>> ‘Quyền được chết’ và vụ án tranh cãi hơn một thế kỷ
>> Bộ Y tế sẽ đề xuất quyền được chết
Thời gian vừa qua, đề xuất của Bộ Y tế đối với dự thảo Bộ luật dân sự sửa đổi về việc nên ghi nhận quyền được chết tiếp tục làm dấy nên cuộc tranh cãi từ các giới luật sư, bác sỹ… Tuy nhiên, trong các cuộc tranh luận hiện nay tại Việt Nam vẫn còn có những cách hiểu chưa thật đúng.
Cần hiểu đúng
Nếu ghi nhận quyền được chết thì cứ muốn chết là được chết?
Không phải vậy. Đây là một quyền nhân thân có điều kiện, chỉ áp dụng cho những trường hợp đang rơi vào tình trạng y tế không lối thoát (bệnh nan y, sống thực vật, hôn mê sâu…) mà mọi phương thức chữa trị không đem lại hiệu quả như mong muốn/không khôi phục được tình trạng bình thường của bệnh nhân.
Tất cả mọi vấn đề về xác định tình trạng, mong muốn của bệnh nhân, tình trạng, mong muốn của gia đình bệnh nhân, tư vấn tâm lý, quy trình thực hiện quyền... đều phải được thông qua một Hội đồng với quy trình chặt chẽ. Các điều kiện liên quan đến bệnh nhân, bác sỹ, cơ sở y tế… sẽ phải có quy định cụ thể.
Quyền được chết và Tội giúp người khác tự sát
Hiện nay Điều 101 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có quy định Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát. Về hình thức, hành vi giúp người khác tự sát có nhiều loại và đa dạng về chủ thể. Còn chủ thể thực hiện việc kết thúc sự sống của bệnh nhân để người này thực hiện quyền được chết phải là bác sỹ.
Hơn nữa, điều kiện tình trạng của bệnh nhân trong quyền được chết là điểm mấu chốt để phân biệt với các hành vi khác. Do đó, nếu thừa nhận quyền được chết thì việc bác sỹ hay cơ sở y tế giúp bệnh nhân ra đi thanh thản nếu tuân thủ đúng pháp luật sẽ không bị áp dụng quy định về Tội giúp người khác tự sát.
Làm xói mòn quyền cơ bản là được sống?
Quyền được chết không chỉ liên quan đến bệnh nhân đó mà còn cả gia đình và xã hội. Người bệnh nan y ở giai đoạn cuối chịu nhiều đau đớn, thậm chí nhiều người rơi vào tình trạng sống thực vật, mất ý thức. Cho nên, nếu họ không muốn gây thêm tốn kém không cần thiết cho gia đình, xã hội thì phải chăng nên tôn trọng ý nguyện của họ?
Hơn nữa, mục đích của quyền được chết là làm cho họ không phải sống đau đớn kéo dài và đó là mục đích nhân đạo. Họ không chối bỏ quyền được sống mà vì họ không còn đủ điều kiện đảm bảo sự sống. Điều này khác hẳn với người có điều kiện để sống, bị bệnh có thể cứu chữa được nhưng lại muốn chết, đó mới là trường hợp đáng lên án.
Quyền được chết cũng không mâu thuẫn với quyền sống đã được hiến định trong Hiến pháp. Lựa chọn “cái chết êm ái” hoàn toàn là quyền của bệnh nhân, Nhà nước, gia đình và xã hội không có quyền ép.
Ảnh minh họa. Nguồn: Thanh niên |
Dễ bị lạm dụng?
Đây cũng là một mối lo ngại, vì không chỉ riêng quyền được chết, mà bất cứ quyền nào, quy định nào khác của pháp luật vẫn có thể bị lạm dụng. Tuy vậy, chúng ta vẫn nên phân tích từ hai cách thức thực hiện quyền được chết để xem xét đánh giá vấn đề “lạm dụng” này:
(1) Chủ động: bệnh nhân dù mắc bệnh nan y không thể chữa khỏi, chịu nhiều đau đớn nhưng vẫn còn ý chí tỉnh táo, thể hiện được mong muốn của mình thì có thể đề xuất được thực hiện quyền này.
