-Rõ ràng, các cơ quan này đã không làm đúng theo chỉ đạo, không hề công khai, giới thiệu về đề án thay thế cây xanh nên mới gây sự bất ngờ, và bức xúc trong nhân dân để tới khi cơ quan chủ quản mang cưa tới cưa cây trước nhà thì dân mới biết.
>> 10 câu hỏi của GS Ngô Bảo Châu về chặt cây xanh ở Hà Nội
>> Hà Nội đã chặt hạ xong cây trên một số đường
>> 'Chặt cây xanh Hà Nội không phải hỏi dân'
>> Đốn cây, đừng đốn sự minh bạch
Giữa tốc độ chóng mặt của việc chặt hạ, thay thế cây mới ở thủ đô, tôi bất giác nhớ lại chục năm trước, khi tôi được sếp yêu cầu tìm hiểu cơ sở pháp lý cho việc chặt cây ở đô thị. Đó là thời điểm cả hàng xà cừ trăm tuổi cuối phố Bà Triệu bị đốn hạ thay bằng cây cau vua trồng trước cửa một trung tâm thương mại lớn.
Hơn 10 năm qua, luật pháp có gì thay đổi?
Pháp luật quy định thế nào với việc chặt hạ cây đô thị?
Trở lại vấn đề của pháp luật. Việt Nam ta có hẳn một nghị định riêng về quản lý cây xanh đô thị là Nghị định 64/2010/NĐ-CP (Nghị định 64). Ngoài ra, còn có Quyết định 19/2010/QĐ-UBND về quản lý hệ thống cây xanh đô thị, công viên, vườn hoa… trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thông tư 20/2009/TT-BXD sửa đổi thông tư 20/2005/TT-BXD về quản lý cây xanh đô thị.
Vây những văn bản này quy định thế nào?
Về việc bảo vệ, chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị, Nghị định 64 quy định điều kiện chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị chỉ được tiến hành trong các trường hợp sau:
a) Cây đã chết, đã bị đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm;
b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi già cỗi không đảm bảo an toàn;
c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình;
Nghị định 64 cũng quy định phải có giấy phép khi chặt hạ và dịch chuyển với một số loại cây xanh như thuộc danh mục cây bảo tồn, cây bóng mát trên phố, cây bóng mát có chiều cao 10 m trở lên…
Hàng loạt cây xanh trên phố Hà Nội bị đốn hạ khiến người dân không khỏi tiếc nuối - Ảnh: Nhị Tiến |
Như vậy, Nghị định 64 không đưa ra trường hợp ngoại lệ nào cho phép được chặt hạ ngoài 3 trường hợp nói trên. Việc chặt hạ dãy xà cừ trăm tuổi trên đường Nguyễn Trãi (Hà Đông) được hiểu là rơi vào trường hợp (c) tức là trong khu vực thực hiện dự án xây dựng đường cao tốc trên cao. Dẫu có xót xa nhưng biết là để phục vụ cho việc lớn, người dân hoàn toàn chấp nhận.
Tuy nhiên, dự án chặt hạ và thay thế 6.700 cây xanh ở Hà Nội dựa vào đâu để được tiến hành khi các cây được thay thế hàng loạt không hề chết, đổ gãy, gây nguy hiểm, hay bị bệnh hoặc già cỗi?
Tiêu chí "cây không đồng đều về chủng loại " được quy định trong văn bản nào mà thành phố lại duyệt để thay?
Quyết định 19/2010/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 14/5/2010 cũng có điều 11.6 về hình thức trồng cây quy định trồng một loại cây trên tuyến phố có chiều dài dưới 2km. Đoạn đường trên 2km có thể trồng hai loại cây tùy theo từng loại cung đường.
Tuy nhiên, phải hiểu đây là quy định cho việc trồng mới. Với những cây đã trồng không đúng thì việc trồng thay thế sẽ ra sao?
Thêm nữa, Điều 3 về Nguyên tắc quản lý hệ thống cây xanh đô thị nêu rõ: việc lựa chọn chủng loại và trồng cây xanh phải theo danh mục cây xanh được trồng trong đô thị. Điều 11.5(a) cũng nêu rõ: cây trồng phải nằm trong danh mục cây được trồng (có phụ lục kèm theo).
