Người dân chưa thấy thuận tiện khi dùng dịch vụ công online
Dịch vụ công trực tuyến là chỉ số quan trọng trong xếp hạng Chính phủ điện tử, Chính phủ số của Liên Hợp Quốc. Theo Bộ TT&TT, Việt Nam muốn nâng cao thứ hạng về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số thì cần phải có kết quả đột phá về chất lượng dịch vụ công trực tuyến và số lượng người dân sử dụng, hài lòng với dịch vụ công trực tuyến. Do vậy, cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình có chất lượng, được người dân dùng nhiều là một nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay.
Thống kê của Bộ TT&TT cho thấy, tính đến cuối tháng 4/2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số dịch vụ công đủ điều kiện cung cấp toàn trình đã là trên 84,1%, tăng hơn 7% so với thời điểm hết tháng 3.
Tuy nhiên, về hiệu quả sử dụng, các tỷ lệ về dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ và hồ sơ online toàn trình trên tổng số hồ sơ của các dịch vụ công trực tuyến toàn trình mới chỉ đạt lần lượt 51,3 và 54,8%, còn khoảng cách không nhỏ với mục tiêu 80% và 60% đã được đặt ra cho 2 chỉ tiêu này trong năm 2023.
Trong báo cáo tháng 4/2023 về tình hình thực hiện Nghị quyết 17 về Chính phủ điện tử, Bộ TT&TT chỉ rõ, một trong những tồn tại, hạn chế thời gian qua là tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình còn chưa cao và người dân còn chưa thấy thuận tiện khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Mặt khác, kết quả đợt khảo sát được Bộ TT&TT cùng Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ và Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng thực hiện tại một số bộ, ngành, địa phương trong tháng 3/2023 đã ghi nhận một số vướng mắc khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Những vướng mắc liên quan nhiều đến các Hệ thống thông tin phục vụ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của bộ, ngành, địa phương.
Bên cạnh việc phối hợp ngay với các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý một số lỗi của các Hệ thống thông tin, trung tuần tháng 4, Bộ TT&TT cũng đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương triển khai một số giải pháp để nâng cao hiệu quả, tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, đảm bảo dịch vụ dễ sử dụng và thân thiện với người dùng.
Cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần xác định các thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, gửi danh mục về Bộ TT&TT. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến của bộ, tỉnh mình.
Sẽ thường xuyên khảo sát việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến
Theo hướng dẫn của Bộ TT&TT, một nội dung cần được thể hiện rõ trong kế hoạch hành động kế hoạch hành động nâng cao chất lượng và hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến là mục tiêu 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Song song đó, giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đạt được mục tiêu 50% hồ sơ thủ tục hành chính được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến từ xa.
Với từng cơ quan, đơn vị thuộc bộ, ngành, địa phương, cần giao chỉ tiêu 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng dịch vụ công trực tuyến và tuyên truyền, hướng dẫn người thân sử dụng dịch vụ, hạn chế nộp hồ sơ trực tiếp.
Đặc biệt, các địa phương cần giao nhiệm vụ cho các tổ công nghệ số cộng đồng, cụ thể là thành viên tổ công nghệ số sẽ đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn, hỗ trợ từng người dân tự sử dụng dịch vụ công trực tuyến để đảm bảo mỗi hộ gia đình có ít nhất 1 người biết cách sử dụng tài khoản VNeID, đăng nhập và sử dụng dịch vụ cung cấp trên các Cổng dịch vụ công. Theo thống kê, tính đến giữa tháng 4/2023, cả nước đã có gần 74.000 tổ công nghệ số cộng đồng, với tổng số 345.265 thành viên.
Cùng với đề nghị các bộ, tỉnh nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo dễ sử dụng và thân thiện người dùng, Bộ TT&TT còn khuyến nghị các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, đề xuất chính sách khuyến khích người dân dùng dịch vụ công trực tuyến như: rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với xử lý hồ sơ giấy, giảm phí, lệ phí khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Thực tế, hiện đã có 8 tỉnh, thành phố gồm Lạng Sơn, TP.HCM, Thái Bình, Quảng Ngãi, Thái Nguyên, Bắc Giang, Long An, Cao Bằng ban hành chính sách giảm phí, lệ phí và 1 đơn vị là Sở KH&CN thành phố Đà Nẵng ưu tiên giải quyết, trả kết quả sớm khi người dân, doanh nghiệp chọn dùng dịch vụ công trực tuyến.
“Bộ TT&TT sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên khảo sát, đánh giá việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến để tìm ra các vấn đề, vướng mắc của bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp. Từ đó, đề xuất giải pháp khắc phục kịp thời nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp”, đại diện Bộ TT&TT cho hay.