Đối với bệnh nhân hôn mê sâu, sống thực vật không thể hiện được ý chí của mình thì pháp luật phải có quy định về chúc thư y tế (living will), lập trong giai đoạn còn thể hiện được ý chí hoặc từ trước đó. Trong chúc thư nêu rõ mong muốn của người đó nếu như rơi vào hôn mê sâu, sống thực vật hay không thể hiện được ý chí thì có áp dụng quyền được chết hay không; chỉ định người đại diện, có quyền quyết định nếu như mình rơi vào tình huống y tế xấu.
(2) Bị động: nếu trường hợp bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu, không thể hiện được ý thức của mình mà bệnh nhân chưa có chúc thư y tế trước đó thì gia đình có quyền quyết định. Tuy nhiên, lúc này, trình tự thủ tục chặt chẽ hơn, gia đình phải chứng minh được mình không còn khả năng kinh tế để tiếp tục chữa trị cho bệnh nhân, tình trạng của bệnh nhân phải được thẩm định kĩ... Nếu như sau tất cả quy trình mà không chứng minh được thì bệnh nhân vẫn phải tiếp tục được chữa trị.
Thực chất đây là hình thức thực hiện cái chết êm ái dễ bị lạm dụng nhất. Chính vì vậy, một số quốc gia đã ghi nhận quyền được chết chỉ quy định hình thức chủ động và cấm hình thức bị động này.
Đi ngược lại mục đích của ngành Y?
Mục đích của y khoa là cứu người, nhưng nếu việc cứu người đó không hiệu quả, gia đình quá khó khăn, gây đau đớn cho bệnh nhân thì việc ghi nhận quyền được chết là hợp lý. Nếu gia đình còn khả năng kinh tế hoặc được sự trợ cấp của Nhà nước thì bệnh nhân phải được tiếp tục chữa trị, cho dù vẫn ở trong tình trạng y tế không lối thoát.
Cần nhiều điều kiện đảm bảo
Thực tế cho thấy số lượng các nước chấp thuận quyền được chết và xây dựng Luật An tử đang có xu hướng tăng dần trong các năm qua. Năm 2012, phần đông dân số ở 12 nước Tây Âu, trong đó có gần 3/4 dân Anh, ủng hộ việc hợp pháp hóa tự tử có trợ giúp (theo kết quả khảo sát mới nhất của Hiệp hội Luật sư Y tế Thụy Sĩ)[1]. Tỉ lệ ủng hộ quyền được chết cao nhất là ở Đức (87%) và thấp nhất là ở Hy Lạp (52%).
Ở 12 nước Tây Âu này, từ 2/3 đến 3/4 người được hỏi nói rằng, họ có thể chọn thời điểm và cách thức kết liễu đời mình, nếu mắc bệnh nan y, tàn tật nặng hoặc đau đớn không chịu nổi. Bên cạnh đó, hơn 3/4 người được hỏi nói rằng, việc hỗ trợ tự tử chỉ nên giao cho người có chuyên môn y tế cao như bác sỹ.
Thực chất, quyền được chết là một vấn đề rất nhạy cảm, nhất là về mặt chính trị. Việc tìm hiểu, đánh giá quyền này cần được xem xét thận trọng từ nhiều khía cạnh khác nhau, cũng như cần nhiều điều kiện đảm bào. Nếu nghiên cứu ghi nhận quyền này thì nên quan tâm đến các vấn đề như: khảo sát lấy ý kiến toàn quốc về quan điểm của người dân; đặc biệt cần nâng cao trình độ y tế, phúc lợi xã hội…
Quyền được chết, dù có triển vọng được nhiều quốc gia công nhận là quyền nhân thân, vẫn là một chặng đường còn khá dài ở phía trước. Ngay tại các quốc gia này, cuộc đấu tranh lập pháp cũng như chính trị đã diễn ra rất mạnh. Điều đó cũng chứng minh cho chúng ta thấy rằng, chấp nhận quyền được chết như một quyền nhân thân không phải là vấn đề đơn giản, song không phải là không có triển vọng thực tế./.
Luật gia Trương Hồng Quang (Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp)
[1] Xem: Nhiều dân châu Âu ủng hộ cái chết êm ái, Tiền phong, 2/12/2012.