Huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) có diện tích rừng khoảng 120.000 ha với hơn 60.000 ha rừng tự nhiên. Trong đó, có khu rừng phòng hộ và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải. Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải có diện tích hơn 20.000 ha. Đây được coi là khu bảo tồn có đa dạng sinh học phong phú bậc nhất Tây Bắc.
Theo ghi nhận Khu bảo tồn này có 788 loài thực vật bậc cao, 33 loài thuộc diện quý hiếm được ghi vào Sách đỏ Việt Nam năm 2007 và Danh lục đỏ của thế giới thế giới. Động vật tại đây cũng phong phú về loài trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng thể. Trong đó có 42 loài động vật quý hiếm cần bảo tồn và nghiêm cấm mọi hành vi săn bắt, mua bán, nuôi nhốt. 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu như Niệc cổ hung, Gà lôi tía, Vượn đen, Voọc xám.
Mặc dù lực lượng kiểm lâm, ban quản lý khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đã thực hiện nhiều hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, ngăn chặn tội phạm xâm hại rừng. Tuy nhiên, khu vực này vẫn là điểm nóng trong tỉnh Yên Bái về các hành vi vi phạm pháp luật như phá rừng lấy gỗ, mua bán động vật hoang dã.
Hạn chế tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đó là lực lượng kiểm lâm mỏng, đường đi lại khó khăn, các thiết bị trong hỗ trợ công tác giám sát rừng thiếu thốn và áp lực về dân cư sinh sống trong khu bảo tồn.
Dân cư sinh sống ở khu vực Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải đều là người dân tộc Mông, sinh sống quanh các xã Chế Tạo, Púng Luông, Nậm Khắt, Lao Chải và Dế Xu Phình. Người dân có dân trí thấp, hạn chế về nhận thức pháp luật nên còn các hành vi chặt cây lấy gỗ, săn bắn động vật hoang dã bán hoặc làm thực phẩm.
Tại các khu vực giáp với Sơn La, Lai Châu, đồng bào dân tộc còn tự ý phá rừng làm nương rẫy, săn, bắt, bắn, bẫy các loài động vật hoang dã như Sơn Dương, Gấu, Khỉ, Lợn rừng, Rắn.
Ban quản lý khu bảo tồn đã thường xuyên cử lực lượng cán bộ tuyên truyền tới người dân về các quy định của pháp luật liên quan tới bảo vệ rừng, các hành vi săn bắn động vật, chặt gỗ trái phép sẽ bị xử phạt theo quy định. Cũng qua các buổi tuyên truyền, ban quản lý cũng nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân từ đó đề xuất với các cơ quan ban ngành có các chính sách phù hợp trong phát triển kinh tế, xã hội.
Từ thực trạng người dân tàn phá rừng chủ yếu do không có đất sản xuất, sinh kế, từ năm 2019, Ban quản lý Khu bảo tồn đã phối hợp với các địa phương tiến hành thực hiện chính sách giao khoán rừng cho người dân. Nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng năm lên tới vài tỷ đồng đã giúp cộng đồng dân cư quanh khu bảo tồn phát triển kinh tế, giảm áp lực lên công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Theo ông Giàng A Hùa - Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải, trong năm 2022, xã nhận khoảng 11 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này chi trả tới từng hộ dân. Người dân có tiền trang trải cuộc sống, mua sắm đồ đạc trong gia đình, mua thêm vật nuôi về sản xuất kinh tế. Từ đó, đời sống người dân nâng lên. Người dân tại xã Chế Tạo đã không còn vào rừng chặt cây, săn động vật như trước mà họ trở thành lực lượng đắc lực trong công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ động vật, gỗ quý trên rừng.
Ngoài ra, ban quản lý cũng xây dựng các tổ bảo vệ rừng cộng đồng, tuyên truyền và vận động bà con ký cam kết không vi phạm các quy định về Luật Lâm nghiệp, Luật Đa dạng sinh học, bảo vệ rừng là bảo vệ tài nguyên cho thế hệ mai sau. Bên cạnh đó là lồng ghép tuyên truyền về các chính sách bảo vệ rừng thông qua các buổi họp thôn, bản, ngày hội các dân tộc...