Mục tiêu là sống vui, sống khỏe
Trước hết là sống cho bản thân, các thành viên của mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đa phần là NCT, do vậy sống vui, sống khỏe cũng là tiêu chí trọng tâm. Theo ông Mai Văn Thọ (74 tuổi, Nga Sơn, Thanh Hóa), khi đã bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi thì ngoài việc cố gắng chăm chút cho gia đình về mặt kinh tế được phần nào hay phần đấy thì việc sống cho riêng mình cũng là điều cần lưu tâm khi xã hội phát triển.
“Ở CLB của chúng tôi, các cụ ông thì đánh cờ, nghe hát chèo hay chơi bài tổ tôm mỗi khi rảnh rỗi vào các buổi chiều cuối ngày. Sáng sớm thì việc ai nấy làm, những cụ còn khỏe mạnh thì vẫn phải lao động sản xuất, cụ nào yếu hơn thì ra nơi sinh hoạt chung của CLB làm ấm trà và đánh cờ tướng giải khuây. Các cụ bà thì có các mô hình văn nghệ, thể dục dưỡng sinh hay cùng ngồi thiền, tụng kinh quy y tam bảo cho có bạn, có bè. Các cụ còn khỏe hơn thì tham gia các nhóm thể thao như chơi bóng chuyền hơi hay cầu lông. Ai cũng thấy mình có bạn và bớt đi nỗi cô đơn”, ông Thọ chia sẻ.
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH tại lễ tổng kết 5 năm triển khai mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, nhân văn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng, đặc biệt hàng trăm nghìn NCT khắp cả nước. Ở mỗi CLB lại có nhiều cách làm hay, tùy từng nhu cầu sinh hoạt của các thành viên, trong đó NCT có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ, cải thiện về kinh tế, sức khỏe, tinh thần đã góp phần làm tốt công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Đặc biệt, khi tham gia CLB, những NCT được tiếp tục đóng góp cho cộng đồng; được là chính mình và cùng động viên nhau sống vui, sống khỏe, sống có ích.
Xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương
Không chỉ là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, hiệu quả từ mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở nhiều địa phương còn là hình mẫu trong việc chăm sóc NCT như: khám chữa bệnh định kỳ cho các hội viên; truyền cảm hứng cho các CLB sinh hoạt văn hóa (dân vũ, thể dục dưỡng sinh, thiền tâm…). Đơn cử ở Nga Sơn (Thanh Hóa), phong trào tập thể dục dưỡng sinh, múa dân vũ của các thành viên trong CLB Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động rất sôi nổi khiến các bạn trẻ còn phải ghen tị.
Trong khi đó, tại Lâm Thao (Phú Thọ), phong trào thể dục thể thao rèn luyện sức khỏe được đông đảo người dân tham gia khi các thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau là nòng cốt đi tuyên truyền, vận động con cháu tham gia tập luyện. “Hàng năm Phú Thọ đăng cai các giải bóng chuyền do VTV tổ chức được người dân chúng tôi rất yêu thích. Có tuổi rồi không vận động mạnh được, các thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau chúng tôi chơi bóng chuyền hơi. Những người trẻ hơn thì tham gia đánh cầu lông, bi sắt… Tuổi nào môn nấy, tùy điều kiện thể trạng, niềm đam mê và điều kiện thời gian, nhưng các loại hình thể dục thể thao nâng cao sức khỏe cho NCT chính là xương sống trong các hoạt động của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau và NCT luôn làm gương tham gia”, bà Nguyễn Thị Mến, thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau huyện Lâm Thao nói.
Được biết, phần lớn kinh phí của các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động trên tinh thần tự nguyện đóng góp và huy động xã hội hóa. Các thành viên có thể vay vốn sản xuất gia tăng thu nhập; chăm sóc sức khỏe; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người thiệt thòi; nâng cao nhận thức và kiến thức chăm sóc đời sống tinh thần. Qua các buổi sinh hoạt, Chủ nhiệm các CLB ngoài nắm bắt tình hình sức khỏe, hoàn cảnh từng thành viên; kịp thời thăm hỏi, động viên các hội viên NCT khi ốm đau khiến các thế hệ trẻ cũng hưởng ứng tham gia đóng góp kinh phí duy trì các CLB tại địa phương.
Được biết, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tốc độ già hóa dân số của Việt Nam hiện nằm trong nhóm nhanh nhất thế giới. Cụ thể, trung bình NCT ở Việt Nam chiếm khoảng 10% dân số và có xu hướng tăng qua các năm, Tuy nhiên, trên thực tế theo số liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, Việt Nam hiện có gần 13 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 13,6% tổng dân số, trong đó số người trên 65 tuổi trở lên là hơn 8,4 triệu người (chiếm tỷ lệ 8,9%); số người trên 80 tuổi trở lên xấp xỉ 2 triệu người (chiếm 17,6% tổng số NCT).
Đáng chú ý, tuổi thọ trung bình của NCT Việt Nam tăng từ 68,6 tuổi (năm 1999) lên 73,2 tuổi (năm 2014) và dự báo sẽ tăng lên tới 78 tuổi (năm 2030) và 80,4 tuổi vào năm 2050; đến năm 2050, NCT sẽ tăng lên khoảng 27 triệu người, chiếm 1/4 tổng dân số cả nước. Trong khi đó, thực tế đã cho thấy NCT đang dần dần được công nhận vì những đóng góp đáng kể của họ trong quá trình chăm sóc liên thế hệ, tiếp tục tham gia vào đời sống cộng đồng. Bên cạnh đó, NCT cũng là một lực lượng lao động ngày một lớn sau nghỉ hưu nếu biết tận dụng và sử dụng hợp lý.
Do đó, các mô hình CLB cho NCT nói chung và CLB Liên thế hệ tự giúp nhau ở các địa phương hiện nay nói riêng chính là mô hình hay rất đáng được nhân rộng.