- Trong ngày mai, việc tìm kiếm sẽ vẫn được tiếp tục. Phạm vi hoạt động chuyển về hướng Đông của đường bay máy bay mất tích. Chú ý thêm các khu vực rừng U Minh.

* Nhấn F5 để liên tục cập nhật...

VN chưa nhận được thông tin 'dấu vết Boeing ở Malacca'

“Có thể chúng tôi sẽ có điện gửi sang Malaysia để xác nhận lại thông tin này xem có đúng hay không”, đại diện sở chỉ huy hàng không Việt Nam tại Hà Nội cho biết.

XEM BÀI TƯỜNG THUẬT NGÀY HÔM QUA (11/3)

MẢNH VỠ MÁY BAY CÓ THỂ VÀO ĐẤT LIỀN

21h: Tờ New Straits Times đưa tin, có vẻ như chiếc Boeing 777-200 đã chuyển hướng bay tới eo Malacca khi không quân Malaysia nói rằng họ đã phát hiện một đốm sáng lạ trên bầu trời Malacca.

Xem chi tiết tại đây.

18h35: Liên quan về thông tin tổ bay chuyến bay mất tích đã 2 lần thông báo kỹ thuật chuyến bay về cơ quan không lưu Malaysia trước khi mất tích, trả lời báo chí Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu cho biết: "Cho đến nay chúng tôi vẫn không nhận được bất cứ thông tin gì về việc này, kể cả sau khi đã gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin. Tôi đã yêu cầu Cục hàng không tiếp tục nhắc lại các văn bản yêu cầu thông tin đối với nhà chức trách Malaysia".

Đánh giá về sự phối hợp của phía Malaysia trong công tác tìm kiếm với Việt Nam, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu thẳng thắn cho rằng, phía Malaysia chưa chủ động cung cấp thông tin số liệu cho Việt Nam để phục vụ cho quá trình tìm kiếm.

Ông Tiêu cũng lưu ý, đây là một sự cố hàng không hết sức bí ẩn, chưa từng có tiền lệ.

Về mức chi phí cho hoạt động tìm kiếm, Thứ trưởng Tiêu cũng cho biết, chưa thể đánh giá được bởi có sự tham gia của nhiều lực lượng, trong đó có quân đội.

"Trường hợp việc tìm kiếm không có kết quả kéo dài, đến một thời điểm nào đó chúng tôi sẽ phải thống nhất với các bên dừng việc tìm kiếm", ông Tiêu nói.

17h40: Công tác tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia bị nạn vẫn tiếp tục bình thường. Chiều nay 12/3, lực lượng Hải quân với 8 tàu hoạt động ở phía tây nam, không quân tiếp tục tìm kiếm ở khu vực phía đông với 9 máy bay. Các lực lương còn lại như Cảnh sát biển, hàng hải ở nguyên vị trí cũ” - Chuẩn đô đốc Lê Minh Thành, Phó tư lệnh Hải quân cho biết tại Sở chỉ huy tiền phương bên trong đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc.

VIDEO PHỎNG VẤN CHUẨN ĐÔ ĐÔ LÊ MINH THÀNH:

Ông Thành cho biết thêm, tất cả mọi hoạt động đến giờ phút này vẫn chưa có một kết quả cụ thể nào. Như vậy sau hơn 4 ngày hoạt động tìm kiếm, các lực lượng tham gia chưa tìm thấy dấu vết của chiếc máy bay bị nạn.

Đối với thông tin chiếc máy bay nghi rơi tại eo biển Malacca, đến giờ này vẫn chưa có phản hồi từ phía Malaysia. Riêng với trường hợp triển khai tìm kiếm trên đất liền, chuẩn đô đốc Thành nói : “Có thể có những mảnh vỡ rơi từ trên máy bay đã vào đất liền. Chúng tôi đã thông báo cho tất cả các đơn vị hoạt động trong phạm vi nghi ngờ nếu phát hiện báo ngay cho nhà chức trách".

15h30: Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không Việt Nam cho biết, từ sáng nay (12/3), Malaysia đã tạm dừng tìm kiếm máy bay nghi mất tích trong khu vực biển của Việt Nam để tập trung tìm kiếm ở vùng eo biển Malacca của nước này.

Theo đại diện Sở Chỉ huy, Malaysia cũng chưa gửi thông báo về kế hoạch sẽ bay tìm kiếm trong khu vực biển Đông của nước ta vào ngày mai.

