Mông Cổ có một giống ngựa nhỏ nhưng có sức chiến đấu dẻo dai, từng tham gia chiến trận từ xa xưa, thời nay thường được đem tặng lãnh đạo các nước.
Lời tòa soạn:
Việc tặng quà lẫn nhau là một nghi thức ngoại giao truyền thống lâu đời giữa các nguyên thủ quốc gia nhân những chuyến thăm viếng. Món quà được chọn thường mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó của quốc gia. Một trong những món quà luôn thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế là động vật quý hiếm hoặc những con thú cưng.
Trong lịch sử, rất nhiều quốc gia đã chọn động vật làm quà tặng trong các nghi thức ngoại giao. Chẳng hạn như vào năm 1514 tại Bồ Đào Nha, vua Manuel I đã tặng cho Giáo hoàng Leo X một chú voi khổng lồ. Hay vào cuối thế kỷ 18, Tổng thống Mỹ John Quincy Adams được Hầu tước La Fayette của Pháp tặng một con cá sấu Nam Mỹ…
VietNamNet trân trọng giới thiệu cùng độc giả loạt bài về những món quà ngoại giao đặc biệt kiểu này trên thế giới cùng với ý nghĩa đặc biệt được các quốc gia gửi gắm phía sau.
Tuyến bài: Quà tặng ngoại giao “biết đi, biết chạy”
Năm 2016, Tổng thống Mông Cổ Tsakhiagiin Elbegdorj đã quyết định lựa chọn ngựa làm món quà đặc biệt để gửi tặng lãnh đạo các nước tới tham dự Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) diễn ra tại nước này.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khi đó chia sẻ: “Ngựa đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển ở Mông Cổ và rất được tôn sùng trong văn hóa của người Mông Cổ. Có câu nói rằng ‘Một đất nước Mông Cổ không có ngựa cũng giống như một con chim không cánh’”.
Năm 2018, Tổng thống Elbegdorj cũng tặng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đôi ngựa nhân chuyến thăm Mông Cổ.
Năm 2019, Tổng thống Mông Cổ khi đó là Khaltmaa Battulga đã tặng một con ngựa quý cho con trai út Barron Trump của lãnh đạo Nhà Trắng trong chuyến thăm Mỹ, sau đó đích thân Tổng thống Donald Trump đặt tên cho món quà này là Victory. Trên thực tế, đây là món quà tượng trưng và con ngựa vẫn ở lại Mông Cổ thay vì được đưa đến Mỹ.
Năm 2022, trong chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh, ông đã được Mông Cổ tặng con ngựa trắng tên là Tejas làm quà.
Ý nghĩa của việc tặng ngựa
Theo các nhà khoa học, ngựa là một trong số những loài vật đầu tiên được con người thuần hóa, vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên. Mông Cổ là nơi đã thuần hóa loài ngựa từ rất sớm.
Giống ngựa bản địa của Mông Cổ là nòi ngựa chiến nổi tiếng sinh ra tại các vùng thảo nguyên Mông Cổ và sa mạc Gobi. Giống ngựa này hầu như không hề thay đổi kể từ thời kỳ Thành Cát Tư Hãn.
Những năm gần đây, Mông Cổ thường xuyên tặng ngựa trong các sự kiện ngoại giao. Theo truyền thống, tặng ngựa là một trong những cách có ý nghĩa văn hóa nhất để tôn vinh cá nhân.
Ngựa Mông Cổ có vóc dáng khiêm tốn, nhỏ nhắn nhưng bù lại có sức chiến đấu dẻo dai, gan dạ và nhanh nhẹn. Đây là giống ngựa tinh anh, một trong những loài ngựa tốt nhất trên thế giới.
Với cuộc sống du mục nơi thảo nguyên bao la, rộng lớn, ngựa là thứ quý nhất với người Mông Cổ. Ngựa chở người, thồ hàng, ngựa chăn cừu, đi săn. Với người Mông Cổ, ngựa tượng trưng cho sức mạnh, sự trung thành, sức sống mãnh liệt và may mắn.
Đặc điểm nổi bật của ngựa Mông Cổ
Ngựa Mông Cổ nhỏ hơn khá nhiều so với ngựa châu Âu và vì thế mà ăn ít hơn. Chúng chạy rất nhanh từ khoảng 30-45 km/h, có thể bất ngờ “ôm cua” ở tốc độ cao. Theo nhiều chuyên gia, ngựa Mông Cổ cực kỳ bền sức, có thể chạy 10 giờ liên tục.
Ngựa Mông Cổ được rèn luyện ở những điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Những con ngựa sống ngoài trời quanh năm ở 30°C vào mùa hè xuống đến -40°C vào mùa đông. Chúng còn có khả năng cào tuyết tìm thức ăn. Trong lịch sử, chúng có thể rong ruổi từ đông sang tây theo những đội quân chinh phạt thế giới.
Ngựa Mông Cổ dễ nuôi. Toàn thân chúng có màu nâu đỏ hoặc nâu sẫm. Chúng có thân hình cân đối, ngực nở, bụng thon, chân to, chắc khỏe, lông dày, cổ nở. Mặc dù dáng của ngựa Mông Cổ không đẹp bằng ngựa châu Âu, nhưng bù lại chúng rất khoẻ và bền bỉ.
20 ngày sống trong thời tiết -30 độ C, ngoài trời tuyết đóng dày đặc 40-50cm, 5 cán bộ của Đoàn Cảnh sát cơ động Kỵ binh học cách cưỡi ngựa, chọn ngựa và hoàn thiện các thủ tục đưa ngựa về Việt Nam nhanh nhất có thể.