Theo đánh giá của Cơ quan Phòng, chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc, từ năm 2021 đến nay, mỗi năm tội phạm lừa đảo trực tuyến và mua bán người thu về lợi nhuận khoảng 280 tỷ USD. Dự kiến năm 2025, lợi nhuận do tội phạm này mang lại là 350 tỷ USD. Vì thế, loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng, phương thức hoạt động ngày càng đa dạng, với nhiều thủ đoạn tinh vi, tính chất nghiêm trọng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Hiện nay, các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để tạo các tài khoản mạng xã hội, chủ yếu tài khoản ảo, các hội, nhóm “lao động việc nhẹ, lương cao”... nhằm môi giới, lừa gạt nạn nhân ra nước ngoài lao động. Sau đó, chúng bán cho đối tượng người nước ngoài hoặc các casino, đặc khu kinh tế thuộc Campuchia, Lào và Myanmar.
Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng thường xuyên thay đổi về thủ đoạn, môi giới qua nhiều khâu trung gian, sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất, nhập cảnh hoặc thuê người vận chuyển, đưa nạn nhân vượt biên giới, sau đó đưa vào sâu nội địa bán làm các công việc như cưỡng bức lao động, ép nạn nhân thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến, mua bán ma túy.
Bên cạnh đó, các đối tượng đẩy mạnh hoạt động tổ chức đưa người đi xuất cảnh trái phép hoặc xuất cảnh hợp pháp như du lịch, thăm thân, chữa bệnh, sau đó tổ chức trốn ở lại cư trú và lao động bất hợp pháp sang Trung Quốc, Lào, Campuchia...
Khi nhập cảnh trót lọt, bọn chúng sẽ thu giữ các loại giấy tờ tùy thân của nạn nhân, bán cho các chủ sử dụng lao động. Khi nạn nhân không đáp ứng hoặc hết giá trị sử dụng, chúng sẽ đánh đập, gọi điện về gia đình nạn nhân yêu cầu tiền chuộc, thông báo cho các cơ quan chức năng nước sở tại để kiểm tra, bắt giữ hoặc đẩy đuổi, trục xuất về nước.
Trên tuyến biên giới biển, nhất là các tỉnh phía Nam, lợi dụng tình trạng thiếu lao động trên biển, nhất là lao động có kinh nghiệm khai thác thủy, hải sản, hoạt động mua bán núp bóng dịch vụ môi giới lao động biển (“cò” ngư phủ) vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra tại địa bàn các tỉnh từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Kiên Giang.
Các đối tượng “cò” ngư phủ móc nối, liên kết với “chân rết” ở nhiều tỉnh, thành phố; lập các hội, nhóm tìm việc làm trên mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt nam thanh niên trong cả nước có nhu cầu tìm việc làm, sau đó chuyển giao người lao động cho các chủ tàu.
Bên cạnh đó, các loại tội phạm “nguồn” của mua bán người như tổ chức cho người khác xuất, nhập cảnh trái phép, mang thai hộ vì mục đích thương mại, mua bán bộ phận cơ thể người cũng diễn biến phức tạp. Các đối tượng vẽ ra viễn cảnh lấy chồng nước ngoài, với cuộc sống sung sướng, giàu sang. Ngoài ra, khi lấy chồng nước ngoài, gia đình còn được nhận từ 100 đến 200 triệu đồng…
Đáng chú ý, một số đối tượng từng là nạn nhân mua bán người đã lấy chồng Trung Quốc, thường xuyên trở về Việt Nam móc nối với các đối tượng ở trong nước tạo thành đường dây để dụ dỗ, lừa gạt, môi giới kết hôn, sau đó đưa sang Trung Quốc bán làm vợ hoặc vào các động mại dâm sống đoạn đời đầy tủi nhục.
Qua thực tiễn đấu tranh tội phạm mua bán người thời gian qua, có thể xác định nạn nhân mà bọn buôn người, nạn nhân của tội phạm mua bán người chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 35, trẻ em trong độ tuổi vị thành niên và nam giới trong độ tuổi lao động. Tội phạm tập trung vào nhóm đối tượng học sinh, sinh viên; những người ham lợi ích vật chất; thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình; những người có hạn chế về nhận thức; người có hoàn cảnh kinh tế đói nghèo, thất nghiệp, thất học; những người muốn thay đổi cuộc sống nhưng thiếu thông tin cần thiết và chính xác; những người chấp nhận thay đổi cuộc sống để lấy chồng nước ngoài…