Trên “Tax Square” – Quảng trường Thuế, một công dân điền vào biểu mẫu phản ánh chất lượng dịch vụ công gửi tới cơ quan thuế, nơi tiếp nhận thông tin là Bộ phận hành chính công. Tất cả những thao tác này được thực hiện trên Metaverse (vũ trụ ảo).
Ví dụ trên được ông Chae Hoseon, thành viên Bộ phận Chính sách kỹ thuật số của Dự án Metaverse Seoul chia sẻ tại hội thảo “Metaverse – Thành phố tương lai” do Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) tổ chức ngày 9/12. Ông Chae thông tin, đây là bước đầu của dự án kéo dài khoảng 5 năm, bắt đầu từ cuối năm 2022. Giai đoạn này, các nền tảng và dịch vụ cung ứng đi kèm trên vũ trụ ảo được chia thành các lĩnh vực như kinh tế, giáo dục, thuế, quản trị công. Đơn cử, với ngành thuế, dự án hướng tới việc công dân Seoul được tiếp nhận thông tin tư vấn thuế, được giải đáp các thắc mắc ở mọi thời điểm thông qua chatbot.
Theo đại diện UEH, Metaverse là từ khóa “nóng” trong những năm trở lại đây. Nhiều người gọi Metaverse là tương lai của mạng Internet, một số khác thì coi đây chỉ là như hình thức khác của trò chơi điện tử. Thế nhưng, bất chấp các tranh luận đang diễn ra, thành phố Seoul của Hàn Quốc đã công bố kế hoạch phát triển phiên bản “thành phố vũ trụ ảo” của riêng mình, biến Seoul thành đại đô thị đầu tiên tiến vào lĩnh vực Metaverse. Thủ đô Hàn Quốc đặt mục tiêu năm 2026 sẽ xây dựng hoàn thiện môi trường Metaverse cho tất các các dịch vụ công, bao gồm cả các dịch vụ về kinh tế, giáo dục, văn hóa và du lịch. Phiên bản thử nghiệm đã được tung ra cho tất cả người dân vào cuối năm 2022.
TS. Kim Sang Yeaon, đại học Kwanwoon, Hàn Quốc cho rằng, khi áp dụng vào môi trường quản trị công, Metaverse đóng vai trò như một cá thể thứ hai của các cơ quan nhà nước, đơn cử, gỡ rối, giải đáp thông tin các văn bản luật quá quy phạm cho công dân hiểu. Ngoài ra, Metaverse sẽ làm phong phú hơn cách thức giải thích các chủ đề quan tâm khác nhau của công dân. Không dừng lại ở đó, “vũ trụ ảo Seoul” sẽ giúp cho những cư dân muốn nhập cư vào xứ sở Kim Chi trong tương lai được trải nghiệm trước không khí cũng như quy tắc sống trong xã hội tại đây.
Tổng giám đốc Daehong Communications Việt Nam, ông Lee Weon Suk cho hay, cả 3 thuộc tính xã hội, kinh tế, văn hóa đều phải có trong Metaverse, từ đó giúp vũ trụ ảo này tiến hóa xa hơn so với thực tế ảo (VR). Bằng việc sử dụng hiện thân riêng của mình, con người không chỉ tham dự game, thực tế ảo mà còn tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội tương đồng như trong cuộc sống thực. Ông nhận định, tương lai của Metaverse Việt Nam cũng rất lạc quan với hơn 50/93 triệu người dân dùng Internet, 130 triệu thuê bao điện thoại được đăng ký và khoảng 55% người sử dụng smartphone.
Theo GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng UEH, “Metaverse – Thành phố tương lai” là nỗ lực của trường tạo ra diễn đàn để các chuyên gia Hàn Quốc, những người đang trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng Metaverse, chia sẻ ý tưởng và quá trình hiện thực hóa tham vọng của thành phố Seoul. Từ đó, các bên có thể nhìn về khả năng nhân rộng Metaverse dựa trên công nghệ, ứng dụng vào xây dựng và phát triển thành phố.
“Công nghệ cần gắn với thực tiễn, tăng cường sự linh hoạt, khả năng thích ứng, hướng đến cuộc sống thông minh và cộng đồng bền vững trong bối cảnh thế giới đầy biến động hiện nay”, Giáo sư Phong nói.