Nghị quyết 15 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Bộ Chính trị ban hành hồi tháng 5/2022 đã được xác định chính là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của Hà Nội thời gian tới.
Nghị quyết này đã xác định quan điểm, mục tiêu xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn.
Chia sẻ tại hội thảo “Các giải pháp công nghệ số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô” do Liên hiệp các hội KH&CN phối hợp với Hội Tin học Viễn thông Hà Nội tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ đã cho biết, để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm và huy động các nguồn lực cho chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh tại Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đang giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện “Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Thông tin với các đại biểu dự hội thảo, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cho hay, dự thảo Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề xuất 3 quan điểm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong chiến lược chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh Thủ đô Hà Nội.
Quan điểm đầu tiên là việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh phải bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp tình hình của Thủ đô. Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội.
Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị của Thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn mình phụ trách. Người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực để chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh; tham gia đầu tư, xây dựng, quản lý, giám sát và vận hành thành phố thông minh.
Cùng với đó, phải đảm bảo thống nhất, đồng bộ từ quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển đô thị đến áp dụng các quy định, quy chế, tiêu chuẩn trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng số và hạ tầng dữ liệu. Ưu tiên chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh với những ngành, lĩnh vực tạo thế và lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Quan điểm thứ 3 được nêu thống nhất tại dự thảo Nghị quyết là chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu số và công nghệ số, phát huy lợi thế và tiềm năng con người, văn hóa và vị thế Thủ đô.
Bên cạnh việc điểm ra 2 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được đề xuất tại dự thảo Nghị quyết, đại diện Sở TT&TT Hà Nội cũng đã chia sẻ về quan điểm, tầm nhìn xây dựng thành phố thông minh, chuyển đổi số của Thủ đô.
Cụ thể, việc xây dựng thành phố Hà Nội thông minh sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc như: Xây dựng thành phố thông minh có nghĩa là tích hợp công nghệ số để xây dựng thành phố đáng sống; các giải pháp công nghệ phải kết hợp với các giải pháp công trình và giải pháp quản lý mới có thể phát huy tối đa hiệu quả; huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội, sự tham gia của toàn bộ cộng đồng dân cư, của các cấp các ngành; muốn xây dựng Thành phố thông minh bền vững thì giải pháp cơ bản là “cấy gene thông minh” thể hiện qua quy hoạch, quy chế và quy chuẩn…
Về khung kiến trúc của thành phố thông minh, Hà Nội sẽ xây dựng theo mô hình phù hợp với khuôn khổ pháp lý về quản lý thành phố hiện hành của Việt Nam, các đặc thù của một thành phố đang phát triển và hệ thống thiết chế dân chủ cơ sở hiện hành; nhấn mạnh quan điểm lấy người dân làm trung tâm, trong đó người dân vừa là đối tượng phục vụ vừa là chủ thể xây dựng thành phố thông minh.