Tháng quyết định

Khi người tiêu dùng "thắt lưng buộc bụng", các nhà kinh tế cho rằng tác động kinh tế từ mùa mua sắm dịp lễ cuối năm luôn luôn tích cực. Một cuộc khảo sát trong năm 2019 của công ty kiểm toán Deloitte cho thấy, năm nước châu Âu có mức chi tiêu mạnh nhất vào Giáng sinh là Vương quốc Anh (639 euro/người), Tây Ban Nha (554 euro/người), Italy (549 euro/người), Đức (488 euro/người) và Bồ Đào Nha (387 euro/người).

Người tiêu dùng tại Anh dự kiến chi tổng cộng 7,504 tỷ bảng vào ngày Black Friday. Nhưng khi các cửa hàng đóng cửa có nghĩa tổng chi tiêu dự đoán sẽ thấp hơn năm ngoái. Bán lẻ trực tuyến sẽ kiếm đậm trong mùa Black Friday năm nay.

Theo báo cáo về mua sắm trong mùa giáng sinh 2020 do Trung tâm Nghiên cứu Bán lẻ (CRR) thực hiện, doanh số bán hàng trực tuyến được dự báo sẽ tăng gần 2 tỷ bảng Anh vào cuối tuần Black Friday.

{keywords}
Tháng làm ăn của ngành bán lẻ

Doanh thu trực tuyến sẽ tăng gần 53%, từ 3,77 tỷ bảng Anh (năm 2019) lên 5,76 tỷ bảng Anh. Chi tiêu trực tuyến được dự đoán sẽ đạt đỉnh vào chính ngày Thứ Sáu Đen khi 1,34 triệu bảng Anh (hơn 40,2 tỷ đồng) sẽ được chi mỗi phút.

Theo khảo sát, 1/3 số người tiêu dùng được hỏi cho biết họ sẽ không mua sắm tại các cửa hàng. Doanh số bán lẻ trực tiếp tại các cửa hàng sẽ tiếp tục sụt giảm do lòng tin của người tiêu dùng về sự an toàn đang giảm sút.

Anita Naik, Biên tập viên phong cách sống tại VoucherCodes.co.uk, nhận định, các biện pháp về an toàn sức khoẻ liên quan tới dịch bệnh đã làm thay đổi lớn ở bán lẻ truyền thống và Black Friday là dịp để họ có thể tạo thêm sức hút cho người mua. Tuy nhiên, thương mại điện tử vẫn là kênh mà nhiều người quan tâm hơn bởi nhiều ưu điểm.

Hiệp hội bán lẻ Đức HDE dự báo doanh số bán hàng trong tháng 11-12/2020 của nước này tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2019 nhờ doanh số bán hàng trực tuyến, thực phẩm, đồ nội thất và phần cứng, mặc dù doanh số từ các nhà bán lẻ truyền thống các mặt hàng quần áo, nước hoa và đồ chơi trẻ em sẽ bị sụt giảm.

Tại Mỹ, các công ty bán lẻ trực tuyến cũng đang bước vào mùa bận rộn nhất trong năm. Người Mỹ dự kiến sẽ mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong dịp lễ 2020 so với bất kỳ năm nào trước đó do tình trạng phong tỏa và nguy cơ mắc bệnh cao trước diễn biến phức tạp của dịch. Các chuyên gia đánh giá xu hướng này có thể ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm tới.

Một cuộc khảo sát của Affirm cho thấy 70% số người được hỏi nói rằng nhiều khả năng họ sẽ mua một mặt hàng đang được giảm giá ngay bây giờ, thay vì chờ tới đợt giảm giá gần với kỳ nghỉ lễ.

Marshal Cohen, phụ trách lĩnh vực bán lẻ tại NPD, kỳ vọng mùa mua sắm vào kỳ nghỉ lễ năm nay sẽ không quá ảm đạm. Diễn biến của dịch và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ làm ảnh hưởng tới sự quan tâm của người tiêu dùng Mỹ. Tuy nhiên, các sản phẩm không có doanh số cao hồi đầu năm 2020 như quần áo thời trang và phụ kiện, có thể giúp mùa mua sắm trong dịp nghỉ lễ năm nay tăng doanh số.

Trước đó, theo các số liệu do Adobe Analytics công bố, những người mua sắm trực tuyến tại Mỹ đã chi 4,2 tỷ USD để mua sắm trong dịp lễ Thanksgiving (Lễ Tạ ơn).

Bán hàng trực tuyến đã tăng cao ngay cả trước khi đại dịch bắt đầu lây lan. Năm 2019, khách hàng đã chi hơn 600 tỷ USD để mua sắm trực tuyến, tăng gần 15% so với năm trước đó, theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ.

{keywords}
Bán lẻ trực tuyến hưởng lợi

Amazon hưởng lợi

Trong bối cảnh đại dịch, sàn thương mại điện tử Amazon là bên được hưởng lợi. Báo cáo kết quả kinh doanh mà Amazon công bố ngày 29/10 cho thấy doanh thu của hãng thương mại điện tử lớn nhất thế giới tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 96,1 tỷ USD. Lợi nhuận tăng 197%, đạt 6,3 tỷ USD. Các con số này đều vượt xa kỳ vọng của giới phân tích.

Doanh thu từ các gian hàng trực tuyến của Amazon, bao gồm những sản phẩm như Alexa và những mặt hàng mà Amazon bán trực tiếp cho khách hàng qua website của hãng, tăng 38%. Doanh thu từ những gian hàng bên thứ ba bán sản phẩm trên website Amazon tăng 55%.

Amazon kỳ vọng doanh thu đạt khoảng 112-121 tỷ USD trong quý 4, lợi nhuận hoạt động đạt 1-4,5 tỷ USD sau khi trừ đi khoảng 4 tỷ USD chi phí liên quan đến dịch Covid-19.

Không chỉ nắm trong tay một lượng lớn các mặt hàng thiết yếu mà người Mỹ đang cần trên nền tảng của mình, từ giấy vệ sinh, nước sát khuẩn, đồ bảo hộ y tế, nhiệt kế điện tử,... đến nhu yếu phẩm, Amazon còn sở hữu một trong những hệ thống giao hàng siêu nhanh nổi tiếng là Prime Now.

Jay Carney, Phó Chủ tịch cấp cao của Amazon, cho biết khối lượng đơn hàng hãng phải xử lý cao gấp nhiều lần mùa lễ và Amazon phải thuê thêm 100.000 công nhân.

Tuy nhiên, do dịch bệnh, Amazon cũng phần nào bị ảnh hưởng. Mới đây, sàn này đã rút lại quảng cáo giảm giá Black Friday ở Pháp, sau khi Chính phủ cho rằng chiến dịch này không công bằng đối với các cửa hàng nhỏ bị buộc đóng cửa vào thời điểm Pháp đang triển khai các biện pháp giãn cách xã hội vì dịch. Theo Thứ trưởng Bộ Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runchaer, chiến dịch quảng cáo “không phù hợp chút nào vào thời điểm mà 200.000 doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa”.

Thư Kỳ