Lê Thị Yến, một người từng có bằng cấp ở TP. Vinh đã đi buôn bán ma túy để rồi phải vào trại giam và phải đau đớn bởi bệnh tật khi ở trong tù. Nhờ người chồng rất mực yêu thương, hết án, chị tự tin hòa nhập với xã hội

Tin bài liên quan:

Vì nghèo, buôn ma túy

Với sự nhanh nhẹn, với gánh riêu cua, Lê Thị Yến đã cùng chồng vực dậy kinh tế gia đình và nuôi nấng con cái. Giờ họ đã có cháu gọi bằng ông, bằng bà. Cuộc sống tuy còn những khó khăn, nhưng với họ, như thế đã là một kỳ tích.

Chị Yến sinh năm 1958 ở Thanh Chương (Nghệ An), vì có tài ca hát, nên đã thi vào trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Nghệ An. Sau khi tốt nghiệp, Yến vào Đoàn kịch nói Nghệ An, đi biểu diễn ở nhiều nơi, rồi chị đi bộ đội, hoạt động nghệ thuật trong Sư đoàn 771 ở Tây Nguyên. Năm 1981, Yến xuất ngũ và cũng giã biệt luôn nghề diễn để về TP. Vinh làm ăn.

Anh Nguyễn Sỹ Thành, sinh năm 1954 tại xã Thanh Dương, huyện Thanh Chương, Nghệ An, học trước chị một khóa ở trường Văn hóa Nghệ thuật tỉnh. Yến biết, Thành sinh ra trong một gia đình đông anh em. Mồ côi mẹ sớm, bố lại bị bạo bệnh đau yếu quanh năm. Anh trai cả là liệt sỹ, Thành là con thứ hai đứng lên gánh vác mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Thành phải làm nhiều việc khác nhau để kiếm sống. Từ làm cửu vạn, cày bừa thuê đến việc mở một hiệu ảnh để chụp thuê.
Hai vợ chồng anh chị
Lúc Yến xuất ngũ, về Vinh, gặp anh Thành, một gã thợ chụp ảnh khá điển trai. Chị yêu người đàn ông nghèo này và năm 1982 thì làm đám cưới. Cuộc sống khó khăn lại nuôi hai con nhỏ, không như Yến nghĩ, tức là chỉ cần “hai trái tim vàng”. Vợ chồng chị thường xuyên cãi cọ. Chồng Yến lại là người nóng nảy, nên chẳng tránh khỏi có lúc thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.

Đến năm 1987, hai vợ chồng mâu thuận nặng, tức nước vỡ bờ. Chồng Yến một mình bỏ vào Đắc Lắc làm ăn hai năm trời, mặc cho chị phải vất vả chăm con ốm đau, bệnh tật liên miên. Nhiều lần Yến gửi thư, gọi chồng về để cùng gánh vác, nhưng phải hai năm sau chồng chị mới về. Chị tâm sự: “Lúc chồng tôi về, dù là giận lắm, đau đớn lắm nhưng anh ấy xin lỗi một câu, mình lại bỏ quá cho. Tính mình dễ làm lành mà, thế là hai vợ chồng lại sống cùng nhau”.

Năm 1992, Yến đã buôn ma túy và bị bắt và phạt 8 năm tù giam. Thương con và nhớ chồng, Yến cố gắng cải tạo tốt để sớm được tha.

Mừng hụt…

Sau 8 năm trời đằng đẵng xa chồng, xa con, năm 2000, Yến được ra tù, nhưng chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào lại bị phường buôn cũ kéo vào làm một “phi vụ” khác. Yến lại bị bắt giam 4 năm nữa. Anh Sỹ Thành muốn ngã khuỵu.

Mãi đến năm 2004, Yến ra tù. Niềm vui lại rộn ràng trong người chồng 12 năm đợi vợ tù, đạp xích lô nuôi con. Khi đó, Biên tập viên Kim Ngân ở chương trình Người xây tổ ấm - Đài Truyền hình Việt Nam đã tìm về gia đình của Thành - Yến làm chương trình. Hai vợ chồng được mời ra trường quay để làm chương trình.

