Chiến thắng của ông Donald J.Trump giống như một “món quà” bất ngờ đối với Điện Kremlin và Tổng thống Nga Vladimir Putin, người rất mong chờ một sự cải thiện quan hệ với phương Tây và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế để đưa nước Nga trở lại.

Uống rượu mừng

Ông Putin đã nhiệt liệt chúc mừng ông Trump sau chiến thắng ngày 8/11, bày tỏ hy vọng hai bên có thể cùng nhau “đối thoại mang tính xây dựng” để giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế, trong đó có vấn đề an ninh.

Phát biểu trước các Đại sứ mới ở Moscow, Tổng thống Nga cho biết Điện Kremlin đã lắng nghe các khẩu hiệu tranh cử của ông Trump về việc nối lại và củng cố quan hệ với Nga, và Nga sẵn sàng hợp tác dù đây là một “bước khó khăn”.

Ông Putin không quên nhắc lại “câu thần chú” từ quá khứ siêu cường, rằng hai quốc gia (Mỹ – Nga) đều có một trách nhiệm “duy trì ổn định và an ninh toàn cầu”.

Điện Kremlin đã không nhầm khi vui vẻ chứng kiến sự “thăng hoa” của Trump. Việc Tổng thống đắc cử của Mỹ thiếu kinh nghiệm trong chính sách đối ngoại, vấn đề NATO, sự ngưỡng mộ công khai mà ông dành cho lãnh đạo Nga và khả năng ông sẽ chấp nhận để Nga sáp nhập Crimea… tất cả dường như đang nằm trong tay Điện Kremlin.

{keywords}
Chiến thắng của ông Donald J.Trump giống như một “món quà” bất ngờ đối với Điện Kremlin và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh minh họa: cand.

Các chuyên gia phân tích hả hê về cơ hội mà Nga đang có được để mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của mình, và thậm chí có thể dỡ bỏ các trừng phạt kinh tế mà Mỹ và châu Âu áp đặt liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine và Crimea.

Chuyên gia Gleb O. Pavlovsky, cố vấn chính trị từng làm cho Điện Kremlin, nhận định: “Chắc chắn họ sẽ uống rượu mừng, vì hai lý do: một là chính trị và hai là tâm lý”. Lý do chính trị là Nga hưởng lợi từ tình trạng lộn xộn trong trật tự toàn cầu, còn về mặt tâm lý, Điện Kremlin cảm thấy hòa hợp với quan điểm chống lại tổ chức của Trump. Nhiều chuyên gia nhất trí rằng mô hình tự do của phương Tây vừa phải hứng chịu một thất bại nữa.

Niềm vui ấy vượt ra ngoài cả Điện Kremlin. Truyền thông nhà nước Nga đã theo dõi sát chiến dịch tranh cử ở Mỹ, đặc biệt chú ý tới thực tế là ông Trump, thay vì gọi ông Putin là quỷ dữ như hầu hết các chính trị gia phương Tây thường làm, đã ca ngợi Tổng thống Nga là một nhà lãnh đạo hùng mạnh. Đây được xem là một thời điểm tốt sẽ giúp “giảm nhiệt” các quan hệ quốc tế.

Hầu hết người dân Nga cũng thích ông Trump. Họ mặc áo phông có in tên bộ đôi “Trump-Pence” nhằm bày tỏ ủng hộ ứng cử viên Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Họ cụng ly rượu hoặc chai bia chúc mừng mỗi khi CNN thông báo thêm một điểm thắng dành cho Trump. Tường của quán ba được trang trí hình ông Putin, ông Trump và lãnh đạo đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu ở Pháp Marine Le Pen.

Nâng tầm ảnh hưởng

Nói theo một cách nào đó thì kết quả bầu cử Mỹ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin không quan trọng bằng thực tế là Moscow đã có thể khai thác chiến dịch tranh cử này để làm bằng chứng cho thấy phương Tây đang ốm yếu.

Từ tháng 3/2014, Nga đã tăng cường thông tin về ra một châu Âu đang phải đương đầu với vô vàn rối ren và khuyết tật. Tuy nhiên, việc tìm cách tạo ra sự nghi ngờ và bất an trong hệ thống chính trị Mỹ – siêu cường duy nhất còn lại – mới là một phần thưởng lớn.

