Dệt may là một trong những ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp may mặc trong nước “tê liệt” hoạt động vì đa số nguồn cung đầu vào của những này được nhập từ nước ngoài, trong khi lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cung ứng đầu vào lại chưa được chú trọng.

Trong khó khăn bởi dịch bệnh, công ty CP Đầu tư và thương mại TNG có trụ sở chính tại TP. Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) lại nổi lên như một điểm sáng không chỉ của ngành Dệt may mà còn của các doanh nghiệp toàn quốc trong thời gian qua.

Hiện, công ty TNG hoạt động chính trong lĩnh vực gia công và xuất khẩu may mặc. TNG đang là đối tác gia công của nhiều hãng thời trang tên tuổi trên thế giới như: Uniqlo, Nike, Adidas, Mango, Zara, Columbia, GAP, Levi’s, Calvin Klein, Fila,…

TNG vượt qua đại dịch nhờ chủ động nguồn cung
Trụ sở chính của công ty TNG tại TP. Thái Nguyên

TNG có 16 chi nhánh với trên 16.000 cán bộ công nhân viên. Trong đó, có 2 đơn vị trực thuộc chuyên sản xuất, cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực may mặc như: Bông, vải sợi, dệt, nhuộm, in ấn, bao bì,… cung cấp cho chính các nhà máy của TNG và các đối tác trong nước.

Nhờ chủ động được nguồn cung cùng những chiến lược phù hợp, TNG là một trong số ít doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19. Doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 của TNG đạt khoảng 99% so với cùng kỳ 2019. Dự kiến, doanh thu năm 2020 vẫn đảm bảo đạt khoảng 98% so với kế hoạch.

TNG vượt qua đại dịch nhờ chủ động nguồn cung
Một dây chuyền sản xuất của công ty TNG

Trao đổi với VietNamNet, ông Nguyễn Văn Đức – Phó Chủ tịch HĐQT công ty TNG cho biết, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 mà đỉnh điểm là giai đoạn tháng 4-5/2020, nhiều đối tác tại Châu Âu và Bắc Mỹ của TNG đã buộc phải lùi thời gian nhập hàng do lệnh giãn cách xã hội tại các quốc gia.

Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn khó khăn này, Ban lãnh đạo công ty TNG đã có những quyết sách kịp thời nhằm chuyển đổi sản xuất sang các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, bộ đồ bảo hộ y tế,…

Chủ tịch HĐQT công ty TNG nhấn mạnh: "TNG là doanh nghiệp đi tiên phong trong việc sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế đạt chuẩn. Ngoài cung cấp ở thị trường trong nước, các sản phẩm khẩu trang của TNG còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Trong thời gian giãn cách xã hội, TNG vừa sản xuất nhưng vẫn thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Tại công ty chúng tôi, không có 1 người lao động nào phải nghỉ việc hoặc giảm thu nhập do dịch Covid-19”.

TNG vượt qua đại dịch nhờ chủ động nguồn cung
Một góc xưởng sản xuất bông vải sợi thuộc chi nhánh Sản xuất bông (đơn vị thành viên của công ty TNG) tại TP. Sông Công

Nhận định về ngành công nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực may mặc, vị lãnh đạo này cho rằng, hiện ngành này vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Trong năm 2020, TNG đã đầu tư xây dựng Cụm công nghiệp Sơn Cẩm với quy mô 70Ha tại TP. Thái Nguyên. Đây là Cụm công nghiệp chuyên về công nghiệp hỗ trợ cho ngành may mặc, nhằm tạo ra một hệ sinh thái đủ mạnh để cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ trong phạm vi toàn quốc.

“Cụm công nghiệp Sơn Cẩm được gắn với “sinh thái xanh” trong ngành may mặc. Trong đó chúng tôi kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư các lĩnh vực đầu vào như: Nguyên liệu bông, vải; phụ liệu như chỉ, cúc,… để hỗ trợ, tăng tính chủ động của các doanh nghiêp may mặc. Sản phẩm đầu ra của các đơn này là sản phẩm đầu vào của chúng tôi. Điều này sẽ làm giảm 1 phần chi phí cho các doanh nghiệp may mặc, đồng thời tạo sức bật cho toàn ngành phát triển”, Phó Chủ tịch HĐQT công ty TNG chia sẻ.

Có thể nói, kinh nghiệm của công ty TNG là bài học quý cho nhiều doanh nghiệp trong ngành Dệt may Việt Nam khắc phục khó khăn và phát triển bền vững trong tương lai. Trong đó, việc tái cơ cấu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào công nghiệp hỗ trợ là việc hết sức cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

Hoàng Hiệp