Nhà báo chuyên viết về những vấn đề kinh tế và thương mại châu Á, ông Anthony Rowley tuần trước đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Bộ Trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, về việc sẽ cần bao nhiêu thời gian để ‘thỏa thuận bước 1’ giúp giới doanh nghiệp và các nhà đầu tư phục hồi sự tự tin sau cuộc thương chiến do Tổng thống Trump phát động. Câu trả lời của ông Ross rất đơn giản và khá lạc quan.
“Tôi rất lạc quan. Mỹ và Trung Quốc ít nhất sẽ đạt được ‘thỏa thuận bước 1’ cùng nhau, và vẫn còn một chặng đường dài nhằm giải quyết sự bất ổn. Mọi người đã lo ngại cuộc tranh cãi thương mại này sẽ kéo dài trong nhiều năm và tạo ra sự bất ổn. Nếu Mỹ-Trung giải quyết được những vấn đề trong ‘thỏa thuận bước 1’, điều này sẽ giúp mọi người bình tĩnh hơn, bởi họ sẽ thấy được điểm kết thúc thương chiến đang ở trong tầm mắt”, tờ SCMP trích dẫn lời ông Ross cho biết.
Bộ Trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross. Ảnh: Reuters |
Ngoài ra ông Ross cũng cho rằng, vấn đề thương chiến Mỹ-Trung được coi là nguyên nhân khiến cho giới doanh nghiệp và đầu tư mất đi sự tự tin vào kinh tế toàn cầu là sai lầm. “Tôi không nghĩ về việc đổ lỗi cho những vấn đề Mỹ-Trung gây ra sự sụt giảm thương mại là đúng. Như ở châu Âu vẫn có nhiều điểm yếu kinh tế cơ bản, cũng như sự bất ổn đang ngày càng tăng từ vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu). Ngoài ra, bất ổn chính trị ở một số quốc gia Mỹ La-tinh cũng có phần”.
Từ sự giảm nhập khẩu hàng hóa được báo cáo bởi Viện Tài chính Quốc tế cho tới “việc sụt giảm kinh tế theo cách đồng bộ hóa” do Qũy Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra, cùng lời cảnh báo từ Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) rằng, thương chiến đang phá vỡ sự cân bằng của nền kinh tế toàn cầu và sự tăng trưởng trong tương lai.
Cụ thể, báo cáo của UNCTAD nêu rõ rằng, “chính những khoản thuế đang gây tổn hại kinh tế của cả hai nước”, ngay cả khi Mỹ-Trung tìm cách chuyển hướng xuất nhập khẩu từ các nước khác. “Thiệt hại của nước Mỹ tới từ việc giá hàng hóa sẽ cao hơn đối với người tiêu dùng nước này, trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu giảm đáng kể lại là vấn đề của phía Trung Quốc”.
Lượng hàng xuất khẩu giảm khiến tăng trưởng kinh tế TQ đi xuống. Ảnh: SCMP |
Giáo sư về chiến lược và thương mại toàn cầu Michael Witt cho rằng, sự toàn cầu hóa đang giảm mạnh trong một thập kỷ vừa qua. “Kể từ năm 2008, đã có một sự sụt giảm chậm trong thương mại và giảm mạnh ở lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, đồng thời các quy định cho thương mại toàn cầu cũng đã được thắt chặt. Dường như nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục đi theo con đường này”, ông Witt viết trong một bản báo cáo gần đây.
Cũng trong bản báo cáo này, hiện có rất nhiều quan điểm khác nhau về việc tất cả những vấn đề trên sẽ diễn ra như thế nào. Theo những người thuộc “chủ nghĩa giải phóng”, khi kinh tế toàn cầu mất đi sự cân bằng, thì đây có thể sẽ chỉ là một sự chắp vá của các mối liên kết kinh tế dưới dạng các hiệp định thương mại song phương và khu vực. Khi tình hình trở nên tồi tệ, thì điều này sẽ dẫn tới sự tái xuất hiện của các khối kinh tế với sự hạn chế về tiền tệ, lẫn cả thương mại.
Còn với những người theo “chủ nghĩa hiện thực”, kết quả sẽ là Mỹ sẽ mất đi sự bá chủ trên toàn cầu, nhưng vẫn đủ sức đối chọi với Trung Quốc. Hoặc Trung Quốc sẽ nổi lên như một cường quốc trên toàn cầu, với đồng Nhân dân Tệ thay thế đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng thời những thể chế mới do Trung Quốc đưa ra sẽ thay thế những thể chế cũ.
Anthony Rowley dựa trên những dữ liệu từ UNCTAD, cùng bản báo cáo của ông Witt đã đưa ra kết luận rằng, phạm vi hoạt động của các tập đoàn đa quốc gia sẽ giảm đáng kể, trong khi những rủi ro và chi phí cho việc kinh doanh trên trường quốc tế sẽ tăng mạnh. Sự mất cân bằng toàn cầu sẽ có tác động đáng kể và gây tốn kém cho nhiều hoạt động kinh tế đa quốc gia.
Tuấn Trần