Cảnh sát tiểu bang Terengganu, Malaysia hôm nay (12/3) xác nhận, đã nhận được báo cáo về việc những người dân ở Marang nghe thấy một tiếng nổ lớn vào sáng thứ Bảy tuần trước, trùng với thời điểm mà chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của hãng Malaysia Airlines (MAS) mất tích.

Xem chi tiết tại đây .

Hiện nay hoạt động bay tìm kiếm trong vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR) đang được thực hiện bởi 3 nước là Việt Nam, Singapore và Trung Quốc.

Maylaysia nhờ Việt Nam tiếp tục duy trì tìm kiếm máy bay mất tích của họ và nếu phát hiện thấy dấu hiệu nào thì hãy báo để họ biết.

Tuy phủ nhận thông tin dò được tín hiệu từ radar cho thấy phát hiện máy bay tại Malacca nhưng Malaysia cho biết họ vẫn tiến hành tìm kiếm để không bỏ sót những dấu hiệu nào”, đại diện Sở chỉ hy tìm kiếm cứu nạn hàng không cho biết.

Phạm vi tìm kiếm của máy bay AN26 bay mở rộng về phía Đông, cách Đông Nam tỉnh Sóc Trăng hơn 60km (rộng khoảng 35.000km2); thủy phi cơ và trực thăng Mi-171 sẽ tìm kiếm ở khu vực biển ngày hôm nay đã tìm (giữa đảo Phú Quốc và Thổ Chu, rộng hơn 5.000km2).

NGÀY MAI, CHUYỂN TÌM KIẾM VỀ HƯỚNG ĐÔNG

15h15: Trung tướng Trần Quang Khuê, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết tại Sở chỉ huy Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, ít có khả năng máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển của chúng ta đảm nhiệm.

Trung tướng Khuê đề xuất, nên xây dựng lại kế hoạch tìm kiếm cho phù hợp. Với tàu thì nên giữ nguyên vị trí để đảm bảo tìm kiếm và phối hợp, quản lý tàu nước ngoài tham gia tìm kiếm. Về máy bay, thì nên xây dựng lại kế hoạch bay với tần suất bay phù hợp. Riêng với tàu HQ888 nên rút về vị trí ban đầu để thực hiện nhiệm vụ đang tiến hành.

Tìm máy bay mất tích, chú ý thêm khu vực rừng U Minh

"Ít có khả năng máy bay Malaysia gặp nạn trên vùng biển của chúng ta đảm nhiệm. Đề xuất nên xây dựng lại kế hoạch tìm kiếm cho phù hợp"...

 

Trung tướng Võ Văn Tuấn – Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho biết, trong ngày mai, việc tìm kiếm sẽ vẫn được tiếp tục. Phạm vi hoạt động chuyển về hướng Đông của đường bay máy bay mất tích. Chú ý thêm các khu vực rừng U Minh, vì đây là địa bàn dân cư thưa thớt, các quân khu phải có báo cáo hàng ngày về việc có phát hiện dấu vết của chiếc máy bay mất tích hay không.

15h: Đại diện Cục Hàng không cho biết, sáng nay, Cục có nhận được e-mail của một người nước ngoài làm việc ngoài dàn khoan gần Côn Đảo cho biết, có nhìn thấy máy bay cháy rơi xuống biển và đã tìm cách liên lạc vào đất liền nhưng không được.

Thông tin này đã được Cục báo cáo Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn và Ủy ban đã điều một máy bay AN26 ra kiểm tra, và yêu cầu tất cả máy bay đi qua khu vực đó quan sát có gì bất thường thông báo. Nhưng từ sáng đến giờ vẫn chưa thấy gì.

Lóe hy vọng khi ngư dân Malaysia tìm thấy xuồng cứu sinh

Một nhóm ngư dân Malaysia đã tìm thấy một xuồng cứu sinh có chữ "Boarding" cách thị trấn Port Dickson 10 hải lý vào đêm qua.

Đại diện Sở chỉ huy cứu nạn Hàng không cho biết thêm, cũng trong ngày hôm qua một máy bay của Vietnam Airlines bay qua và phát hiện có một tín hiệu ở vùng bắc Đà Nẵng, Cục hàng không đã cung cấp tần số cho Trung tâm cứu nạn hàng hải cho thuyền kiểm tra nhưng không thấy gì.

Tín hiệu này chỉ báo một lần duy nhất và sau đó các máy bay khác bay qua lại không thấy có gì”, đại diện Sở chỉ huy Hàng không cho biết.

