“Đó là những giá trị bền vững và lâu dài của Quỹ VEF, món quà đặc biệt và “bất bình thường” trong quá trình bình thường hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam” – ông Phạm Đức Trung Kiên, người xây dựng Quỹ VEF từ những ngày đầu tiên.

LTS: Tiếp nối loạt bài Kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt -Mỹ, phóng viên Tuần Việt Nam có cuộc trò chuyện với ông Phạm Đức Trung Kiên – Giám đốc đầu tiên (2003 – 2006) của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VietNam Education Foundation - VEF).

Nhìn lại 20 năm qua, Quỹ VEF là một trong những thành tựu đánh dấu sự trở lại trong bình thường hóa quan hệ hai nước Việt - Mỹ. Nhân dịp này, ông có thể chia sẻ lại quá trình hình thành Quỹ học bổng này?

Ông Phạm Đức Trung Kiên: Tôi đồng ý VEF là một điểm son trong quan hệ Việt – Mỹ.  Thực ra, quan hệ về giáo dục chỉ là một bước tiếp nối trong quá trình bình thường hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, và quá trình đó đã bắt đầu từ năm 1995.

Tháng 12/2000, Quốc hội Hoa Kỳ thông qua đạo luật VEF (VietNam Education Foundation Act of 2000) để thành lập Quỹ VEF. Quỹ này là cơ quan độc lập của chính phủ Hoa Kỳ, báo cáo trực tiếp lên Tổng thống và hai lãnh đạo Quốc hội.

Đây là một sự kiện “bất bình thường” trong hệ thống chính trị và quản lý công quyền ở Mỹ. Có được thành quả đặc biệt này, không thể không nhắc đến hai người “thù thành bạn” của Việt Nam: TNS John McCain và TNS John Kerry.

{keywords}

Ông Phạm Đức Trung Kiên (bên phải) và ông Herbert Allison, Chủ tịch Quỹ VEF. Ảnh do nhân vật cung cấp

Cùng với 2 vị cố vấn Thomas Vallely và Nancy Stetson, hai TNS này đã khởi xướng ý tưởng thành lập VEF trong Quốc hội Mỹ và vận động các vị dân cử khác hỗ trợ việc tặng nhân dân Việt Nam món quà đặc biệt này.

Chương trình VEF tập trung vào chất lượng đào tạo, sự công minh, bình đẳng và bất vụ lợi trong quá trình tuyển chọn. VEF đã phá vỡ được bức rào cản vô hình để đưa các bạn trẻ tuổi và tài giỏi của Việt Nam vào học tiến sĩ, thạc sĩ tại các trường hàng đầu của Hoa Kỳ, như MIT, Harvard, Stanford, Berkeley, Yale, Princeton, Cornell, UIUC…

Cho đến nay, đã có khoảng 600 bạn trẻ Việt Nam đi qua chương trình này, và một số đông đã về lại Việt Nam làm việc. Trong số đó, đã có bạn được phong chức danh Phó Giáo sư ở độ tuổi rất trẻ.

Thành quả của VEF sẽ tiếp tục phát huy và kéo dài trong 50 năm tới. Mỗi VEF Fellow sẽ tiếp tục là 1 cầu nối vững chắc giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Ngoài những đóng góp tích cực vào lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ giữa hai nước, việc “ngoại giao nhân dân” cũng sẽ thuận lợi hơn gữa hai quốc gia qua các VEF Fellows.

Xem thêm các bài trong loạt Hai mươi năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ:

Đó là những giá trị bền vững và lâu dài của món quà đặc biệt và “bất bình thường” trong quá trình bình thường hóa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tôi đã may mắn được chính phủ Mỹ giao trọng trách xây dựng chương trình VEF ngay từ ngày đầu, và với thành công rực rỡ của VEF, tôi vẫn chỉ là người đi xây cầu.

Có một khái niệm hiện đang rất được quan tâm và thảo luận tại Việt Nam, đó là “tự do học thuật”, ông có thể chia sẻ thế nào về tự do học thuật ở Mỹ?

Ông Phạm Đức Trung Kiên: Theo tôi, đây là một trong những sự khác biệt giữa đại học ở Việt Nam và Mỹ.

Sự khác biệt này cũng tùy thuộc vào môn ngành. Ví dụ, trong các ngành khoa học tự nhiên như Toán hoặc Vật lý, tự do học thuật ở hai nước không khác gì nhau. Tuy nhiên trong các môn khoa học xã hội như Văn hoặc Triết học thì ở Việt Nam hay Mỹ đều sẽ có những giới hạn đặc thù.

Chẳng hạn, ở Hoa Kỳ, các giáo sư không thể giảng dạy khuyến khích kỳ thị da màu hoặc miệt thị phụ nữ.  Họ sẽ bị nhà trường và sinh viên phản đối kịch liệt. Trong các đại học Hoa Kỳ, người ta dùng từ “politically correct” (tạm dịch là “đúng về phương diện chính trị”) để nói về những giới hạn vô hình trong việc giảng dạy và nhiên cứu.

Đây là những giới hạn sinh ra bởi hệ thống chính trị hiện thời và giá trị xã hội của ngày hôm nay.

Vì môi trường chính trị xã hội vĩ mô luôn phát triển và thay đổi, chúng ta sẽ thấy những giới hạn hiện tại của “tự do học thuật” thay đổi theo.

