Làm tốt công tác tuyên truyền

Trong thực hiện chính sách hỗ trợ về việc làm, Bạc Liêu đã giải quyết việc làm cho 24.594 người (đạt 136,6%); Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã đầu tư với tổng dư nợ cho vay hơn 58,489 tỷ đồng, gồm 2.816 lượt hộ vay (nâng tổng dư nợ đến nay trên 185,416 tỷ đồng, gồm 10.837 hộ vay vốn; tạo sinh kế cho hộ nghèo phát triển sản xuất.

{keywords}
Mỗi năm Bạc Liêu đã giúp cho hàng ngàn hộ vươn lên thoát nghèo. 

Về chính sách nhà ở, Ban Chỉ đạo xác định đây là nhu cầu mang tính cấp bách của hộ nghèo, đòi hỏi các địa phương phải chủ động, vận động nguồn lực để hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu cơ bản về nhà ở cho hộ nghèo. Trong năm 2019, Bạc Liêu đã xây 1.569 căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng số tiền trên 43 tỷ đồng.

Khát vọng vươn lên thoát nghèo khiến nhiều hộ gia đình nỗ lực vượt khó, biết tổ chức cuộc sống để hướng đến giảm nghèo bền vững. Điển hình như hộ chị Nguyễn Thị Nghi, ấp Phước Thọ, xã Phước Long, với nguồn vốn vay chỉ hơn 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chị đi học nghề may rồi mở tiệm tại nhà với thu nhập bình quân hơn 6 triệu đồng/tháng, đến nay đã thoát nghèo.

Chị Nghi chia sẻ: “Muốn thoát nghèo thì phải quyết tâm và chịu khó, quan trọng là tự tạo được việc làm và thu nhập ổn định, nhất là phải sử dụng đồng vốn vay dành cho hộ nghèo sao cho hiệu quả, không nên trông chờ hay ỷ lại quá nhiều vào hỗ trợ của Nhà nước”.

Các cấp, ngành đã tập trung huy động nhiều nguồn lực, giải pháp cho chương trình giảm nghèo: huy động vốn, phương tiện sản xuất; phân công cán bộ, đảng viên, hội viên nhận đỡ đầu hộ nghèo; triển khai các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Các địa phương cũng đã thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ và chương trình đầu tư cho hộ nghèo.

Qua kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo tính đến đầu năm nay, toàn tỉnh đã giảm 5.732 hộ nghèo (tương đương 2,92%) hộ nghèo giảm xuống khá nhanh, hiện chỉ còn 1,83%; giảm 2.164 hộ cận nghèo (tương đương 1,41%). Để đạt được kết quả này, một trong những giải pháp tập trung thực hiện là làm tốt công tác tuyên truyền để hộ nghèo nâng cao nhận thức, tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

“Đỡ đầu” hộ nghèo

Qua tìm hiểu, 74 đơn vị cấp tỉnh, 1.165 cơ quan, đơn vị cấp huyện, thành phố của Bạc Liêu đang nhận “đỡ đầu” 4.964 hộ nghèo. Hơn 900 đảng viên trong tỉnh đã nhận “đỡ đầu” hơn 3.500 hộ thuộc diện nghèo khó…Với cách làm đa dạng, linh hoạt và sáng tạo, ngoài việc hỗ trợ vốn, cây, con giống, phương tiện sản xuất, mỗi đảng viên thường xuyên đến tận nhà hộ nghèo trao đổi, góp ý, hướng dẫn cách thức sản xuất, làm ăn, nhờ các biện pháp tổng hợp và cụ thể này, Bạc Liêu hiện có hơn 6.000 hộ thoát nghèo bền vững.

Gia đình anh Trần Thanh Tuấn, dân tộc Khmer, ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành là hộ nghèo, đông con, không nghề nghiệp ổn định, không có vốn sản xuất; quanh năm bươn chải làm thuê đủ nghề nhưng cũng chỉ kiếm được ít tiền sống lay lắt qua ngày. Mấy năm qua, gia đình anh Tuấn được đảng viên Lương Văn Ðấu, cán bộ Chi cục Thuế TP. Bạc Liêu nhận đỡ đầu, cuộc sống cơ bản có chuyển biến mới, thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã. 

“Gia đình tôi được anh Ðấu cùng đoàn thể xã Hiệp Thành  tận tình hỗ trợ tiền mua giống, hướng dẫn cách cải tạo, gieo trồng ba công rẫy sau nhà; giới thiệu cho tôi đi làm công nhân. Nhờ vậy, đến nay gia đình tôi đã được công nhận hộ thoát nghèo. Nếu không có anh Đấu và Ðảng ủy, UBND xã Hiệp Thành giúp đỡ thì không biết đến bao giờ gia đình tôi có được như ngày hôm nay”, anh Tuấn cho biết.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạc Liêu Trần Hồng Chiến cho biết, các ban ngành, đoàn thể, địa phương không chỉ hỗ trợ về vốn, không chỉ theo sát từng hộ trong quá trình sử dụng vốn nhằm giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, bên cạnh đó tỉnh còn chú trọng việc tuyên truyền, động viên, khích lệ, nhằm giúp hộ nghèo nâng cao ý thức tự vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước và chính quyền địa phương.

Duy Khánh
Ảnh: Văn Điệp