Thông tin từ Tổng Cục quản lý thị trường cho biết, đội Quản lý thị trường số 11- Cục QLTT Nghệ An phối hợp với Đội 1, Phòng Cảnh sát kinh tế- Công an tỉnh tiến hành kiểm tra đột xuất Cơ sở kinh doanh thực phẩm do ông P.H.H làm chủ có địa chỉ tại đường An Dương Vương, phường Trường Thi, TP Vinh, Nghệ An.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở kinh doanh của ông H đang vận hành tài khoản trên trang Facebook để tiến hành các hoạt động bán hàng, chốt đơn qua mạng xã hội.

Mua bánh trung thu trôi nổi, chốt đơn online kiếm lời - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng NGhệ An kiểm tra hàng hóa vi phạm. Ảnh :QLTT Nghệ An

Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra phát hiện cửa hàng đang kinh doanh 600 cái bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trên bao bì vỏ bánh không thể hiện thông tin, căn cứ để xác định nơi sản xuất hàng hóa. Chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp để chứng minh nguồn gốc số hàng hóa nói trên.

Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông H thừa nhận do nhu cầu tiêu thụ dịp Tết Trung Thu tăng cao nên ông đã nhập số bánh trên từ các nguồn trôi nổi trên thị trường về để đăng bán online kiếm lời.

Đội QLTT Số 11 đã tiến hành hoàn chỉnh hồ sơ để xử lý đúng theo quy trình, quy định của pháp luật, buộc chủ cơ sở tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa nói trên với tổng giá trị thu phạt ước tính 30 triệu đồng.

Mua bánh trung thu trôi nổi, chốt đơn online kiếm lời - Ảnh 2.

Số bánh trung thu không rõ nguồn gốc bị thu giữ

Trong thời gian tới, Đội QLTT số 11 sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra, kiểm soát về An toàn thực phẩm trên địa bàn, bên cạnh đó khuyến cáo người tiêu dùng khi mua bánh trung thu cần lựa chọn người bán uy tín, sản phẩm phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm không bị dập nát, biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi lạ. Khi phát hiện những sản phẩm kém chất lượng, hoặc cơ sở sản xuất mất an toàn, người tiêu dùng cần chủ động thông tin tới cơ quan chức năng có thẩm quyền để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

Trong thời gian vừa qua tình trạng bánh Trung thu 'bẩn', nhập lậu, trôi nổi, không rõ xuất xứ, vi phạm an toàn thực phẩm liên tiếp bị lực lượng chức năng phát hiện và xử lý. Cục An toàn thực phẩm- Bộ Y tế đã có văn bản về tiếp tục tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2022.

Cần Thơ: Phát hiện lượng lớn thực phẩm và bánh kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ

Đội QLTT số 1 và Đội QLTT số 3 phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Cần Thơ kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm Vàng, đường Cách Mạng Tháng Tám, khu vực 5, phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ; hộ kinh doanh T-A-P-U (Trùm Ăn Vặt), đường Trần Bình Trọng, phường An Phú, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ và hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh giao F-O-O-D, địa chỉ: Khu vực 1, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.

Lực lượng chức năng TP. Cần Thơ kiểm tra hàng hóa
Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 3 phát hiện hộ kinh doanh thực phẩm Vàng đang bày bán 148 kg thực phẩm đông lạnh các loại, trị giá trên 14 triệu đồng, hàng hóa gồm lạp xưởng tươi (heo), chân gà có xương, đùi gà, cánh gà, bắp giò rút xương, vú heo, chả cá Nha Trang.

Chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng minh nguồn gốc hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã ban hành Quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh về hành vi Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, phạt tiền 12.000.000 đồng, tịch thu toàn bộ tang vật vi phạm nêu trên.

Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 phát hiện hộ kinh doanh thực phẩm đông lạnh Giao F-O-O-D đang kinh doanh 150kg thực phẩm đông lạnh, trị giá trên 24 triệu đồng, gồm lõi nạc vai, đùi, dẽ sườn, ba chỉ, gù bò, chân gà, vú, sườn heo, chứa đựng trong các túi nylon không có nhãn hàng hóa, có dấu hiệu hư hỏng, có mùi hôi thối, bị biến đổi thành màu xanh, bị nhớt. Đại diện hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn liên quan đến hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với hộ kinh doanh về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Đối với Hộ kinh doanh T-A-P-U (Trùm Ăn Vặt), Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 1 phát hiện hộ kinh doanh đang kinh doanh 211 hộp, túi bánh, kẹo, bánh mứt trái cây, nho khô có nhãn hiệu Oreo socola vani, QISHi, KasDiary, MEIZHOUSHIKE, JIAYINGZI PLUM, Boeun Jujube, NEXTAR, HORSH, trị giá trên 12 triệu đồng, có thông tin trên nhãn ghi do nước ngoài sản xuất, đại diện hộ kinh doanh chưa cung cấp được hóa đơn chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa nêu trên để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Theo Sức khỏe & Đời sống