Rót 432 triệu USD đầu tư ra nước ngoài

Trong cuộc trò chuyện với báo chí, chủ tịch Tập đoàn TH Thái Hương bảo: “Nhiều năm nay, ngành du lịch có khát vọng “mang thế giới đến Việt Nam”, để Việt Nam trở thành “điểm đến của thế giới”. Đây là khát vọng tuyệt vời, nhưng ở đâu đó, người ta vẫn đang làm ngược: Tàn phá thiên nhiên, làm ô nhiễm môi trường và danh thắng. 

Nhưng muốn đất nước phát triển thịnh vượng, việc “mang thế giới đến Việt Nam” là chưa đủ. Tôi nghĩ rằng chúng ta còn cần “mang Việt Nam ra thế giới”.

Giải thích về lý do đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, nhận xét: Thị trường trong nước sẽ bão hòa trong một số lĩnh vực và muốn tăng trưởng mạnh cần hướng ra nước ngoài. 

“Riêng với FPT, thị trường quốc tế mới là mảnh đất dụng võ. Vươn ra thị trường toàn cầu, chúng tôi nhận thấy Việt Nam không còn bị bỏ xa hàng thập kỷ hay hàng thế kỷ như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đó mà chỉ chậm hơn một vài năm”, ông Tiến chia sẻ.

{keywords}
DN Việt ra nước ngoài đầu tư

Trong khi đó, theo lãnh đạo Tập đoàn Viettel, hơn 10 năm trước, tập đoàn này quyết định phải đầu tư ra nước ngoài vì thị trường trong nước rồi sẽ bão hòa, còn Viettel cần chuẩn bị cho sự tăng trưởng trong tương lai.

Hơn nữa, việc đầu tư ra nước ngoài sẽ giúp công ty tăng sức mạnh và có nhiều kinh nghiệm quý giá khi phải cạnh tranh với những tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới như AT&T, Vodafone, Telefónica, Airtel,... Chưa kể, đó là một môi trường đạo tạo nhân sự tốt nhất. Chủ tịch Viettel, ông Lê Đăng Dũng khẳng định: “Đó là hướng đi chiến lược nếu tập đoàn muốn tiếp tục phát triển mạnh và trường tồn”.

Sau thành công với giấc mơ đưa “đồng cỏ châu Âu về giữa lòng xứ Nghệ”, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, lại bắt đầu theo đuổi giấc mơ Nga - giấc mơ đưa sản phẩm thương hiệu Việt đến với một nửa châu Âu bằng một dự án có quy mô lên tới 2,7 tỷ USD tại ngay Mátxcơva (Liên bang Nga).

Một đại gia ngành sữa khác là Vinamilk cũng đầu tư khá mạnh ở thị trường quốc tế. Ngoài 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn nắm 22,8% cổ phần tại nhà máy Miraka (New Zealand), sở hữu 100% cổ phần nhà máy Driftwood (Mỹ), nắm giữ 100% cổ phần đầu tư nhà máy Angkor Milk tại Campuchia, đặt văn phòng giao dịch tại Thái Lan và mở công ty con tại Ba Lan làm cửa ngõ giao thương các hoạt động thương mại của tập đoàn tại châu Âu.

Thành công khi tiến ra nước ngoài phải kể tới tên tuổi của Viettel. Hiện tập đoàn kinh doanh tại 11 quốc gia trên thế giới là Việt Nam, Campuchia, Lào, Đông Timor, Haiti, Peru, Mozambique, Cameroon, Burundi, Tanzania và Myanmar.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đầu tư 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia, với tổng diện tích đăng ký gần 140.000 ha, trong đó tại Campuchia là gần 115.000 ha và Lào là gần 25.000 ha. Tập đoàn đã trồng được khoảng 117.000 ha cao su với vốn đầu tư thực hiện khoảng 16.000 tỷ đồng, diện tích cao su đưa vào khai thác gần 13.000 ha.

{keywords}
Dự án trồng cao su ở Lào của các DN Việt Nam

CTCP Hoàng Anh Gia Lai có 4 dự án đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia với diện tích đăng ký khoảng 39.000 ha. Tổng số diện tích cao su đã trồng tại Lào và Campuchia là gần 35.000 ha (Lào gần 21.000 ha; Campuchia gần 14.000 ha); số diện tích cọ dầu đã trồng là hơn 25.000 ha (Lào hơn 7.000 ha; Campuchia hơn 18.000 ha).

