Tuần làm việc 40 tiếng, 5 ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu đã luôn được xem là lịch chuẩn tại Mỹ kể từ ít nhất sau cuộc Đại Suy thoái, dù rằng gần 1/3 số lao động tại Mỹ ngày nay không còn làm theo cách như vậy nữa.
Xuyên suốt thế kỷ 20, các học giả và các nhà hoạt động xã hội đã dự báo khi năng suất tăng lên, số giờ làm trung bình của người lao động sẽ giảm đi. Năm 1928, nhà kinh tế học John Maynard Keynes từng dự báo trong một thế kỷ tới, tuần làm việc chỉ còn 15 tiếng mà thôi. Năm 1965, một nghị sỹ tiểu bang thậm chí còn dự báo đến năm 2000, tuần làm việc còn ngắn hơn, chỉ 14 tiếng, và mỗi năm người lao động sẽ có 7 tuần nghỉ dưỡng.
Một số lãnh đạo công nghệ cấp cao, như đồng sáng lập Google Larry Page, cũng ủng hộ tuần làm việc 4 ngày, và các nghiên cứu đã cho thấy lịch làm việc như vậy sẽ mang lại nhiều lợi ích, như giúp giảm tình trạng kiệt sức và giảm sự bất bình đẳng giới tính.
Tuy nhiên, tuần làm việc 4 ngày vẫn chưa thể được triển khai trên quy mô rộng.
Microsoft là công ty gần đây nhất thử nghiệm ý tưởng này. Gã khổng lồ công nghệ trụ sở tại Seattle mới đây đã triển khai tuần làm việc 4 ngày tại Nhật Bản, giúp năng suất tăng 40%. Công ty đóng cửa văn phòng vào các ngày thứ Sáu trong tháng 8, và hạn chế các cuộc hội họp - kết quả là nhân viên của hãng trở nên năng suất hơn so với tháng 8 năm ngoái, mặc dù làm ít thời gian hơn.
Dưới đây là lịch sử phát triển của lịch làm việc tuần 4 ngày.
Vào những năm 1920 và 1930, các doanh nhân như Henry Ford phát hiện ra rằng giảm thời gian làm việc trong tuần từ hơn 60 giờ xuống còn 40 giờ có thể giúp tăng năng suất.
Năm 1933, Quốc hội Mỹ đã gần như thông qua được luật tuần làm việc 30 giờ để cắt giảm số giờ làm việc, nhằm đối phó với tình trạng thất nghiệp trong cuộc suy thoái kinh tế, nhưng rồi mọi chuyện chưa thực hiện được khi bị phe đối lập phản đối kịch liệt. Bù lại, Mỹ đưa ra Đạo luật tiêu chuẩn lao động liên bang, quy định các công ty phải trả lương ngoài giờ cho nhân viên nếu họ làm quá 40 tiếng/tuần.
Sau khi cuộc Suy thoái kết thúc, giờ làm việc tăng lên và dao động trung bình khoảng 40 tiếng. Các cuộc vận động kêu gọi giờ làm việc ngắn hơn cũng giảm bớt.
Kellogg's là một ngoại lệ: nhân viên tại đây từ năm 1946 đã làm việc 6 tiếng/ngày, nhưng công ty cũng dần chuyển sang ngày 8 tiếng, và năm 1985, bộ phận cuối cùng của công ty cũng đã chuyển hẳn sang chế độ làm việc này.
Một số nhà hoạt động môi trường cho biết giảm thời gian làm việc có thể mang lại những tác động tích cực nhằm hạn chế biến đổi khí hậu, bởi người lao động sẽ tiêu thụ ít tài nguyên hơn trong quá trình đi làm. Trong trường hợp của Microsoft, lượng điện sử dụng đã giảm gần 25%.
Trong thế kỷ 21, lịch làm việc từ 9h sáng đến 5h chiều (9-to-5), từ thứ Hai đến thứ Sáu trở nên phổ biến trong bối cảnh các công ty công nghệ tìm cách xâm nhập vào mọi khía cạnh của cuộc sống.
Nhiều tổ chức cũng chuyển sang lịch trình làm việc như vậy để cắt giảm chi phí. Từ năm 2008 đến 2011, chính quyền bang Utah (Mỹ) chỉ làm việc 4 ngày/tuần, mỗi ngày 10 tiếng.
Năm 2018, công ty New Zealand là Perpetual Guardian thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, kết quả thu được thành công đến nỗi họ quyết định biến lịch trình này thành chính thức.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, 40% người lao động Mỹ thích làm việc tuần 4 ngày, và một công ty phát triển chuyên phân tích các kết quả thu được cho biết mỗi ngày, người lao động chỉ hoàn thành khối lượng công việc kéo dài 4 tiếng mà thôi.
Trong năm nay, số lượng các bản tin tuyển dụng của ZipRecruiter có yêu cầu làm việc 4 ngày/tuần tăng 67%, và trong vài năm trước cũng có mức tăng tương tự, khi các công ty tìm cách tranh đua để thu hút được những nhân tài vào làm việc.
Mỹ vẫn đứng ngoài xu hướng so với các quốc gia khác. Trung bình người lao động Mỹ làm việc 1.789 tiếng/năm, so với ở Đức là 1.300 tiếng/năm.
Dù một số công ty thử nghiệm ý tưởng tuần làm việc ngắn hơn, người ta thường làm thời gian dài hơn và còn làm thêm ngoài giờ làm việc chính. Tờ Wall Street Journal cho biết "khái niệm 9-to-5 hiện đang dần trở nên lỗi thời".
Với việc Microsoft thu được những kết quả tích cực trong đợt thử nghiệm vừa qua, có thể nhiều công ty sẽ học theo gã khổng lồ phần mềm này trong thời gian tới.
Tham khảo: BusinessInsider