh con hoặc không kết hôn. Các nước tiên tiến khác cũng có xu hướng tương tự nhưng cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Hàn Quốc còn tồi tệ hơn nhiều.
Vào tháng 9, cơ quan thống kê của Hàn Quốc đã công bố tỷ lệ sinh - số trẻ trung bình được sinh ra tính trên mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ - là 0,81 vào năm 2021. Đó là mức thấp nhất thế giới trong năm thứ ba liên tiếp.
Lần đầu tiên, dân số Hàn Quốc đã giảm (năm 2021), làm dấy lên lo ngại nền kinh tế lớn thứ 10 toàn cầu sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng do tình trạng thiếu lao động và chi tiêu phúc lợi lớn hơn khi số người già tăng lên, số người nộp thuế giảm.
Theo AP, Tổng thống Yoon Suk Yeol đã ra lệnh cho các nhà hoạch định chính sách tìm ra các bước hiệu quả hơn để giải quyết vấn đề. Ông nói, tỷ lệ sinh đang giảm mạnh mặc dù Hàn Quốc đã chi 210 tỷ USD trong 16 năm qua để cố gắng xoay chuyển tình thế.
Nhiều thanh niên Hàn Quốc nói rằng, không giống như các thế hệ trước, họ không cảm thấy có nghĩa vụ phải lập gia đình. Họ viện dẫn sự bất ổn của thị trường việc làm ảm đạm, nhà ở đắt đỏ, bất bình đẳng giới và xã hội, mức độ dịch chuyển xã hội thấp và chi phí lớn để nuôi dạy con cái trong một xã hội cạnh tranh khốc liệt.
Phụ nữ cũng phàn nàn về một nền văn hóa gia trưởng dai dẳng buộc họ phải làm nhiều việc để chăm sóc con cái trong khi chịu đựng sự phân biệt đối xử tại nơi làm việc.
Lee So-Young, chuyên gia chính sách dân số tại Viện Y tế và Các vấn đề xã hội Hàn Quốc cho biết: “Mọi người nghĩ rằng đất nước chúng tôi không phải là một nơi dễ sống. Họ tin rằng con cái không thể có cuộc sống tốt hơn họ, vì vậy họ đặt câu hỏi tại sao phải bận tâm đến việc sinh con”.
Choi Yoon Kyung, chuyên gia Viện Chăm sóc và Giáo dục trẻ em Hàn Quốc giải thích, nhiều người không vào được trường tốt và kiếm được công việc tử tế cảm thấy họ trở thành những người “không thể hạnh phúc” ngay cả khi họ kết hôn và sinh con vì Hàn Quốc thiếu các mạng lưới an sinh xã hội tiên tiến.
Yoo, nhân viên tài chính ở Seoul nói rằng cho đến khi vào đại học, cô rất muốn có con. Nhưng cô đã thay đổi quyết định khi thấy các nữ đồng nghiệp gọi điện thoại cho con trong nhà vệ sinh của công ty để kiểm tra hoặc về sớm khi con ốm. Cô nói rằng các đồng nghiệp nam không phải làm việc này.
“Sau khi nhìn thấy điều đó, tôi nhận ra sự tập trung của mình trong công việc sẽ giảm đi rất nhiều nếu tôi có con”, Yoo nói.
Người chồng 34 tuổi của cô, Jo Jun Hwi, cho biết anh không nghĩ việc có con là cần thiết. Là phiên dịch viên tại một công ty công nghệ thông tin, Jo muốn tận hưởng cuộc sống của mình sau nhiều năm tìm việc mệt mỏi khiến anh “cảm thấy như mình đang đứng trên bờ vực thẳm”.
Không có số liệu chính thức về việc có bao nhiêu người Hàn Quốc đã chọn không kết hôn hoặc không sinh con. Nhưng hồ sơ từ cơ quan thống kê quốc gia cho thấy có khoảng 193.000 cuộc hôn nhân ở Hàn Quốc vào năm ngoái, giảm mạnh so với mức cao nhất là 430.000 vào năm 1996.
Khoảng 260.600 trẻ em được sinh ra ở Hàn Quốc vào năm ngoái so với 691.200 vào năm 1996 và cao nhất là 1 triệu vào năm 1971. Các số liệu gần đây ở mức thấp nhất kể từ khi cơ quan thống kê bắt đầu tổng hợp dữ liệu vào năm 1970.
Ha Hyunji, 26 tuổi, cũng quyết định sống độc thân sau khi những người bạn nữ đã lập gia đình khuyên cô không nên kết hôn vì phần lớn việc nhà và chăm sóc con cái đều do họ đảm nhận. Ha lo lắng về số tiền khổng lồ mà cô sẽ chi cho việc học thêm của con cái để không bị tụt lại phía sau.
Ha, quản lý một quán bar ở Seoul, cho biết: “Tôi có thể sống vui vẻ mà không cần kết hôn và tận hưởng cuộc đời của mình với bạn bè”.
Cho đến giữa những năm 1990, Hàn Quốc vẫn duy trì các chương trình kiểm soát sinh sản, được đưa ra để làm chậm quá trình bùng nổ dân số sau chiến tranh. Quốc gia này đã phân phát thuốc tránh thai và bao cao su miễn phí tại các trung tâm y tế công cộng và miễn trừ huấn luyện dự bị quân sự cho nam giới nếu họ thắt ống dẫn tinh.
Các số liệu của Liên Hợp Quốc ghi nhận, trung bình một phụ nữ Hàn Quốc sinh khoảng 4-6 đứa con trong những năm 1950 và 1960, 3-4 vào những năm 1970 và dưới 2 vào giữa những năm 1980.
Hàn Quốc đang áp dụng nhiều ưu đãi và các chương trình hỗ trợ khác cho những người sinh nhiều con. Nhưng tỷ lệ sinh đã giảm quá nhanh để thấy bất kỳ tác động hữu hình nào. Trong cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm chính phủ vào tháng trước, các quan chức thông tin, họ sẽ sớm đưa ra các biện pháp toàn diện để đối phó với những thách thức về nhân khẩu học.
Xã hội Hàn Quốc vẫn không ủng hộ những người không có con hoặc độc thân.
Vào năm 2021, khi Yoo và Jo đăng quyết định sống không con cái trên kênh YouTube của họ, một số người đã đánh giá họ là “ích kỷ” và yêu cầu họ đóng thêm thuế.
Ông Lee Sung-jai, 75 tuổi, cư dân Seoul, khẳng định, con người kết hôn và sinh con là “quy luật tự nhiên”.
Seo Ji Seong, 38 tuổi, nói rằng cô thường được những người lớn tuổi gọi là người yêu nước vì sinh nhiều con. Cô sẽ sinh đứa con thứ 5 vào tháng 1 năm sau.
Gia đình Seo gần đây đã chuyển đến một căn hộ miễn phí ở thành phố Anyang, được Tập đoàn Nhà và Đất đai Hàn Quốc cùng thành phố cung cấp cho các gia đình có ít nhất 4 con.
Seo và chồng, Kim Dong Uk, 33 tuổi, cũng nhận được sự hỗ trợ khác của nhà nước.
Kim cho biết anh thích nhìn thấy các con lớn lên với những tính cách và tài năng khác nhau, trong khi Seo cảm thấy các con cải thiện các kỹ năng xã hội khi chơi với nhau ở nhà.
"Các bé đều rất dễ thương. Đó là lý do tại sao tôi vẫn tiếp tục sinh con dù rất khó khăn”, Seo nói.