Việt Nam đang nổi lên là một trong những nền kinh tế năng động mới nổi và là trung tâm phát triển cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo thống kê của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam năm 2022 đã có những bước phát triển mới, thể hiện qua nhiều số liệu tích cực. Việt Nam hiện xếp thứ 54 trong hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Ước tính cho thấy, cả nước hiện có khoảng 3.800 startup đang hoạt động. 

Trong 9 tháng đầu năm 2022, đã có 94 thương vụ đầu tư mạo hiểm với tổng số tiền 494 triệu USD được rót vào các startup Việt. Tuy vậy, tổng số vốn đầu tư được rót ra đã giảm 17,9% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ suy thoái.

Fonos - startup sách nói của người Việt từng nhận đầu tư gần 2 triệu USD. Ảnh: Trọng Đạt

Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam năm 2022 của BambuUp cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt đang bước vào giai đoạn bùng nổ từ cuối năm 2019, đầu năm 2020 đến nay. 

Điều này được thể hiện qua số lượng thương vụ cũng như số vốn được các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước đổ vào các startup trong nước. Trong đó, kỷ lục là năm 2021 với tổng cộng 165 thương vụ và tổng vốn đầu tư lên đến 1,4 tỷ USD.

Thống kê cũng chỉ ra rằng, mức đầu tư trung bình vào một startup Việt rơi vào khoảng 1,15 triệu USD với giai đoạn đầu (early-stage) và đạt giá trị 9,5 triệu USD ở giai đoạn trung và cuối (medium & late stage). 

Lượng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào startup công nghệ Việt Nam ngày càng nhiều giúp mở ra cơ hội, đồng thời đặt ra thách thức buộc bản thân startup phải hoạt động tốt hơn nhằm đáp ứng kỳ vọng tương xứng với số vốn bỏ ra của các nhà đầu tư. 

Nền tảng đi chợ trực tuyến Cooky là một trong những startup Việt nhận được vốn đầu tư năm 2022 với số tiền 4,5 triệu USD. Ảnh: Do Ventures

Gọi vốn thành công mới chỉ là điểm khởi đầu cho một startup. Để tăng độ uy tín và tin cậy của cộng đồng quốc tế về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, việc cần làm tiếp theo là duy trì hiệu quả hoạt động của startup sau khi nhận vốn.

Theo ông Từ Minh Hiệu - Phó trưởng phòng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo (Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học & Công nghệ - NATEC), Việt Nam đã và đang có những cơ chế, chính sách và hoạt động hỗ trợ rất thiết thực cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. 

Bộ Khoa học & Công nghệ đang thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các nguồn lực trong khu vực công, tư nhân và các đối tác trong, ngoài nước để hình thành, thử nghiệm và thực thi các sáng kiến đổi mới sáng tạo mở, tập hợp và công bố các bài toán, thách thức của doanh nghiệp, của ngành, lĩnh vực và quốc gia. 

“Đây là định hướng phù hợp để thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tạo ra động lực thúc đẩy phát triển thị trường cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khuyến khích họ chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Hiệu nói. 

Sau một khoảng thời gian bùng nổ mạnh mẽ, đây là lúc hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam hướng tới trở thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở toàn diện để đảm bảo sự phát triển bền vững, với trọng tâm là chất lượng và kết quả.