Tăng cường nguồn cung hàng hóa gấp nhiều lần
Chiều nay 7/3, Bộ Công Thương tổ chức họp khẩn với các nhà cung ứng, doanh nghiệp về vấn đề đảm bảo cung ứng hàng hóa trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) ngày càng diễn biến phức tạp.
Mở đầu cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo dù dịch bệnh diễn ra mức độ nào cũng phải chủ động chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối hàng hóa nhu yếu phẩm, tuyệt đối không để thiếu hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân.
Theo ông Trần Tuấn Anh, ở nhiều nước, do tâm lý lo lắng nên dẫn tới chuyện mua sắm tích trữ hàng hóa gây thiếu hàng cục bộ. Do đó, ông Trần Tuấn Anh yêu cầu phải chú ý đến nguồn cung hàng hóa và hệ thống phân phối, nhất là một số hàng hóa thiết yếu.
Tăng cường nguồn cung, dân không lo thiếu hàng. Ảnh: Lương Bằng |
“Phải tính đến yếu tố khi không phải cách ly một gia đình mà là cả khu phố, khu vực lớn thì áp lực với phân phối, cung ứng hàng hóa như thế nào? Hiện người dân bên ngoài đưa hàng vào qua hàng rào cách ly, nhưng nếu như cả một khu vực có dân số lớn thì sẽ ứng phó thế nào? Chính quyền địa phương càng phải chủ động, không chỉ cung ứng mà là hoạt động của cả hệ thống phân phối đó”, ông Trần Tuấn Anh chia sẻ.
Lãnh đạo Bộ Công Thương đặt ra nhiệm vụ các sở công thương phải tính đến trường hợp cực đoan nhất, để tính toán việc ổn định nguồn cung.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Từ khi dịch bùng phát đến nay, theo báo cáo của sở công thương và nhà phân phối lớn, các siêu thị đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn cung. Ví dụ từ khi dịch bùng phát đến nay, Big C tăng gấp 3 lần hàng dự trữ tại kho, Saigon co.op tăng 50% lượng hàng cung ứng, Vinmart tăng 30-50% lượng hàng cung ứng ra thị trường...
“Ngay trong sáng nay, chúng tôi đã triển khai lực lượng xuống địa bàn, điểm bán hàng của các siêu thị. Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng 7/3 có tăng nhưng nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị vẫn đáp ứng nhu cầu”, ông Trần Duy Đông nói.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội |
Tôi khẳng định thành phố luôn đảm bảo nguồn cung kể cả khi có nhu cầu tăng đột biến. Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không lo thiếu hàng nên bà con yên tâm mua hàng theo đúng nhu cầu sinh hoạt, không mua nhiều tránh tăng đột biến nguồn cung cục bộ trong 1-2 ngày. Cam kết với người dân Hà Nội không có một ngày nào thiếu hàng. |
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, thông tin: Khi xảy ra dịch, Sở Công Thương Hà Nội đã chủ động yêu cầu các hệ thống phân phối tăng cường dự trữ hàng hóa. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng 30-40%, trong ngày 7/3 các doanh nghiệp đã có phương án triển khai ngay. Từ đêm ngày 6/3 và sáng sớm 7/3 theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần ngày bình thường.
“Trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà nội cũng đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hóa đầy đủ trong hệ thống không để có địa bàn bị trống hàng, thiếu hàng”, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khẳng định.Siêu thị đảm bảo đủ hàng, không tăng giá
Hàng nhiều, không cần tích trữ
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng giám đốc Central Group Việt Nam, cho hay: Từ khi Việt Nam có dịch bệnh, Big C đã chủ động tăng hàng dự trữ, đặc biệt là nhu yếu phẩm như gạo, mỳ, giấy vệ sinh... lên 300-400% tùy theo cửa hàng. Hiện nay, hệ thống siêu thị chỉ thiếu cục bộ khi khách hàng đến đông, ngày hôm nay có 16.000-17.000 hóa đơn trong ngày. Số người đi vào siêu thị nhiều đến mức nhân viên không thể di chuyển để lấy hàng được.
“Khi tâm lý tiêu dùng khách hàng hoang mang, chúng tôi phải làm việc với nhà cung cấp, hộ nông dân, hợp tác xã. Bình thường hàng thực phẩm tươi sống chỉ giao hàng 1 ngày/1 lần thì ngày hôm nay giao đến 4 lần”, bà Nguyễn Thị Phương cho biết.
Ngoài ra, Big C đã làm việc với đối tác Canada, Brazil nhập thịt lợn về để đảm bảo nguồn cung. Ngày mai hàng sẽ về đến siêu thị.
“Để giảm tải người tập trung tại một thời điểm, chúng tôi điều chỉnh thời gian mở cửa. Ngày mai sẽ mở từ 7h thay vì 8h như mọi khi và đóng cửa 11-12h đêm cho đến khi hết khách hàng. Chúng tôi cam kết không tăng giá sản phẩm”, đại diện chuỗi siêu thị BigC khẳng định.
Mua cả đống làm gì, Hà Nội không 1 ngày nào thiếu hàng |
Đại diện cho MM Mega Market Việt Nam cho biết, dự đoán tình tình, ngay từ đầu năm, siêu thị đã tăng lượng hàng thiết yếu bán ra từ 20-40% so với kế hoạch. Hiện tại, MM đang đặt hàng và tăng số lượng xe giao hàng đến các trung tâm, đặc biệt là các trung tâm ở khu vực miền Bắc, tránh tình trạng thiếu hàng và sốt giá.
Các mặt hàng như: gạo, thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống... đã được MM tập trung chủ động nguồn hàng hóa, tăng lượng mua vào với tổng giá trị hàng hóa hơn 1,200 tỷ đồng. Đặc biệt, các mặt hàng hỗ trợ phòng ngừa bệnh truyền nhiễm như khẩu trang y tế, nước rửa tay, nước sát trùng... tăng lượng hàng lên từ 190% đến 1.500%
Đại diện Saigon Co.op Hà Nội chia sẻ trong ngày hôm nay, hệ thống Saigon Co.op đã triển khai phương án điều nguồn hàng thiết yếu từ các kho hàng trên cả nước về các hệ thống Co.opmart, Co.opFood, đảm bảo nguồn cung cho thị trường Hà Nội. Đồng thời hệ thống siêu thị này khẳng định không tăng giá hàng hóa trên toàn hệ thống.
Doanh nghiệp này đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với trước. Đến ngày 6/3, Saigon. Co.op đã dự trữ khối lượng hàng hóa lên tới 500 tỷ đồng cho mùa dịch Covid-19. Trong đó, số lượng hàng dành riêng cho thị trường miền Bắc và Hà Nội chiếm 20%, tương đương 100 tỷ đồng.
“Ngay tối qua khi có thông tin về trường hợp có 1 người dương tính với Covid-19, hệ thống siêu thị đã triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân”, đại diện Saigon Co.op cho hay.
Lương Bằng