Trong những năm trở lại đây, Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến phát triển nông nghiệp, nông thôn. Từ đó, tạo hành lang pháp lý huy động tối đa mọi nguồn lực, đưa ngành Nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng sản xuất hàng hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất.
Công nhân Tập đoàn Việt - Úc kiểm tra tốc độ sinh trưởng của tôm giống. Ảnh: Đinh Hằng. |
Giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh đã phê duyệt và triển khai thực hiện 2.349 dự án với tổng kinh phí lên đến 632,1 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất; hạ tầng vùng sản xuất tập trung; thành lập mới HTX, tổ hợp tác; đầu tư phát triển khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại… Riêng trong năm 2020, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị phục vụ sản xuất...
Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến, để nâng cao giá trị nông sản, thu nhập cho nông dân. Hiện toàn tỉnh có 54 cơ sở chế biến chè, 50 cơ sở chế biến miến dong, 92 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản, 531 cơ sở chế biến lâm sản và một số cơ sở sơ chế, chế biến lúa gạo của các hộ gia đình.
Thông qua việc đầu tư, ứng dụng KHCN, giá trị nông sản đã nâng lên rõ rệt. Nhiều nông sản, nhất là sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng đứng vững, vươn ra các thị trường lớn nhờ đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về chế biến, bảo quản. Điển hình như các sản phẩm: Trà hoa vàng của Công ty CP Lâm sản Đạp Thanh (huyện Ba Chẽ); ruốc hàu, ruốc tôm của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn); rau củ quả đóng gói, hành sấy khô, bột sắn của HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (TX Đông Triều)...
Trong lĩnh vực thủy sản, các cơ sở sản xuất giống từng bước được đầu tư, xây dựng. Bình quân mỗi năm cung ứng giống thủy sản trên 1 tỷ con, đáp ứng 30% so với nhu cầu giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở; một số cơ sở được đầu tư, sản xuất giống, nuôi thương phẩm và chế biến thức ăn cho tôm sử dụng công nghệ cao với quy mô lớn như: Tập đoàn NG Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản xuất Hạ Long (BIM), Công ty Minh Hàn, Công ty CP Thủy sản Tân An… tập trung ở Quảng Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn. Đặc biệt, tỉnh đã thu hút Tập đoàn Việt - Úc đầu tư khu sản xuất giống tôm và nuôi tôm thương phẩm công nghệ siêu thâm canh, dự án có khả năng cung cấp mỗi năm 8 tỷ con tôm giống chất lượng, phục vụ nhu cầu sản xuất của tỉnh Quảng Ninh và khu vực phía Bắc.
Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, sản xuất trên biển. Cơ cấu đội tàu khai thác thay đổi theo hướng tăng số lượng tàu xa bờ, giảm tàu gần bờ. Các đội tàu được hỗ trợ trang thiết bị giám sát hành trình, cấp giấy phép khai thác theo quy định. Cùng với đó, hạ tầng khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá cũng được Trung ương và tỉnh dành nhiều cơ chế hỗ trợ.
Theo đó, toàn tỉnh có 8 khu neo đậu tránh trú bão trong quy hoạch được Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí trên 411 tỷ đồng. Trong đó, có 2 dự án đã đưa vào hoạt động, 5 dự án đang triển khai thực hiện, 1 dự án chưa triển khai.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, sản lượng khai thác thủy sản toàn tỉnh đã tăng từ 108.686 tấn (năm 2016) lên 134.000 tấn (năm 2020), bình quân mỗi năm tăng 5,32%. Bên cạnh đó, các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cũng tăng cả về quy mô và chất lượng. Cụ thể, vùng nuôi tôm đã tăng gần 7.000ha lên thành 9.662ha; vùng nhuyễn thể tăng 33ha lên thành 2.963ha; vùng nuôi cá song tăng 31.3ha lên thành 331,4ha…
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Với việc xác định trọng tâm là đầu tư phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, gắn với nuôi, trồng, chế biến các sản phẩm từ nông - lâm - thủy sản phục vụ du lịch và xuất khẩu, thời gian tới, Quảng Ninh sẽ tiếp tục hoàn thiện việc đổi mới mô hình phát triển ngành nông nghiệp, kịp thời xây dựng mới hoặc điều chỉnh các quy hoạch, định hướng liên quan. Đồng thời, thực hiện những biện pháp cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Hằng Nga