Trong vài năm qua, FPT hướng đến mục tiêu: doanh thu ở nước ngoài sẽ là động lực chính cho tăng trưởng của mình. Tập đoàn này đã đầu tư ra nước ngoài từ rất sớm (1998), sau nhiều thất bại, FPT giờ hoạt động ở 21 quốc gia, trong đó riêng lĩnh vực phần mềm là 12 nước.

Ngoài ra, làn sóng vươn ra thị trường khu vực của các ngân hàng Việt Nam đang có xu hướng mạnh dần. Đơn cử mới đây, Vietcombank đã khai trương Vietcombank Lào - ngân hàng con đầu tiên tại nước ngoài. Lào cũng là quốc gia có nhiều hiện diện của ngân hàng Việt Nam như BIDV, SHB, MB, Sacombank, VietinBank.

Trái ngọt trên đất khách

Thẳng thắn nhìn nhận, thời điểm đặt vấn đề đầu tư ra nước ngoài, có nhiều người còn tỏ ra hoài nghi về dự án 2,7 tỷ USD. Bởi số tiền đó quá lớn và cũng bởi theo tư duy “xưa cũ”, người ta rất khó hình dung chuyện một doanh nghiệp Việt Nam “đi ngược” sang Nga để đầu tư trồng cỏ nuôi đến 350 nghìn con bò rồi chế biến sữa. Nhưng, mọi thứ đã thay đổi. Bây giờ thì tất cả quá rõ ràng.

Nữ doanh nhân quyền lực của ngành sữa Việt Nam cho biết, bà đặt mục tiêu TH sẽ trở thành doanh nghiệp có diện tích trang trại lớn nhất Nga và đứng trong top đầu các doanh nghiệp sữa của nước này.

Trong khi đó, Angkor Milk của Vinamilk phát triển rất tốt. Năm 2018, Vinamilk đã tăng công suất với các dây chuyền sản xuất tại đây, dự kiến 5 năm tới công suất của nhà máy sẽ tăng gấp đôi. Ngoài ra, tập đoàn cũng đang tìm kiếm thị trường mới, mà trước mắt là Trung Quốc, Malaysia, Indonesia,...

Tương tự, toàn cầu hóa tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của FPT. Sau 9 tháng đầu năm 2018, thị trường nước ngoài của FPT ghi nhận kết quả tích cực với 6.397 tỷ đồng doanh thu, tăng 31% và 1.040 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước. 

Năm 2018, Viettel công bố 80% thị trường quốc tế đã kinh doanh có lãi. Trong đó, 3 thị trường đã hoàn vốn đầu tư (Lào, Campuchia, Đông Timor) và đứng số 1 tại thị trường về mạng lưới viễn thông, thu về gấp 4-5 lần giá trị vốn đầu tư. Đến nay, Viettel đã đầu tư vào 10 thị trường nước ngoài với 35 triệu thuê bao. Năm 2017, 10 thị trường này mang lại cho tập đoàn doanh thu 1,6 tỷ USD.

{keywords}
Đại gia Việt thu triệu đô ra nước ngoài

Từ năm 2006 đến nay là giai đoạn “bùng nổ” của đầu tư ra nước ngoài. Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2018, cả nước có 149 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam 376,1 triệu USD; có 35 lượt dự án điều chỉnh vốn với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam tăng thêm 56 triệu USD.

Riêng trong năm 2018, Việt Nam đã đầu tư sang 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, Lào là địa bàn dẫn đầu với 81,5 triệu USD, chiếm 18,8% tổng vốn đầu tư. Australia xếp thứ hai với 55,5 triệu USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư 52,9 triệu USD, chiếm 12,2% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Campuchia, Slovakia, Cuba.

Có thể khẳng định, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam so với trước kia có nhiều khởi sắc, quy mô tăng lên, lĩnh vực đầu tư và địa bàn cũng được mở rộng. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đang ngày càng khẳng định sự lớn mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

Trong lĩnh vực ngân hàng, một chuyên gia đánh giá, các nhà băng Việt đang có những tín hiệu tích cực khi “mang chuông đi đánh xứ người”. Song, cũng phải nhìn nhận việc đầu tư ra nước ngoài còn khá khiêm tốn khi “chúng ta mới chỉ bước chân vào những thị trường lân cận như Lào, Campuchia, gần đây là Myanmar. Những khu vực khác còn hạn chế”, ông nói.

Theo nhiều dự báo, xu thế đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục gia tăng mạnh mẽ. Do vậy, thời gian tới, các cơ quan cần tăng cường cải cách thủ tục hành chính đối với hoạt động này theo hướng đơn giản, thuận tiện, tăng quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của chủ đầu tư; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tăng cường công tác hỗ trợ, tư vấn và cung cấp thông tin hữu tích về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cho các doanh nghiệp.

Nam Hải