Được biết cây vàng tâm (một lọai cây đang được trồng thay thế hiện nay) lại không nằm trong danh mục kèm theo này của Quyết định 19.
Đáng lẽ phải làm minh bạch
Tìm trong các văn bản pháp luật thì ngoài các văn bản như nghị định, thông tư, quyết định đã nói trên, còn có Quyết định số 6816/QĐ-UBND của Hà Nội ngày 11/11/2013 phê duyệt đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014-2015.
Theo quyết định này, Sở xây dựng Hà Nội chủ trì triển khai thực hiện Đề án cải tạo cây xanh đô thị. Có thể thấy rõ một số điều cần lưu ý từ Quyết định 6816 của Hà Nội:
Một là, Quyết định 6816 đề cập tới Nghị định 64 như là cơ sở pháp lý. Nhưng rõ ràng việc chặt hạ cây của đề án này không dựa trên Nghị định 64 đối với tiêu chí chặt hạ cây.
Hai là, Quyết định 6816 trong mục 7 có nêu rõ "Sở thông tin – Truyền thông chủ trì và tổ chức tuyên truyền và phổ biến nội dung của đề án này trên hệ thống thông tin đại chúng", và mục 8: "UBND Quận và UBND các phường phổ biến công khai các quy hoạch được duyệt".
Rõ ràng, các cơ quan này đã không làm đúng theo chỉ đạo, không hề công khai, giới thiệu về đề án này nên mới gây sự bất ngờ, và bức xúc trong nhân dân để tới khi cơ quan chủ quản mang cưa tới cưa cây trước nhà thì dân mới biết.
Việc chặt hạ, di dời thay thế cây có thể không phải hỏi dân (như phía cơ quan quản lý đã dõng dạc tuyên bố), nhưng, để việc quản lý điều hành có hiệu quả, cần một sự minh bạch từ phía chính quyền, để dân có điều kiện thể hiện việc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", tránh những phản hồi không đáng có như những ngày gần đây khi dân và chính quyền tranh luận với nhau về một việc tưởng như đơn giản, là làm đẹp thêm cho Hà Nội!
Cuối cùng là, nếu căn cứ vào những gì truyền thông đưa gần đây, tức là theo ông Hoàng Nam Sơn, phó GĐ Sở xây dựng Hà Nội, việc loại bỏ 6.700 cây xanh trên 190 tuyến phố Hà Nội là kế hoạch trong vòng 5 năm. Còn giai đoạn 2014-2015 thì thay thế chỉ 700-800 cây thôi. Vậy xin chính quyền hãy cho người dân Hà Nội được biết công khai về kế hoạch giai đoạn 2014-2015 này, cũng như kế hoạch cho cả 5 năm kia!
Cái Quyết định 6816 là cho 2014-2015 thôi chứ có phải cho cả 5 năm nữa đâu? Thế cơ sở pháp lý cho cái gọi là dự án 5 năm là quyết định nào?
6.700 cây xanh Hà Nội, chứ không phải 1 cây đâu nên trường hợp này chắc là phải công khai cho dân biết chứ không phải chỉ giải thích như vị quan chức Hà Nội, rằng, “không phải hỏi dân, đấy là trách nhiệm của cơ quan quản lý, của chính quyền. Một cái cây chặt đi cũng phải hỏi dân trong khi còn rất nhiều việc khác”.
Hình ảnh của Hà Nội là cây xanh, hồ nước… Ở nơi đất thiêng này, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều có hồn, đều có lịch sử và câu chuyện của nó. Dân Hà Nội khó tính, hay đòi hỏi? Chính quyền trồng cây cho mà còn kêu ca! Có phải thế không?
Câu chuyện những ngày gần đây đã chứng tỏ một điều: người Hà Nội rất yêu thành phố của mình, và có lý khi họ cần mọi thứ minh bạch, rõ ràng và luôn tạo điều kiện để làm thành phố của mình tươi đẹp hơn.
Câu chuyện giờ nhường cho các nhà quản lý, chuyên gia về quy hoạch đô thị, chuyên gia về cây xanh… và cho tất cả các bạn.
- Đặng Tuyết Vinh
Luật sư tại Hà Nội (Văn phòng Luật Alens - Chi nhánh Hà Nội)