Tôi nghĩ, các giáo sư của Việt Nam và Hoa Kỳ cần tiếp tục trao đổi và chia sẻ các phương pháp giảng dạy, nghiên cứu. Sự tương quan sẽ giúp phát triển học thuật Việt Nam trong chiều hướng tốt nhất và phù hợp với khung cảnh chung của đất nước.

{keywords}
TNS John Kerry và TNS John McCain cùng với hai vị cố vấn Thomas Vallerly và Nancy Stetson đã khởi xướng ý tưởng thành lập Quỹ VEF trong Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Là người trưởng thành trong môi trường giáo dục Mỹ và đã gắn bó với Việt Nam, theo ông, Giáo dục Việt Nam cần tiếp tục đổi mới theo hướng nào để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước?

Ông Phạm Đức Trung Kiên: Giáo dục Việt Nam cần tập trung vào thế mạnh của mình trong lúc xây dựng và khắc phục các lĩnh vực còn hạn chế. Không nên mang tư tưởng “đi trước đón đầu” hoặc “mỡ nó rán nó”, vì đó là tư tưởng ngắn hạn, chỉ mang tính chiến thuật chứ không mang tính chiến lược. Phát triển mà không có nền tảng vững sâu thì sẽ trở thành "rỗng ruột".

Ngày nay, mọi người trên thế giới có rất nhiều cơ hội học hỏi qua mạng Internet, kiến thức phong phú và miễn phí khắp nơi. Vì vậy, Việt Nam nên tận dụng những nguồn mở này để trò có thể tự học và thầy có tài liệu và phương pháp dạy tốt hơn. Ví dụ, các chương trình online tiên tiến như Coursera, Khan Academy và VOER... mọi người đều có thể tiếp cận và học các chương trình này qua điện thoại di động, chứ không chỉ là máy tính.

Được biết quỹ VEF sẽ hoàn thành sứ mệnh vào năm 2018, trong khi Việt Nam vẫn rất cần được tiếp sức từ những môi trường giáo dục tiên tiến. Theo ông, Việt Nam cần phải làm những gì để tiếp tục được hưởng lợi từ những quốc gia như Mỹ, hay từ những chương trình như VEF?

Ông Phạm Đức Trung Kiên: Rất giản dị. Việt Nam chỉ cần đầu tư 5 triệu USD mỗi năm là có thể thành lập được một quỹ học bổng có chất lượng cao như VEF. Vấn đề ở đây là quản lý và phương pháp thực hiện.

Hiện tại, Viện Hàn lâm Hoa Kỳ (National Academies) sẵn lòng cố vấn hỗ trợ Việt Nam thực hiện việc này. Họ từng giúp VEF thành công và bây giờ là lúc Việt Nam cần trực tiếp vào cuộc.

Về lâu về dài, người Việt không nên tiếp tục trông chờ vào sự giúp đỡ tài chính của chính phủ Hoa Kỳ trong việc đào tạo con người.

Giờ đây, thông điệp mà nhiều người hướng tới trong dịp 20 năm kỷ niệm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ là “cùng nhìn về tương lai”. Ông có nghĩ rằng, giáo dục vẫn sẽ tiếp tục là cầu nối quan trọng giữa hai quốc gia?

Ông Phạm Đức Trung Kiên:  Tôi nghĩ giáo dục là một trong những cầu nối quan trọng nhất. Khẩu hiệu của chúng ta cần được thể hiện qua hành động. Theo tôi, cả hai nước đã có những hành động cụ thể để phát triển quan hệ giáo dục. Chính phủ Hoa Kỳ đã cấp thêm rất nhiều visa cho các bạn trẻ Việt Nam sang Mỹ học. Sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đã tạo ra được “thương hiệu Made in Vietnam” khá tốt tại các trường hàng đầu bên Mỹ.

Về phía Việt Nam, Chính phủ cũng đã giang tay đón chào các tổ chức giáo dục từ Hoa Kỳ. Để tiếp tục phát triển trên các thành tựu sẵn có, Chính phủ Việt Nam nên dùng mô hình quản lý của VEF và thay thế vai trò của VEF khi quỹ này hết hạn hoạt động sau 3 năm tới.

Chi phí toàn bộ cho quỹ VEF chỉ có 5 triệu USD mỗi năm. Đây là số tiền đầu tư nhỏ và cần thiết mà Việt Nam nên làm để đào tạo nhân sự cho tương lai và củng cố quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ.

Chúng ta đã nhìn thấy rõ kết quả tốt của VEF. Vì vậy, theo tôi, Việt Nam cần nhân rộng mô hình này vì “lợi ích trăm năm trồng người”.

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Ông Phạm Đức Trung Kiên có 2 bằng thạc sĩ kinh tế, thương mại và quản lý chính sách công, từ ĐH Stanford. Vượt qua kỳ thi tuyển dành riêng cho những người trẻ ở Mỹ có nhiều triển vọng lãnh đạo, ông vào Nhà Trắng với chức danh phụ tá đặc biệt chuyện trách đàm phán các hiệp định thương mại quốc tế.

Ông cũng từng làm việc tại Lầu Năm Góc phụ trách các vấn đề an ninh quốc tế thuộc Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng. Ông cố vấn cho các quan chức quốc phòng cấp cao về các vấn đề kinh tế, chính trị và an ninh ở châu Á, Mỹ Latin, châu Phi và Trung Đông.  Hiện tại, ông là nhà đầu tư tài chính và nhà từ thiện xã hội ở Việt Nam.

Lan Anh