14h30': Tại sở chỉ huy Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng QĐNDVN nghe các đơn vị báo cáo tình hình tìm kiếm, cứu nạn chiếc máy bay mất tích và cho ý kiến chỉ đạo.

Tướng Tỵ cho biết, trước hết, chúng ta phải tập trung lực lượng để tìm kiếm chiếc máy bay mất tích. Tuy nhiên, cần quán triệt lưu ý đến vấn đề giữ vững chủ quyền. Các lực lượng phải kiểm soát chặt chẽ quá trình hoạt động của tàu nước ngoài.

"Tàu nước ngoài đến đây chỉ một mục đích duy nhất là tìm kiếm cứu nạn, Vậy nên, nếu khi nào phía Việt Nam dừng tìm kiếm thì tàu và máy bay nước ngoài cũng phải dừng tìm kiếm" - ông Tỵ nhấn mạnh.

Lời cuối cùng của phi công MH370

Tín hiệu phát thanh cuối cùng từ buồng lái của chiếc máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH370 mất tích là "Được rồi, chúc ngủ ngon," Đại sứ Malaysia tại Bắc Kinh cho biết trong một cuộc gặp mặt với các thân nhân hành khách Trung Quốc.

Xem tại đây

VIỆT NAM TIẾP TỤC TÌM KIẾM

11h10: Cục Hàng không VN cho biết, sáng nay, các tàu bay AN26 và CASA tiếp tục tìm kiếm mở rộng về phía Nam, Đông Nam mũi Cà Mau.

Cục này cũng cho biết, trong ngày hôm qua (11/3), Bộ Quốc phòng đã cấp phép cho 2 tàu bay IL-76 và TU-154 của Không quân Trung Quốc tham gia bay tìm kiếm máy bay mất tích của Malaysia.

Lúc 8h10 sáng nay, tàu bay bay IL-76 đã qua ranh giới FIR Hồ Chí Minh vào khu vực tìm kiếm.

Ngoài ra, các tàu bay của Singapore cũng tiếp tục tìm kiếm tại khu vực FIR Hồ Chí Minh.

Video: Trực thăng quần thảo kiếm máy bay mất tích

PV VietNamNet trên chuyến phi cơ Mi171, mang số hiệu 8431 ghi lại hình ảnh tìm kiếm, cứu nạn ở phía Tây đảo Hòn Chuối ngày 11/3.

10h20: Thông tin từ Sở chỉ huy ở Ủy ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia, ngày hôm nay, phạm vi tìm kiếm sẽ mở rộng về phía Đông.

Có tất cả 31 tàu được huy động để tìm kiếm: Việt Nam 9 tàu, Malaysia 9 tàu, Trung quốc 6 tàu, Mỹ 3 tàu, Thái Lan 1 tàu, Singapore 3 tàu.

Thông tin mới nhất mà Malaysia đưa ra lại phủ nhận thông tin tìm thấy tín hiệu của máy bay tại eo biển Malaca, nhưng trước đó có đề cập tới việc máy bay dường như định chuyển hướng trước khi mất tính hiệu.

Xem chi tiết tại đây.

10h15: Theo đại diện Sở chỉ huy tìm kiếm cứu nạn Cục Hàng không Việt Nam, hàng không Malaysia chưa có nguồn tin chính thức về việc có hay không tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca, vì vậy họ chưa khẳng định chính thức thông tin này.

Do vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục tìm kiếm theo kế hoạch với 2 máy bay AN26, 2 CASA, máy bay của Không quân, Hải quân Việt Nam; ngoài ra, Trung Quốc, Newzeland, Singapore cũng bay ở khu vực biển Đông của Việt Nam.

10h: "Mặc dù đã trải qua 4 ngày tìm kiếm, nhưng tôi vẫn luôn hy vọng, theo phương châm còn nước còn tát. Chúng ta sẽ tìm kiếm lâu dài, khi nào có thể tìm thấy xong thì thôi. Các phương tiện tìm kiếm nước ngoài đến thời điểm hiện tại phối hợp rất tốt với Việt Nam, tìm kiếm dưới sự chỉ đạo của Quân đội nhân dân Việt Nam" - ông Tuấn nói.

{keywords}
Trung tướng Võ Văn Tuấn - Ảnh: Hoàng Sang

Tướng Tuấn cho biết một số khó khăn trong quá trình tìm kiếm máy bay mất tích: trường hợp mất tích này khác hẳn so với các trường hợp trước đây.