Sỹ Thành đã lôi cuốn tất cả những người có mặt tại trường quay bằng câu chuyện cảm động của mình. Với Kim Ngân, buổi làm chương trình đó là một kỷ niệm không bao giờ quên.

Sau buổi làm chương trình Người xây tổ ấm, rất nhiều người gặp gỡ cặp vợ chồng Thành - Yến. Nhà báo Đặng Vương Hưng hỏi chị Yến: “Chị sẽ làm ăn lương thiện chứ?”. Yến sụt sịt khóc: “Vâng, em sẽ làm ăn lương thiện. Giờ em chỉ ước có được 500 nghìn đồng để sắm đồ, làm một gánh riêu cua đi bán, để làm người lương thiện”. Anh Hưng rút ra 500 nghìn đồng, trao cho Yến. Chị Yến đã về, mua sắm đồ làm một gánh riêu cua để mỗi sáng, lại gánh ra ga Vinh bán cùng chồng chắt chiu nuôi con và xây dựng một căn nhà nhỏ không bao giờ tái phạm nữa.

Anh Thành cho biết: “Vợ tôi từ ngày được anh Đặng Vương Hưng và nhiều người giúp đỡ đã trở nên chịu khó chịu thương, quyết tâm làm ăn lương thiện, không như cái kiểu muốn một ngày đổi đời như trước.” Còn chị Yến thì nói rằng, lao tù đã làm chị mệt mỏi. Làm ăn phi pháp, đặc biệt là buôn bán hàng cấm sớm muộn sẽ bị bắt và bị xử tù. Chị nhận ra, chỉ có con đường làm ăn lương thiện mới giúp mình sống thanh thản và có thời gian chăm lo cho gia đình. Chị Yến nhấn mạnh: “Tôi đã cho anh ấy một phen mừng hụt sau 8 năm trời, rồi bị án 4 năm nữa, tôi thương anh ấy quá!”

“Cảm ơn người chồng làm thơ”

Để có ngày hôm nay, chị Yến rất cảm ơn chồng vì những năm tháng đằng đẵng ở nhà, nuôi con đợi vợ ra tù. Và có lẽ, cũng chính thơ đã khiến cho anh Thành - một người sống ở nơi chợ búa có nhiều đối tượng bất hảo, lại có thể giữ gìn được bản thân, không sa ngã, không trở nên ác độc như một số người. Khi nói đến chồng, chị Yến rất hào hứng: “Ở trong tù, tôi chỉ sợ anh ấy lại làm cái gì đó liều lĩnh thì không biết là ai sẽ chăm con. Tôi rất sợ, ví như anh ấy cướp của, ví như buôn bán ma túy, trấn lột hoặc giết người...

Rất nhiều con đường để trở thành một tội phạm. Ranh giới phạm tội ở một người bình thường còn quá mong manh, huống hồ với một người vắng vợ, nghèo túng. Anh ấy lại sống trong môi trường có nhiều kẻ bặm trợn, lọc lừa, sát phạt nhau, đè đầu cưỡi cổ lên nhau để sống. Ở môi trường đó, nếu không vững dạ, không biết tránh xa thì rất dễ bị cám dỗ, nhúng tay vào tội lỗi”.

Anh Thành chồng chị Yến biết làm thơ từ ngày còn là công nhân. Bây giờ, hồn thơ của anh ấy còn đằm thắm, da diết hơn. Chị Yến rất tạo điều kiện để chồng có thời gian chưng cất hồn thơ của mình. Anh Thành coi chị Yến là "nàng thơ" của mình. Anh tặng chị những vần thơ, mà khi anh đọc lên, đôi mắt chị lúng la lúng liếng.

Bất ngờ anh gặp được em
Hoàng hôn biển biếc sáng lên một vùng
Để rồi lan giữa mênh mông
Xa em anh những nhớ mong…biển chiều.


Khi tạm biệt vợ chồng Yến - Thành, tôi thấy ngôi nhà còn nghèo ấy rất giàu tiếng cười. Và tôi biết, cả hai vợ chồng anh chị đều thấy thanh thản giữa cuộc sống thanh bình nơi đất Thành Vinh và sống bằng những bàn tay lương thiện của mình.

  • Theo Pháp luật Việt Nam