Nếu như Chiến tranh Lạnh bắt rễ từ sự khác biệt về hệ tư tưởng, mục đích mới của Nga là chứng tỏ cho mọi người thấy hệ thống chính trị nào cũng tệ như nhau cả thôi. Bằng việc can thiệp vào các cuộc xung đột tại Ukraine và Syria, ông Putin đã tìm cách tái khẳng định vai trò của Nga như một cường quốc toàn cầu phải được tính đến.

Giới chức an ninh cấp cao ở Washington cáo buộc Nga dính líu tới các vụ tin tặc nhằm vào trụ sở đảng Dân chủ, làm rò rỉ các bức thư điện tử hồi tháng 10, gây ảnh hưởng chiến dịch tranh cử của bà Clinton.

Ông Trump khuyến khích Nga tiết lộ thêm các bức thư điện tử của bà Clinton, khiến bà tố cáo ông là “một con rối của Nga”. Về phần mình, Putin bình thản bác bỏ mọi cáo buộc trong vụ rò rỉ trên, nói rằng truyền thông Mỹ nên tập trung vào nội dung được rò rỉ thay vì nguyên nhân rò rỉ. Tuy nhiên, trong lòng ông hẳn đang hả hê rằng Nga đã ở trung tâm chiến dịch tranh cử Mỹ, và không thể bị bỏ qua.

Phát biểu với một nhóm hầu hết là chuyên gia về Nga của nước ngoài hồi tháng 10, ông khẳng định “vấn đề số 1 của toàn bộ chiến dịch tranh cử Mỹ chính là Nga”.

Thời gian sẽ trả lời

Giờ đây, điều người ta quan tâm là liệu các tuyên bố tích cực của ông Trump về Nga có dẫn tới việc cải thiện quan hệ hai nước và nới lỏng một số trừng phạt áp đặt với Nga hay không.

Phải thừa nhận là có một số dấu hiệu hứa hẹn. Ông Trump có thể đúng khi nói ông sẽ tạo dựng một mối quan hệ với Nga tốt hơn ông Obama và hầu hết các lãnh đạo châu Âu từng làm. Lý lịch của ông, với hai bà vợ là người nói tiếng Slave, có thể giúp ông hiểu được cách nhìn thế giới của Nga, điều mà dường như ông Obama không có được.

Tổng thống đắc cử Trump đã từng nói rằng chính quyền của ông sẽ cân nhắc thừa nhận việc Nga sáp nhập Crimea, và cho biết Mỹ nên phối hợp với Nga tại Syria, nơi Điện Kremlin đã tấn công các lực lượng chống chính quyền, trong đó có cả những lực lượng mà Mỹ ủng hộ. Phát biểu trong cuộc tranh luận trực tiếp thứ ba, ông Trump nói: “Nếu Nga và Mỹ phối hợp tốt và đánh đuổi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, mọi chuyện sẽ ổn”.

Nhưng một lợi ích lớn mà Nga có thể có nếu cam kết với Trump có lẽ xuất phát từ thái độ hoài nghi của Tổng thống đắc cử Mỹ đối với NATO – liên minh quân sự luôn khiến ông Putin lo ngại.

Những hoài nghi của ông Trump đối với NATO cũng khiến các nước Đông và Trung Âu phải đề phòng. An ninh châu Âu là mối lo ngại chính đáng đối với bất kỳ ai: đối với Mỹ – nước phải trả phần nhiều chi phí – cũng như đối với các đồng minh châu Âu - những nước được hưởng lợi, và cả đối với Nga – nước cảm thấy bị tổn thương khi NATO mở rộng.

Chưa rõ ông Trump sẽ thực hiện các thay đổi nhanh đến mức nào, nhất là khi lưỡng viện Quốc hội đều kịch liệt chống lại Kremlin. Chuyên gia về quan hệ quốc tế của Nga Aleksei Arabatov cho rằng không nên phóng đại tầm quan trọng của ngôn từ mà ông Trump đã nói về lãnh đạo Nga. Ông nhận xét về Trump: “Đây là người đàn ông hay thay đổi theo hoàn cảnh và đối tượng người nghe”.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng một tổng thống Mỹ đem đến bàn đàm phán một nền tảng kinh doanh thực dụng, thay vì một vết tích chiến tranh lạnh của một chuyên gia quốc phòng, có thể sẽ là một cơ hội tốt hơn những người tiền nhiệm để đưa nước Nga thoát khỏi sự cô lập./.

Đức Đan