Bởi thế, đến thời điểm hiện tại, dù đã bước sang ngày thứ 5 nhưng chúng ta vẫn chưa tìm thấy dấu tích của máy bay.

Thứ 2 nữa là thời gian mất tích là ban đêm, địa điểm nghi vấn lại trên biển, trên biển thì công việc tìm kiếm sẽ rất khó khăn.

9h45: Thông tin từ Sở chỉ huy cứu nạn Hàng không VN cho biết: Sáng nay lãnh đạo cục đã gửi thông tin cho Cục hàng không Malaysia để phía bạn xác nhận thông tin radar tìm thấy tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca.

ACC HCM thông báo, sáng nay máy bay của Malaysia vẫn tiếp tục bay tìm kiếm tại điểm IGARI (điểm đánh dấu máy bay biến mất khỏi màn hình).

Trong khi đó, thông tin về máy bay mất tích vẫn được quốc tế bàn tán và bình luận xôn xao:

Nhọc công như 'mò' máy bay dưới biển

Theo các chuyên gia, MH370 mất tích không phải là trường hợp đầu tiên cho thấy đại dương rộng lớn nhường nào, và việc tìm kiếm thứ gì đó mất tích trên biển khổ sở ra sao. 

9h30: Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam khẳng định: Sau khi nhận được một số thông tin về việc phát hiện tín hiệu máy bay mất tích ở eo biển Malacca, phía Việt Nam đã yêu cầu Malaysia trả lời chính thức về thông tin này.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng nước này phủ nhận thông tin trên. Điều đó, đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định thông tin mà báo chí nước ngoài đưa tin là không chính xác.

Tùy viên quốc phòng Malaisia tại Hà Nội cũng khẳng định: phía Malaisia chưa đưa ra thông tin phát hiện được dấu vết máy bay.

Cũng theo tướng Tuấn, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam không tạm dừng tìm kiếm máy bay mất tích. Mọi biện pháp tìm kiếm chiếc máy bay mất tích vẫn đang được triển khai.

{keywords}
Tại Sở chỉ huy Ủy ban tìm kiếm cứu nạn quốc gia - Ảnh: Hoàng Sang

9h: Tin từ Trung tâm Chỉ huy chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 mất tích tại Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, Việt Nam đã có được sự xác nhận từ phía Malaysia về thông tin tìm thấy dấu vết máy bay mất tích ở eo biển Malacca. 

Malaysia cho biết họ đang xác minh, kiểm tra và đó chỉ là tin đồn.

Các bản tin quốc tế mới cập nhật cho hay, nhà chức trách Malaysia đang hứng chịu chỉ trích sau khi đưa ra các thông tin xung đột về vị trí cuối cùng của chiếc máy bay mang số hiệu MH370 của Malaysia Airlines trước khi nó mất tích.

Xem chi tiết tại đây.

{keywords}

Malaysia cho biết họ xác minh, kiểm tra và đó chỉ là tin đồn.

8h40: Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, sau khi có thông tin của hãng tin Reuters cho rằng vị trí tìm thấy tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay mất tích ở eo biển Malacca, 19h ngày 11/3, phía Việt Nam đã yêu cầu Malaysia xác minh và thông tin chính xác để Việt Nam có kế hoạch tìm kiếm tiếp theo.

Tuy nhiên, đến sáng 12/3, phía bạn vẫn chưa có hồi âm. Vì vậy, trong sáng nay, kế hoạch tìm kiếm vẫn tiếp tục như dự kiến.

Không quân xây dựng kế hoạch sử dụng 4 máy bay (1 CASA, 1 AN 26, 2 trực thăng Mi 171) bay tìm kiếm tại khu vực phía bên phải và 3 máy bay (1 DHC6 của Hải quân, 1 trực thăng Mi 171, 1 CASA) bay khu vực phía bên trái của đường bay L637 theo hướng Kuala Lampur - Bắc Kinh. Khi thực hiện nhiệm phải có lệnh của Bộ.

Trên biển sẽ sử dụng 8 tàu di chuyển về các vị trí phân công để kết hợp tìm kiếm và phối hợp nắm tình hình hoạt động của các lực lượng nước ngoài.

8h30: Thông tin từ Sở chỉ huy tiền phương ở Phú Quốc: Công tác tìm kiếm máy bay vẫn tiếp tục, quy mô nhỏ.

