Ông Medvedev. Ảnh: Reuters

Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev, hôm nay (14/4) cảnh báo NATO rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập liên minh quân sự này, Nga sẽ tăng cường phòng thủ trong vùng, gồm cả triển khai vũ khí hạt nhân.

Theo hãng tin Reuters, Phần Lan - quốc gia có biên giới chung dài 1.300km với Nga và Thụy Điển, đang cân nhắc gia nhập NATO. Thủ tướng Sanna Marin nói, Phần Lan sẽ có quyết định trong vài tuần tới.

Ông Dmitry Medvedev, một trong các đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Nga Putin, tuyên bố, nếu Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO thì Nga sẽ tăng cường lực lượng trên bộ, trên biển và trên không ở biển Baltic. Quan chức này nói: "Không thể có bàn cãi thêm về vị thế phi hạt nhân của Baltic - nơi vùng Kaliningrad của Nga bị kẹp giữa Ba Lan và Lithuania. Cần thiết lập lại sự cân bằng".

Ông Medvedev, là Tổng thống Nga từ 2008-2012, nói thêm: "Cho tới giờ, Nga chưa thực hiện biện pháp nào như vậy và sẽ không thực hiện... Nếu Nga bị ép làm điều không muốn... thì hãy nhớ rằng chúng tôi không phải là người đề xuất làm việc đó".

Lithuania tuyên bố, đe dọa của Nga không có gì mới và Moscow đã triển khai vũ khí hạt nhân tới Kaliningrad từ rất lâu, trước khi cuộc chiến ở Ukraine diễn ra. Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anusauskas nói: "Vũ khí hạt nhân luôn được Nga cất giữ ở Kaliningrad... cộng đồng quốc tế, các nước trong vùng, đều biết rõ điều đó. Nga dùng nó như một mối đe dọa".

Việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO sẽ là một trong những hệ quả chiến lược lớn nhất của châu Âu trong cuộc chiến tại Ukraine.

Kaliningrad có tầm quan trọng đặc biệt tại bắc Âu, nó nằm cách London, Anh và Paris, Pháp chưa đầy 1.400km và khoảng 500km so với Berlin. Năm 2018, Nga đã triển khai tên lửa Iskander tới Kaliningrad. Iskander là tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn, có thể mang các đầu đạn thường lẫn đầu đạn hạt nhân, có thể bay xa 500km song các nguồn tin quân sự phương Tây ngờ rằng nó có thể bay xa hơn.

Trực thăng Ukraine tấn công vùng Bryansk của Nga

Ủy ban điều tra của Nga vừa cho biết, các lực lượng Ukraine đã tiến hành ít nhất 6 cuộc không kích bằng trực thăng vào ngôi làng Klimovo ở vùng Bryansk của Nga, làm 7 người bị thương. Thống đốc vùng Bryansk trước đó cho biết, hai tòa nhà dân sự ở làng Klimovo, phía bắc vùng Chernihiv của Ukraine, bị trúng đạn pháo.

Ngoài ra, một ngôi làng ở vùng Belgorod của Nga cũng hứng hỏa lực từ Ukraine. Thống đốc vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov cho biết, ngôi làng Spodaryushino đã hứng hỏa lực từ Ukraine nhưng không ai bị thương.

Hiện Bộ Quốc phòng và quân đội Ukraine chưa phản hồi với đề nghị bình luận về thông tin trên.

Đầu tháng này, Nga cáo buộc Ukraine điều trực thăng tấn công qua biên giới để tấn công một kho dầu ở vùng Belgorod của nước này. Vào thời điểm đó, Thư ký Hội đồng an ninh quốc gia Ukraine đã bác bỏ thông tin này và phủ nhận trách nhiệm của Ukraine về vụ tấn công.

Tàu chiến Nga vẫn nổi sau khi gặp sự cố

Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết, đám cháy trên tàu chiến Moscow - tàu chỉ huy của Hạm đội Biển Đen, đã được kiểm soát. Theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga, "đám cháy đã được kiểm soát, không còn thấy lửa. Đạn dược không còn nổ. Tàu tuần dương Moscow vẫn nổi. Kho tên lửa không bị hư hại. Thủy thủ đoàn đã được sơ tán tới các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen. Các biện pháp đang được thực hiện để kéo tàu vào cảng. Nguyên nhân vụ cháy đang được xác định".

Bộ Quốc phòng Nga trước đó cho biết, tàu bị hư hại nghiêm trọng do đạn phát nổ vì hỏa hoạn.

Tuy nhiên, chỉ huy quân khu miền nam của Ukraine nói, tàu Moscow đã bắt đầu chìm ngay sau khi nó trúng tên lửa Neptune của nước này. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby cho biết, Mỹ không thể xác nhận điều gì đã xảy ra với tàu chiến Moscow của Nga vì không có đủ thông tin.

Kremlin nêu điều kiện cho cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Ukraine

Theo The Guardian, trong cuộc họp báo thường nhật mới diễn ra, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov bác bỏ thông tin Tổng thống Nga từ chối gặp người đồng nhiệm Ukraine.

Ông Peskov nói, điều kiện để cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Ukraine diễn ra là cần có một văn kiện sẵn sàng để hai nhà lãnh đạo này ký.

Hoài Linh