Theo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) hoạt động bán bảo hiểm thông qua hợp tác với ngân hàng (bancassurance) tại Việt Nam đã phát triển một cách mạnh mẽ. Tính riêng nửa đầu năm 2022, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm đã chiếm tới 41% tổng doanh thu khai thác mới, giúp ngành bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định.

Với nguồn lợi hàng nghìn tỷ mỗi năm, các ngân hàng khó có thể bỏ qua mối lợi này.

Tại không ít ngân hàng, nhân viên tín dụng từng ra điều kiện khách hàng phải mua gói bảo hiểm nhân thọ để được nhanh chóng giải ngân khoản vay. Thậm chí, một số ngân hàng còn mời khách gửi tiền mua bảo hiểm nhân thọ để được hưởng lãi suất cao hơn.

Ngân hàng Nhà nước đã tuýt còi hành vi ép khách vay mua bảo hiểm, tuy nhiên hoạt động bán kia kèm lạc vẫn hoạt động tinh vi ở nơi này nơi kia, khiến nhiều người chấp nhận móc ví mua bảo hiểm cho xong việc, mua mà không bao giờ dùng đến.

SCB và Manulife ký hợp đồng độc quyền bảo hiểm từ năm 2015. (Ảnh: Manulife)

Nghiêm trọng hơn, câu chuyện một số khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) bị nhân viên ngân hàng “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ với Công ty Bảo hiểm Manulife Việt Nam cho thấy sự méo mó của cái gọi là hợp tác bancassurance.

Manulife Việt Nam đang là nhà cung cấp bảo hiểm độc quyền tại 3 ngân hàng VietinBank, Techcombank và SCB. 

Tháng 12/2020, Manulife Việt Nam và VietinBank chính thức ký kết thoả thuận hợp tác độc quyền 16 năm phân phối bảo hiểm nhân thọ qua hệ thống mạng lưới của VietinBank.

Hợp đồng này giúp Manulife nhanh chóng tiếp cận hơn 14 triệu khách hàng thông qua mạng lưới hơn 150 chi nhánh và 1.000 phòng giao dịch VietinBank trên cả nước. 

Cả hai bên đều không tiết lộ mức phí trả trước cho hợp đồng này. Nhưng theo Bloomberg, thỏa thuận bancassurance giữa VietinBank và Manulife có thể được định giá vài trăm triệu USD, tương đương nhiều nghìn tỷ đồng.

Tại ĐHCĐ năm 2022, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank, cho biết ngân hàng đặt mục tiêu doanh số bancassurance 1.000 tỷ đồng trong năm 2022

Bắt tay với Manulife, mỗi năm VietinBank thu về hàng nghìn tỷ đồng từ bancassurance. (Ảnh: Manulife).

Báo cáo tài chính quý IV/2022 của VietinBank không tiết lộ cụ thể doanh hoa hồng nhận được từ Manulife, nhưng cũng cho thấy thu nhập từ “hoạt động dịch vụ nhận được” là 4.603 tỷ đồng, tăng 300 tỷ đồng so với cùng kỳ. 

Tại Techcombank, sau 4 năm hợp tác, vào tháng 9/2017, Manulife Việt Nam và ngân hàng này chính thức ký kết thỏa thuận 15 năm hợp tác bancassurance; giúp cho Manulife tiếp cận tệp khách hàng mới thông qua hơn 300 chi nhánh, phòng giao dịch của Techcombank trên cả nước. 

Riêng phí hoa hồng từ các hợp đồng bảo hiểm, Techcombank được nhận từ Manulife trong năm 2022 số tiền 1.750 tỷ đồng, tăng 12,34% so với năm 2021.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2022, ngân hàng này không tách bạch riêng khoản thu nhập từ bảo hiểm, chỉ công bố thu nhập từ hoạt động dịch vụ nhận được tại Techcombank năm vừa qua tăng vọt thêm 97%, đạt 6.234 tỷ đồng (từ mức 3.150 tỷ đồng của năm 2021).

Trước đó, vào tháng 9/2015, Manulife Việt Nam trở thành đối tác độc quyền phân phối bảo hiểm qua hệ thống mạng lưới của Ngân hàng SCB. Đây là thỏa thuận hợp tác độc quyền đầu tiên của Manulife Việt Nam trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng.

Đến nay, SCB chưa công bố báo cáo tài chính quý IV/2022. Báo cáo quý II cũng không thể hiện thu nhập từ dịch vụ bancassurance.

Sự việc gây sự chú ý gần đây khi một số người dân gửi đơn tố giác lên Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm. Theo phản ánh, một số khách hàng đi gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB bị tư vấn viên chuyển sang mua gói bảo hiểm "Tâm An Đầu Tư" của Manulife.

Họ cho biết trong quá trình tư vấn, nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn lập lờ, không nói rõ đây là hợp đồng bảo hiểm mà nói là sản phẩm đầu tư do ngân hàng kết hợp với Manulife và gói bảo hiểm là quà tặng kèm.

Các đơn thư tố giác đại lý bảo hiểm có hành vi lừa đảo, giả mạo để ký hợp đồng bảo hiểm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xác minh, khởi tố hình sự để điều tra, đưa ra truy tố, xét xử cá nhân, tập thể lừa đảo, buộc Ngân hàng SCB và Manulife giải quyết trả lại tiền cho người mua sản phẩm bảo hiểm.

Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết đã chuyển đơn tố giác của người dân liên quan đến việc gửi tiền tiết kiệm tại Ngân hàng SCB sang Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) theo thẩm quyền.

Hiện tại, thị trường đã có rất nhiều cái 'bắt tay nghìn tỷ' giữa các ngân hàng với các hãng bảo hiểm. Có thể kể đến như: Agribank - FWD, Shinhan Life Việt Nam - Shinhan Việt Nam, VPBank - AIA, Vietcombank - FWD, ACB - Sunlife, MSB - Prudential, VIB - Prudential, Sacombank - Daiichi Life,...