“Ngày hôm nay, công cuộc tìm kiếm chiếc máy bay của Malaysia mất tích vẫn tiếp tục nhưng với qui mô nhỏ hơn. Chúng tôi được đặt trong tư thế sẵn sàng trong lúc chờ đợi trả lời thông tin từ phía Malaysia nhưng đến nay vẫn chưa nhận được” - ông Phạm Quí Tiêu, Thứ trưởng Bộ GTVT đã tuyên bố như trên vào sáng 12/3.

{keywords}
Thứ trưởng GTVT Phạm Quý Tiêu sáng 12/3 tại Sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc - Ảnh: Chánh Nghĩa

Ông Tiêu cho biết thêm, sau khi các thông tin từ các hãng thông tấn nước ngoài loan báo nghi vấn tín hiệu cuối cùng của chiếc máy bay của Malaysia ở eo biển Malacca, phía Việt Nam đã làm việc với tùy viên quân sự sứ quán Malaysia, nhưng vẫn chưa có thêm thông tin gì cụ thể.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên ông Tiêu nói công việc tìm kiếm của các lực lượng cứu hộ Việt Nam, tuy chưa có kết quả cụ thể nhưng không thể gọi là vô ích vì chúng ta đã làm hết trách nhiệm của mình.

8h15: Sáng 12/3, thông tin cho hay, Sở chỉ huy cứu nạn hàng không đang chờ tin trả lời chính thức từ nhà chức trách Malaysia về việc có hay có tín hiệu cuối cùng của máy bay mất tích ở eo biển Malacca - một nơi rất xa vị trí Việt Nam đang tìm kiếm.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa nhận được trả lời từ phía nhà chức trách Malaysia.

Trong ngày 11/3, đã huy động tất cả 31 tàu tham gia tìm kiếm (trong đó, Việt Nam 9 tàu, Malaysia 9 tàu, Trung Quốc 6 tàu, Mỹ 3 tàu, Singapore 3 tàu, Thái Lan 1 tàu).

Về máy bay, ngày hôm nay đã huy động tất cả 23 máy bay (trong đó, Việt Nam 9, Trung Quốc, Mỹ, Malaysia: mỗi nước 4 máy bay và Singapore: 2)

8h10: Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu cho VietNamNet biết, Việt Nam đã nhiều lần gửi yêu cầu nhà chức trách Malaysia xác nhận thông tin tìm thấy dấu vết máy bay mất tích ở eo biển Malacca.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại phía Malaysia vẫn chưa có bất cứ thông tin trả lời nào.

Trong khi chưa nhận được thông tin chính thức từ phía Malaysia, đại diện Cục hàng không cho biết, lực lượng tìm kiếm cứu nạn Việt Nam vẫn sẵn sàng và vẫn tiếp tục bay kiểm tra tìm kiếm với quy mô nhỏ hơn.

8h: Các phi hành đoàn ở sân bay Cà Mau vẫn đang chờ lệnh từ Sở chỉ huy. Tất cả 3 máy bay Mi171 mang số hiệu 02; 04 và 8431 đều sẵn sàng cất cánh làm nhiệm vụ.

Cũng theo Sở chỉ huy tại sân bay Cà Mau, vẫn chưa nhận được lệnh tiếp tục tìm kiếm máy bay nghi vấn mất tích trên biển.

7h40 ngày 12/3: Các chiến sĩ Sư đoàn phòng không 367 – Quân chủng phòng không không quân đang lắp thiết bị, kiểm tra những công đoạn cuối cùng về hệ thống trạm radar tại sân bay Cà Mau.

Các thiết bị dựng Trạm radar được di chuyển đến sân bay Cà Mau vào 15 giờ chiều ngày hôm qua (12/3) nhằm phục vụ chỉ huy dẫn đường cho các chuyến bay tìm kiếm, cứu nạn trên biển về nghi vấn máy bay Malaysia mất tích. 

{keywords}

{keywords}

{keywords} 

Thành lập Trạm radar chỉ huy các chuyến bay tìm kiếm cứu nạn trên biển - Ảnh: Quốc Huy

Hôm nay là ngày thứ 5 tìm kiếm máy bay của Malaysia mất tích. VietNamNet sẽ tiếp tục cập nhật những thông tin, diễn biến mới nhất về vụ việc. Những thông tin mới nhất sẽ được đưa theo trình tự thời gian...

>> XEM LẠI BÀI TƯỜNG THUẬT NGÀY HÔM QUA

* Nhấn F5 để liên tục cập nhật...

Nhóm PV